NHNN Chi nhánh Hà Nội được giao quản lý thị trường và giám sát an toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn thủ đô

NHNN Chi nhánh Hà Nội được giao quản lý thị trường và giám sát an toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn thủ đô

Hệ thống ngân hàng Hà Nội tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Qua hơn 2 năm thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đã thực sự đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đây là một trong những kết quả khả quan thể hiện sự nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Hà Nội, cùng hệ thống các tổ chức tín dụng trong việc đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thành phố.

Đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu

Là ngành kinh tế tổng hợp cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ ngân hàng cho xã hội, ngành ngân hàng đã không ngừng phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô, đáp ứng nhu cầu tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Tại thời điểm này, mạng lưới ngân hàng trên địa bàn Hà Nội có 446 tổ chức tín dụng (tính đến chi nhánh cấp 1) đang hoạt động. Từng tổ chức tín dụng đã nâng cao chất lượng hoạt động, nỗ lực trong hiện đại hoá công nghệ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thành phố.

Trong khi đó, NHNN Chi nhánh Hà Nội đã thực hiện tốt vai trò đầu mối tổ chức triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn và hiệu quả.

 Để thu hút và tạo nguồn vốn, các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp huy động vốn từ dân cư và các tổ chức kinh tế. Đây là yếu tố quan trọng đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phát triển hoạt động ngân hàng trên địa bàn.

Cụ thể, đến hết năm 2016, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 1.644.411 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2015. Tính đến hết tháng 3/2017, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn Hà Nội ước đạt 1.667.716 tỷ đồng, tăng 1,42% so với cuối năm 2016.

Lãi suất cho vay chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp luôn thấp hơn mức lãi suất chung từ 1,5 - 2%/năm 

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, ngành ngân hàng Hà Nội vẫn duy trì mức tăng trưởng tín dụng khá tốt. Đến hết năm 2016, tổng dư nợ tín dụng (bao gồm cả cho vay và đầu tư) trên địa bàn đạt 1.462.801 tỷ đồng, tăng 18,19% so với cuối năm 2015.

Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1.117.366 tỷ đồng, tăng 20,01% so với cuối năm 2015. Tính đến hết tháng 3/2017, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt 1.498.468 tỷ đồng, tăng 2,44% so với cuối năm 2016.

Thực hiện đúng định hướng về cho vay, đầu tư vốn, có chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay đối với các đối tượng ưu tiên, các dự án trọng điểm của Thành phố, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, dư nợ cho vay nông nghiệp phát triển nông thôn đến hết năm 2016 chiếm 6,93% tổng dư nợ cho vay và tăng 17,56% so với cuối năm 2015; dư nợ cho vay xuất khẩu chiếm 9,79% và tăng 18,53%; Dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm 0,84% và giảm mạnh (- 89%); Dư nợ cho vay bất động sản chiếm 8,01% và tăng 9,94%; Dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 40,9% tổng dư nợ cho vay và tăng 16,5% - mức tăng mạnh so với các lĩnh vực khác.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp là một trong những hoạt động được NHNN Việt Nam, UBND TP. Hà Nội chú trọng triển khai đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn từ năm 2014 đến nay.

Qua quá trình thực hiện, đã thu về những kết quả nổi bật. Theo đó, ngoài yếu tố hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả như: đồng hành, tư vấn cho doanh nghiệp trong quản trị, điều hành, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất - kinh doanh; tổ chức cho vay theo chuỗi các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm; cung cấp các sản phẩm dịch vụ tăng cường hiệu quả sử dụng vốn.

NHNN Chi nhánh Hà Nội đã thực hiện tốt vai trò đầu mối tổ chức triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng

Thực tế, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý cho khách hàng. Trong năm 2015, 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, kết quả triển khai thực hiện chương trình kết nối của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội cụ thể như sau:

Năm 2015, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đã cam kết cho vay theo Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp 109.350 tỷ đồng, dư nợ đến ngày 31/12/2015 đạt 54.317 tỷ đồng, tăng 3,24 lần so với ngày 31/12/2014. Trong đó, giải ngân được 545 tỷ đồng cho 23 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu (dư nợ ngắn hạn là 452 tỷ đồng; dư nợ trung và dài hạn là 93 tỷ đồng).

Đến ngày 31/12/2016, dư nợ theo chương trình kết nối đạt 233.732 tỷ đồng, tăng 4,3 lần so với ngày 31/12/2015. Lãi suất cho vay của chương trình phổ biến ở mức 6 - 7%/năm với các khoản vay ngắn hạn, 8 - 9%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên và có xếp hạng tín dụng tốt được hưởng lãi suất ưu đãi thấp hơn.

Đến ngày 31/3/2017, các ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội đã cam kết cho vay chương trình là 295.506 tỷ đồng, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm 2017 đến nay đạt 45.625 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt 268.519 tỷ đồng, trong đó cho vay mới là 208.393 tỷ đồng; dư nợ do điều chỉnh lãi suất khoản vay cũ, gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng là 60.126 tỷ đồng.

Mức lãi suất cho vay VND trong chương trình kết nối đã giảm so với mặt bằng chung thời gian trước đây, được áp dụng khoảng 5 - 7%/năm, giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về chi phí sản xuất kinh doanh.

Dễ nhận thấy, chương trình được thực hiện đã có ý nghĩa thiết thực, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm bớt khó khăn về vốn và chi phí lãi vay, từ đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh. Về phía ngành ngân hàng, chương trình đã giúp đưa được vốn vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng.

Thực tế, lãi suất cho vay chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp luôn thấp hơn mức lãi suất chung từ 1,5 - 2%/năm. Năm 2017, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND có xu hướng ổn định và giảm so với năm 2016.

Việc lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên được áp dụng 7%/năm đã hướng vốn tín dụng vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển theo chủ trương của Chính phủ.

Bước sang năm 2017, ngành ngân hàng Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn, hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo định hướng của NHNN Việt Nam, tiếp tục tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý cho khách hàng.

Đồng thời, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, nâng cao chất lượng các dịch vụ ngân hàng; tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, sở ngành của Thành phố hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp.

Quản lý hiệu quả hệ thống ngân hàng

Nhìn lại cả một khoảng thời gian dài của hoạt động ngân hàng trên địa bàn, có thể khẳng định, ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình phát triển của Thủ đô, NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội đều hoàn thành tốt “sứ mệnh” của mình.

Cụ thể, NHNN Chi nhánh Hà Nội đã làm tốt vai trò đầu mối tổ chức triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của NHNN Việt Nam, các chương trình, kế hoạch của Thành uỷ và UBND Thành phố về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, NHNN Chi nhánh Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai và dành vốn tín dụng cho chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình bình ổn thị trường. Đây là chương trình tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của TP. Hà Nội.

Theo đó, những doanh nghiệp tham gia chương trình, dù thuộc ngành nghề nào (có thể không thuộc trong các lĩnh vực ưu tiên) đều được hưởng lãi suất cho vay như đối với các lĩnh vực ưu tiên theo quy định tại thời điểm tham gia ký kết. Điều này đã thể hiện sự chia sẻ khó khăn của hệ thống ngân hàng với doanh nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh Hà Nội cũng không ngừng chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng dụng công nghệ mới; phát triển và chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng tiện ích và hiện đại.

Đồng thời, thường xuyên đẩy mạnh công tác theo dõi, quản lý và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, đảm bảo kinh doanh an toàn hiệu quả. Trong đó, các hoạt động đầu tư, tín dụng được Chi nhánh đặc biệt quan tâm, kịp thời phát hiện những vi phạm trong cho vay, quan hệ tín dụng với khách hàng, quản lý nợ xấu…

Trên cơ sở đó có biện pháp chấn chỉnh hiệu quả, kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị xử lý các tổ chức tín dụng, cá nhân để xảy ra sai phạm, đảm bảo an toàn cả hệ thống, nâng cao chất lượng tín dụng.

Đối với hoạt động thanh toán, tiền tệ và kho quỹ, NHNN Chi nhánh Hà Nội triển khai tốt các quy chế, quy định và chương trình của toàn ngành, vận hành thông suốt, hiệu quả, đảm bảo các yêu cầu về chi trả, tiền mặt, giao dịch của các tổ chức tín dụng trên địa bàn diễn ra thông suốt, an toàn, hiệu quả. Nhờ đó, các chỉ tiêu hoạt động tiền tệ - ngân hàng của tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội luôn đứng ở hàng nhất nhì toàn quốc.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, tình hình kinh tế trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế cả nước nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Trong bối cảnh này, NHNN Chi nhánh Hà Nội đã có Kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện kịp thời chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, các cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng. Kế hoạch này được triển khai đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Kết quả là ngành ngân hàng Hà Nội đã góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế trên địa bàn, an sinh xã hội được bảo đảm, trật tự an toàn được giữ vững; các hoạt động tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối, dịch vụ tài chính ngân hàng có liên quan ở Thủ đô có những bước phát triển mới, đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Để đạt được mục tiêu chung nói trên, phải đặt trong hoàn cảnh NHNN Chi nhánh Hà Nội được giao quản lý và chỉ đạo hàng trăm tổ chức tín dụng, từ phòng giao dịch đến các chi nhánh cấp 1; từ những ngân hàng thương mại cổ phần quy mô khiêm tốn, đang phải cơ cấu lại; đến những đơn vị của các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa, cùng với chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và ngân hàng liên doanh.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm, kế hoạch cụ thể, NHNN Chi nhánh Hà Nội đã đảm bảo việc quản lý các vấn đề về lãi suất, tỷ giá, thu đổi ngoại tệ, kiều hối, kinh doanh vàng, dịch vụ thẻ, xử lý nợ xấu, phát mại tài sản đảm bảo tiền vay... đáp ứng được các yêu cầu đề ra.

Tin bài liên quan