Nhiều công ty chứng khoán xảy ra tình trạng lỗi một hoặc toàn bộ kênh giao dịch trực tuyến sau khi hệ thống mới của HOSE chính thức vận hành.

Nhiều công ty chứng khoán xảy ra tình trạng lỗi một hoặc toàn bộ kênh giao dịch trực tuyến sau khi hệ thống mới của HOSE chính thức vận hành.

Hệ thống mới của HOSE hết nghẽn mà chưa thông

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hân hoan vì phần mềm mới khớp lệnh nhanh chưa được hai phiên thì nhà đầu tư đã hoang mang vì tình trạng không thông suốt trong kết nối giữa nhiều công ty chứng khoán lớn và HOSE.

Tưởng thông lại chưa thông

Một đoạn clip được đăng trên nền tảng Tiktok là hình ảnh bảng điện HOSE nhấp nháy liên tục trên nền nhạc sôi động, diễn tả tốc độ khớp lệnh được đánh giá là “quá mượt” sau khi vận hành phần mềm của FPT.

Nhưng chỉ sau hơn một phiên giao dịch bằng phần mềm mới, nhiều nhà đầu tư “ngơ ngác, ngỡ ngàng, ngã ngửa” trước tình trạng giá giảm nhanh, giảm mạnh trong phiên xác định giá đóng cửa (ATC) ngày 6/7, trong bối cảnh hệ thống của một số công ty chứng khoán lớn như SSI, VPS, TCBS… xảy ra tình trạng lỗi một hoặc toàn bộ kênh giao dịch trực tuyến, dẫn đến những hiện tượng khó lý giải.

Nhà đầu tư Hải Nam cho biết, mã LPB, thanh khoản mỗi phiên giao dịch trong 1 quý gần nhất đạt hơn 15,5 triệu đơn vị/phiên, mà phiên ATC ngày 6/7 có khối lượng khớp gần 1,7 triệu đơn vị tại giá sàn, trong khi trước đó giá dao động nhẹ. “Đây là diễn biến rất vô lý”, anh Nam nhận xét.

Nhà đầu tư Bình Nguyễn cho hay, hệ thống giao dịch không phản ánh chuẩn lệnh mua, lấy ví dụ với mã OCB, giá cổ phiếu bất ngờ giảm sàn. Tình trạng tương tự diễn ra ở cổ phiếu TCB, CTG…

Nhiều suy luận cho rằng, các “tay to” (nhà đầu tư lớn) muốn “đạp chỉ số, ăn phái sinh” nên phiên ATC ngày 6/7 bán xuống, trong khi đó, lệnh mua lại không vào được hệ thống, dẫn đến không ít mã giảm giá sàn.

Nhà đầu tư Mai Anh chia sẻ, phiên 6/7, chị đặt lệnh mua nhằm bắt đáy cổ phiếu FLC thì màn hình xuất hiện thông báo “time out” (hết giờ), điều chưa từng xảy ra trước đây.

Trên thị trường lan truyền nhận định: “Do lỗi kết nối từ các công ty chứng khoán tới HOSE, hệ thống không nhận lệnh, nên các lệnh bị treo tại công ty chứng khoán. Tuy nhiên, đến phiên ATC thì tất cả các lệnh lại được vào hệ thống cùng một lúc, vô hình trung tạo ra một tình huống wash out (rũ bỏ). Với rủi ro hệ thống như vậy, tất cả thị trường đều bị ảnh hưởng”.

Chậm nghẽn đi, nhanh nghẽn về

Sau 4 ngày chạy phần mềm giao dịch mới, nhiều công ty chứng khoán lớn cũng gặp sự cố như VPS, SSI, VNDIRECT, Yuanta Việt Nam, TCBS, BSC, MBKE, HSC..., xuất hiện lỗi không đăng nhập được trên web, ứng dụng vào tài khoản, không kết nối được với tài khoản ngân hàng, không thể đặt được lệnh, nhẹ hơn thì bị lỗi kết nối hệ thống khiến diễn biến giao dịch không “mượt”. Theo các công ty chứng khoán, lý do là hệ thống chưa tương thích với phần mềm mới của HOSE.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Phụ trách Hội đồng quản trị HOSE cho biết, hệ thống giao dịch mới trên HOSE vận hành ổn định từ ngày 5/7 đến nay. Hiện tượng lỗi xuất hiện cục bộ tại một số công ty chứng khoán, do mỗi công ty lựa chọn và đầu tư một hệ thống công nghệ khác nhau. Lỗi xảy ra ở các công ty là khác nhau, nhưng tập trung chủ yếu ở công đoạn nhận, trả lệnh từ công ty chứng khoán đến nhà đầu tư.

“Tốc độ hệ thống mới được nâng cấp nhiều, đẩy thông tin từ HOSE về quá nhanh, trong khi hệ thống của một số công ty cập nhật chậm. Có đơn vị, phần mềm nhận lệnh với nhà đầu tư có trục trặc, báo là chưa nhận lệnh, nhưng thực ra lệnh đã vào hệ thống rồi, ảnh hưởng đến giao dịch”, bà Hà nói.

Được biết, khi triển khai hệ thống mới mạnh hơn để chống nghẽn lệnh, HOSE và đối tác FPT đã thực hiện kiểm tra, chạy thử hệ thống giả lập. Mặc dù vậy, hệ thống giả lập vẫn quá nhỏ so với thực tế thị trường đang phát triển mạnh khi nhiều nhà đầu tư kết nối giao dịch, hệ thống công nghệ một số công ty chứng khoán không tương thích kịp.

Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán về việc HOSE sẽ làm gì để hệ thống giao dịch thông suốt đến các công ty chứng khoán, bà Hà chia sẻ, HOSE cần có đánh giá, khảo sát tình hình tại các công ty chứng khoán. Nếu là vấn đề cục bộ của từng công ty, mỗi công ty chứng khoán cần đánh giá và có phương án xử lý riêng. Nếu là vấn đề nhiều công ty cùng gặp phải thì HOSE sẽ phối hợp chặt chẽ với các công ty chứng khoán về cách thức xử lý.

Ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS)

Tình trạng lỗi giao dịch chỉ xuất hiện tại một số công ty chứng khoán. Nguyên nhân có thể xuất phát từ trục trặc của bản thân hệ thống tại các công ty này. Ví dụ, với việc nhận kết quả khớp lệnh từ hệ thống của HOSE, khi kết quả lệnh được hệ thống giao dịch trả ra thì năng lực tiếp nhận của hệ thống mỗi công ty chứng khoán là khác nhau.

Các kịch bản có thể xảy ra đã được lên kế hoạch từ trước, nhưng không chủ quan, các chuyên gia của chúng tôi vẫn túc trực đồng hành với HOSE theo dõi để xử lý những sự cố có thể phát sinh, đảm bảo sự ổn định của hệ thống. Bên cạnh đó, đội ngũ của FPT và HOSE thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin với các công ty chứng khoán, nhằm có sự phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động giao dịch thông thường, cũng như nhanh chóng xử lý sự cố nếu có.

Về phiên ATC ngày 6/7, VN-Index từ “xanh” đột ngột chuyển sang “đỏ”, giảm hơn 56 điểm, HOSE đã có công văn nêu rõ, hệ thống giao dịch của Sở hoạt động bình thường. Chúng tôi (FPT) cũng không ghi nhận vấn đề hệ thống nào phát sinh.

Trong phiên giao dịch đầu tiên sử dụng hệ thống mới (5/7), HOSE đã tiếp nhận và xử lý hơn 1 triệu lệnh, với thanh khoản thị trường đạt hơn 28.000 tỷ đồng. Con số này thấp hơn nhiều so với khả năng xử lý 3 - 5 triệu lệnh/ngày của hệ thống mới.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS)

Hệ thống mới của HOSE được chúng tôi cũng như khách hàng đánh giá tích cực, dù tồn tại một vài lỗi nhỏ ở một số công ty chứng khoán như hệ thống giá xảy ra hiện tượng chậm cập nhật dữ liệu. Tôi tin rằng, các lỗi này sẽ sớm được khắc phục. Công tác hủy/sửa lệnh đã được thực hiện trở lại bình thường ở nhiều công ty chứng khoán. Khi hệ thống vận hành ổn định, tôi nghĩ, HOSE sẽ sớm đưa lô giao dịch về 10 cổ phiếu.

Đối với chuyển động dòng tiền trên thị trường, sau phiên giảm điểm bất ngờ ngày 6/7, tập trung vào các cổ phiếu được nhiều người quan tâm và kỳ vọng là ngân hàng và chứng khoán, tâm lý nhà đầu tư không khỏi hoang mang và có phần dè dặt hơn, điều này được thể hiện rõ khi các phiên sau đó, khối lượng và giá trị giao dịch suy giảm. Như vậy, rủi ro lướt sóng tăng cao, sẽ ảnh hưởng tới dòng tiền vào thị trường. Mùa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 đã cận kề, tôi cho rằng, sự ưu tiên của dòng tiền thời gian tới sẽ là nhóm cổ phiếu VN30, hoặc các cổ phiếu được dự báo đạt kết quả kinh doanh tích cực.

Ông Phạm Quang Huy, Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

VN-Index hiện có P/E gần 19 lần, đây là mức định giá không rẻ nhưng cũng không đắt. Theo quan điểm của tôi thì mức định giá cũng chỉ là tương đối, bởi mấu chốt thị trường nói chung và cổ phiếu nói riêng tăng hay giảm sẽ dựa vào luồng tiền thông minh tham gia. Do vậy, không thể lấy con số định giá chung để áp đặt cho tất cả cổ phiếu trên thị trường, bởi vẫn còn nhiều cổ phiếu đang được định giá hấp dẫn.

Vì thế, việc thị trường điều chỉnh đầu tháng 7/2021 mang ý nghĩa tích cực nhiều hơn là tiêu cực. Mặc dù nhà đầu tư mới tham gia (F0) có thể sốc khi chứng kiến phiên giảm điểm mạnh, nhưng diễn biến đó là bình thường và có như vậy thị trường mới có thể tái tạo cung - cầu, giúp dòng tiền tham gia thị trường bền vững hơn. Vậy nên, khi thị trường điều chỉnh trong xu hướng tăng trung hạn thì đó chính là cơ hội để nhà đầu tư có thể xây dựng hoặc cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Có 2 kịch bản để xem xét trong thời gian tới. Một là, mốc hỗ trợ 1.330 +/-30 điểm được bảo toàn. Mốc hỗ trợ này đã được kiểm chứng và phản ứng rất tốt trong phiên giao dịch 7/7/2021. Hai là, thị trường kiểm chứng mốc 1.220 +/-30 điểm - mốc hỗ trợ chính để bảo toàn cho xu hướng tăng trung hạn, bởi đây là vùng giải ngân rất tốt cho nhà đầu tư tổ chức và cá nhân lớn. Nếu kịch bản này diễn ra thì diễn biến sau đó sẽ rất sôi động.

Nhìn chung, trong cả 2 kịch bản thì bức tranh chính của thị trường vẫn sẽ là tăng trung hạn. Tôi cho rằng, “nhà tạo lập” không muốn để mất xu hướng tăng trung hạn vì sẽ mất công khắc phục, bởi việc thu hút dòng tiền nhà đầu tư mới tham gia trở lại không hề dễ dàng.

Tin bài liên quan