Báo cáo về hoạt động của thị trường chứng khoán 20 năm qua, ông Dũng cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này thể hiện rõ ở các con số, kết quả trên thị trường chứng khoán.
Từ một Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh cách đây 20 năm, đến nay, Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 2 Sở Giao dịch Chứng khoán và một Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cùng nhau vận hành các hệ thống giao dịch, lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán một cách thông suốt, an toàn, góp phần thúc đẩy thanh khoản và hiệu quả của thị trường.
Cơ cấu của thị trường cũng từng bước được hoàn thiện, từ chỗ chỉ có thị trường cổ phiếu lúc ban đầu, đến nay đã có thêm các thị trường mới giao dịch trái phiếu chính phủ và thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh.
Thị trường cổ phiếu khởi nguồn có 2 doanh nghiệp niêm yết ban đầu thì đến nay đã có trên 1.600 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa gần 4 triệu tỷ đồng, tương đương 65% GDP. Nhiều doanh nghiệp đã huy động được một lượng vốn lớn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thị trường trái phiếu chính phủ mới chính thực ra đời được hơn 10 năm, nhưng đã nhanh chóng khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho Chính phủ, hỗ trợ cho việc huy động trái phiếu Chính phủ được nhiều hơn, chủ động hơn, kỳ hạn ngày một dài hơn đến 30 năm và với mức lãi suất huy động liên tục năm sau giảm hơn so với năm trước, góp phần hiệu quả vào tái cơ cấu nợ công của Chính phủ.
Thị trường chứng khoán phái sinh mặc dù mới ra đời được hơn 3 năm nhưng đã phát triển nhanh chóng với mức tăng trưởng giao dịch bình quân đạt 3,3 lần/năm, cung cấp thêm các công cụ đầu tư và quản lý rủi ro hữu hiệu.
Đồng thời, từ năm 2005 đến nay 2 Sở Giao dịch Chứng khoán đã tổ chức 1.089 cuộc đấu giá để cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước cho doanh nghiệp nhà nước. Rất nhiều doanh nghiệp sau khi đấu giá cổ phần hóa đã thực hiện niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán và tiếp tục phát triển hiệu quả hơn.
Trên thị trường hiện nay, có 74 công ty chứng khoán và 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với quy mô vốn ngày càng lớn và chất lượng dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng, phát huy vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường cũng gia tăng nhanh chóng, từ mức 3.000 tài khoản năm 2000 lên mức 2,5 triệu tài khoản trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, có khoảng 33.000 tài khoản của các tổ chức và cá nhân nước ngoài với tổng giá trị chứng khoán nắm giữ tương đương gần 35 tỷ USD, tính đến 30/6/2020.
Về công nghệ giao dịch, thanh toán, nếu như cách đây 20 năm nhà đầu tư muốn mua bán chứng khoán bắt buộc phải đến cơ sở của công ty chứng khoán để ký từng phiếu lệnh mua, lệnh bán và công ty chứng khoán buộc phải có đại diện giao dịch ngồi tại sàn giao dịch ngay tại trụ sở này để nhập lệnh, thì cho đến nay nhà đầu tư đã có thể sử dụng điện thoại di động để thực hiện giao dịch ở bất kỳ địa điểm nào trên thế giới.
Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nền tảng giao dịch trực tuyến đã cho phép Bộ Tài chính triển khai phương án vận hành thị trường trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong trường hợp trụ sở của các Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và các công ty chứng khoán bị phong tỏa do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ông Dũng cho biết, một hệ thống giao dịch mới hiện đại hơn cũng đang được chuẩn bị để sẵn sàng đưa vào vận hành trong năm 2021, cho phép triển khai thêm nhiều dịch vụ mới, sản phẩm mới để phục vụ cho nhu cầu của nhà đầu tư, của doanh nghiệp và yêu cầu quản lý thị trường ở mức độ cao hơn.
Ngoài ra, công tác quản lý thị trường, thanh tra, giám sát đã được củng cố, tăng cường theo nhu cầu phát triển của Thị trường chứng khoán. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của thị trường được nâng cấp dần từ Nghị định năm 1998 lên Luật Chứng khoán năm 2006, và năm 2019 vừa qua các Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cũng được sửa đổi toàn diện để bảo đảm tính đồng bộ trong môi trường đầu tư.
Dù vậy, ông Dũng cũng cho rằng, thị trường chứng khoán còn nhiều điểm hạn chế cần được khắc phục, hoàn thiện, mới có thể đáp ứng được yêu cầu cao hơn của thị trường trong thời gian tới và đóng góp hiệu quả hơn vào sự phát triển chung của đất nước.
Một số hệ thống giao dịch mới, sản phẩm mới cả trên thị trường cơ sở, thị trường chứng khoán phái sinh cần sớm được đưa vào vận hành. Đội ngũ nhân sự làm công tác quản lý, vận hành thị trường chứng khoán cần tiếp tục được củng cố về năng lực tổ chức, đổi mới tư duy để kịp thời thích ứng với yêu cầu quản lý mới trong bối cảnh những thay đổi nhanh chóng của công nghệ, những diễn biến phức tạp của thị trường trong nước cũng như tình hình địa chính trị quốc tế.
Tổng kết đánh giá, ông Dũng cho rằng, trong 20 năm qua, Thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức để không ngừng phát triển nhanh, mạnh, hỗ trợ được hoạt động của doanh nghiệp, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, qua đó góp phần quan trọng vào sự an toàn của hệ thống tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô và sự phát triển kinh tế chung của đất nước.