Hệ thống cảnh báo rủi ro bảo hiểm: Khoảng trống mênh mông!

Hệ thống cảnh báo rủi ro bảo hiểm: Khoảng trống mênh mông!

(ĐTCK) Hiện tại, các DN bảo hiểm đang rất cần thông tin về lịch sử tổn thất, trục lợi bảo hiểm và nợ đọng phí bảo hiểm để đánh giá rủi ro trước khi chấp nhận bảo hiểm.

Trước tình hình thị trường bảo hiểm phi nhân thọ cạnh tranh gay gắt bằng chiến dịch hạ phí, khiến 50% DN bảo hiểm trong ngành năm qua thua lỗ trong nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã phải khuyến cáo các DN về mức phí cơ bản và xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo rủi ro.

Hệ thống cảnh báo rủi ro bảo hiểm: Khoảng trống mênh mông! ảnh 1Thiếu hệ thống cảnh báo rủi ro, nhiều DN bảo hiểm lặp lại sai lầm của các DN khác, làm tăng chi phí không đáng có cho toàn ngành

Về thông tin cảnh báo rủi ro, hiện tại, các DN bảo hiểm đang rất cần thông tin về lịch sử tổn thất, trục lợi bảo hiểm và nợ đọng phí bảo hiểm để đánh giá rủi ro trước khi chấp nhận bảo hiểm. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung toàn ngành về lịch sử rủi ro và tổn thất là cần thiết. Theo đó, thông tin DN bảo hiểm cần và chia sẻ trên cơ sở dữ liệu là những vụ thiệt hại có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên, những đối tượng bị tổn thất 100%, những vụ mà đối tượng được bảo hiểm tổn thất và được giải quyết bồi thường liên tiếp 2 lần trở lên trong 1 năm (nêu rõ đối tượng, thời gian và địa bàn xảy ra, mà không cần phải ghi rõ tên khách hàng) và những trường hợp nợ phí bảo hiểm hơn 1 năm chưa thanh toán (có thể chỉ nêu đối tượng được bảo hiểm mà không cần nêu tên khách hàng)…

Về phí cơ bản, cụ thể đối với nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa, theo khuyến cáo của Hiệp hội Bảo hiểm, các DN bảo hiểm phải thực hiện quản lý rủi ro cao với hai nhóm hàng phân bón và thức ăn gia súc với điều kiện bảo hiểm mọi rủi ro hoặc có rủi ro thiếu hụt hàng hóa không rõ nguyên nhân (trong đó, có hao hụt thương mại và mất cắp với nhiều thủ đoạn tinh vi khó phát hiện). Phí bảo hiểm cơ bản với hàng phân bón phải đảm bảo tỷ lệ 0,3%, thức ăn gia súc 0,4% (như hầu hết các DN bảo hiểm trên thị trường đang áp dụng)…

Đối với bảo hiểm cháy nổ và rủi ro đặc biệt, nghiệp vụ từ năm 2012 bị thắt chặt bởi các nhà nhận tái bảo hiểm quốc tế, khi Việt Nam bị ảnh hưởng ngày càng nhiều của biến đổi khí hậu toàn cầu, các DN bảo hiểm cần có biện pháp xác định phí bảo hiểm cho các rủi ro trên, trong đó có bảo hiểm rủi ro thiên tai. Bởi lẽ, riêng tình hình tổn thất về cháy nổ năm 2011 đã làm cho phí bảo hiểm thu không đủ bù chi…

Đối với nghiệp vụ bảo hiểm xây dựng, lắp đặt, Hiệp hội cũng khuyến cáo các DN bảo hiểm những vướng mắc mà nhiều DN cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các công trình xây dựng lắp đặt có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đang gặp phải. Đó là hầu hết ban quản lý dự án chưa biết rõ về bảo hiểm xây dựng, lắp đặt, nên khó đưa ra dự toán chi phí bảo hiểm cho công trình xây dựng lắp đặt; việc tổ chức mời thầu đấu thầu, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm xây dựng lắp đặt còn nhiều bất cập; giải ngân cho công trình nhưng không được giải ngân thanh toán phí bảo hiểm…

Đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, các DN bảo hiểm cần tập trung quản lý rủi ro với bảo hiểm vật chất cho nhóm xe có rủi ro tai nạn cao, tần suất vi phạm hoạt động với thời gian hoạt động lớn hơn loại xe khác, bao gồm: taxi, vận tải hành khách, vận tải hàng hóa đường dài, đầu kéo, xe cho thuê tự lái… Biểu phí cơ bản được khuyến nghị là: với xe taxi từ 3 - 6 năm, 4%/số tiền bảo hiểm, từ 6 - 10 năm, 5,7%/số tiền bảo hiểm, trên 10 năm không cấp bảo hiểm; xe rơmooc từ 3 - 6 năm 1,30%/số tiền bảo hiểm, từ 6 - 10 năm là 1,50%, trên 10 năm đến 20 năm là 1,90%; các xe còn lại chịu mức phí từ 2,6 - 3,5% … Đây là biểu phí đã được nhiều DN bảo hiểm áp dụng. Hiệp hội cũng đề nghị các DN bảo hiểm, bắt đầu từ 1/7/2012, cần tổ chức thống kê riêng số tiền bảo hiểm, doanh thu phí, bồi thường cho từng nhóm xe nêu trên để sau 1 - 2 năm có cơ sở điều chỉnh phí bảo hiểm cho xác thực với thị trường.