PVI là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và có tiềm năng lớn.

PVI là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và có tiềm năng lớn.

HDI nắm quyền quản trị: Thoái vốn nhà nước tại PVI vào thế khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc HDI có tiếng nói quyết định tới 53,92% cổ phần và thông qua đó nắm quyền quản trị tại Công ty cổ phần PVI có thể ảnh hưởng không nhỏ tới đợt thoái vốn nhà nước đang được thực hiện tại doanh nghiệp này. 

Doanh nghiệp tốt vẫn không dễ bán

Tiến độ thoái vốn nhà nước tại PVI đã chậm gần 2 năm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, bởi vậy, thời điểm này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang tập trung đẩy nhanh.

Cụ thể, ngày 11/8/2017, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1182/TTg- ĐMDN về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ thực hiện thoái toàn bộ 35% vốn tại PVI trong năm 2018.

Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng phương án và lộ trình thoái vốn tại PVI và hoàn thành việc thoái vốn theo kế hoạch đã được phê duyệt trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch và thu được lợi ích cao nhất cho Nhà nước.

Cho đến thời điểm này, việc định giá và chọn giá khởi điểm cho lộ trình thoái vốn nhà nước tại PVI mới đang được tiến hành.

Trước đó, từ năm 2018, người đại diện vốn tại PVI đã nhiều lần báo cáo lên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, để đảm bảo việc thoái vốn thành công, thì việc nắm quyền chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua người đại diện phần vốn tại PVI trong công tác quản trị doanh nghiệp tại Hội đồng quản trị là yếu tố sống còn.

Tuy nhiên, với việc HDI sở hữu trực tiếp và gián tiếp tới 53,92% cổ phần PVI, đồng thời có 5/9 thành viên hội đồng quản trị hiện nay, có thể coi như HDI đang “nhiếp chính” tại PVI.

Thực tế, dù người đại diện vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bỏ phiếu phủ quyết nhiều nội dung được đưa ra tại các cuộc họp Hội đồng quản trị của PVI như việc thay đổi nhân sự cấp cao tại các công ty con mà PVI đang sở hữu 100% vốn điều lệ như Bảo hiểm PVI... hay việc bán tòa nhà trụ sở 25 tầng tại “đất vàng” Cầu Giấy, các nội dung này vẫn được Hội đồng quản trị PVI quyết nghị thực hiện khi 5/9 thành viên Hội đồng quản trị thuộc cổ đông HDI thông qua.

Nhìn vào thực tế tại PVI hiện nay, đồng thời nhìn lại diễn biến thoái vốn nhà nước ở nhiều doanh nghiệp khác, có điểm đáng lưu ý.

Năm 2019, nhiều doanh nghiệp không bán được vốn, Nhà nước “mang đến rồi lại mang về” không phải do hoạt động yếu kém, kế hoạch sản xuất, kinh doanh không sáng sủa. Đó là những doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ nắm giữ vài chục phần trăm vốn, trong khi doanh nghiệp đã có nhà đầu tư khác nắm giữ trên 51%.

Đơn cử, Công ty cổ phần Dược phẩm Domesco, có vốn điều lệ 347 tỷ đồng, trong đó vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là 120 tỷ đồng, chiếm 34,71%.

Domesco hoạt động kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận hàng năm đạt gần 250 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phần thường xuyên đạt 7.000 đồng.

Giá khởi điểm để đấu giá là 119.600 đồng/cổ phần, song kết thúc thời hạn đăng ký tham gia đấu giá cổ phần, không có nhà đầu tư nào đặt mua.

Lý do được giới đầu tư đánh giá dẫn tới thất bại của phiên đấu giá là hiện nay trong cơ cấu cổ đông của Domesco, cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Abbott (Mỹ) đã sở hữu trên 51% vốn điều lệ và nắm quyền quản trị trong doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp hiệu quả khác cũng được đánh giá nằm trong diện khó thoái vốn là Công ty cổ phần Dược Hậu Giang.

Mua gom cổ phần trên thị trường và các quỹ đầu tư, Taisho (Nhật Bản) hiện sở hữu trên 51% cổ phần Dược Hậu Giang, đang nắm quyền điều hành, quản trị doanh nghiệp.

Ảnh tác giả

Đại diện phần vốn nhà nước chỉ là cổ đông thiểu số, tiếng nói không có trọng lượng, nên nhà đầu tư mua thêm cũng được, không mua cũng được, rẻ thì mua, đắt thì thôi.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho rằng: “Khi nhà đầu tư nắm giữ cổ phần chi phối thì họ có quyền rất lớn trong quyết định mọi vấn đề của doanh nghiệp. Đại diện phần vốn nhà nước chỉ là cổ đông thiểu số, tiếng nói không có trọng lượng, nên nhà đầu tư mua thêm cũng được, không mua cũng được, rẻ thì mua, đắt thì thôi. Trong những trường hợp này, khó có thể bán được giá tối ưu, kể cả nếu thị trường có tốt lên”.

Trở lại với câu chuyện thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại PVI, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét, khi thoái vốn, chúng ta mong muốn thu được lợi ích cao nhất cho Nhà nước.

Trường hợp doanh nghiệp trong diện Nhà nước thoái vốn đã có cổ đông lớn nắm trên 51% vốn điều lệ như PVI, đây là một yếu tố có thể khiến cho đợt thoái vốn kém hấp dẫn.

Người mua luôn muốn chủ động, không bị phụ thuộc vào cổ đông khác, nhất là mua lớn, vì vậy, thoái vốn trong trường hợp này không thuận cho người mua, khó thu được lợi ích cao nhất cho Nhà nước.

Nhiều câu chuyện khác

Ở những doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông đặc thù như trên, không chỉ ở những công ty đã có hình bóng chi phối của nhà đầu tư nước ngoài, tình cảnh tương tự diễn ra ở các doanh nghiệp có nhà đầu tư lớn trong nước.

Cuối năm ngoái, cứ ngỡ rằng phiên thoái vốn 50% cổ phần nhà nước tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang, 1 trong 10 doanh nghiệp lớn trong danh sách thoái vốn nhà nước của SCIC sẽ dễ thành công. Tuy nhiên, thực tế lại khác.

Ngoài SCIC, nhóm cổ đông lớn trong nước của Sa Giang sở hữu hơn 30% cổ phần. Trước khi thoái vốn tại Sa Giang, SCIC đã đưa ra đề xuất mở room cho nhà đầu tư nước ngoài, song các cổ đông khác của Sa Giang không đồng thuận. Không nới room, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 49% cổ phần tại công ty này.

Thị giá cổ phiếu trên sàn bị đẩy lên rất cao buộc SCIC phải chọn giá khởi điểm cao, cộng với cơ cấu cổ đông phức tạp, phiên thoái vốn tại Sa Giang đã thất bại khi không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia mua cổ phần.

Trong danh sách 10 doanh nghiệp lớn mà SCIC đang thoái vốn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cũng có thể là một “ca khó”. Nhà nước hiện sở hữu 37% cổ phần, trong khi đã có một nhóm cổ đông tập hợp cổ phần chi phối tại doanh nghiệp bỏ phiếu phủ quyết việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại Nhựa Tiền Phong.

Tập đoàn Sekisui (Nhật) đang sở hữu 15% cổ phần Nhựa Tiền Phong, bởi vậy, SCIC không thể bán cả lô cổ phần Nhựa Tiền Phong cho các nhà đầu tư nước ngoài. Còn với nhà đầu tư trong nước, giá cả không phải là yếu tố khiến họ e ngại bằng việc bỏ vốn lớn, nhưng không có quyền tham gia quản trị doanh nghiệp, theo lời chia sẻ của một nhà đầu tư trong ngành.

Tất nhiên, sự có mặt của nhà đầu tư chi phối bên ngoài cũng không hẳn là nguyên nhân duy nhất để gánh lỗi cho các phiên đấu giá cổ phần doanh nghiệp tốt mà thất bại.

Bình luận về những phiên thoái vốn có nguy cơ ở thế kẹt như trên, ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét: “Dễ hiểu vì sao tiến độ thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp lừng khừng. Cơ chế định giá bó cứng, đẩy giá khởi điểm ở nhiều doanh nghiệp lên rất cao, đồng thời chủ sở hữu chỉ muốn bán cả lô lớn cho gọn khiến người mới không mua, người cũ ngán ngại”.

Tại sao không thể hạ giá cho dễ bán? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đức Chi cho biết, kể từ khi Nghị định 32/2018/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 1/5/2018), các cơ chế bán vốn linh hoạt không được áp dụng.

Theo quy định, sau khi thực hiện các phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận để chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà vẫn không chuyển nhượng hết số vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ nhu cầu thị trường lựa chọn thời điểm để tiếp tục thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước.

Quy định hiện nay rất chặt chẽ, nên các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước không thể vận dụng một cách quá mức cơ chế giảm giá có thể dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.

Kết quả là những trường hợp thực sự cần phải linh hoạt mới thoái được vốn, để thu hút nhà đầu tư mới, không thể triển khai.

Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến trình thoái vốn những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần đầu tư, đặc biệt tại những doanh nghiệp hiện Nhà nước là cổ đông thiểu số.

Tuy nhiên, với cơ cấu cổ đông đặc thù ở nhiều doanh nghiệp, yêu cầu thu được lợi ích tối đa cho Nhà nước xem ra không dễ thực hiện.

Tin bài liên quan