Xanh hóa dòng tín dụng
HDBank, Nam A Bank, OCB, Vietcombank, Agribank… là những ngân hàng đang từng bước hướng sự phát triển vào lĩnh vực xanh, sạch. Trong đó, HDBank hướng đến tăng trưởng xanh bền vững khi hỗ trợ tài trợ cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu.
HDBank được khách hàng đánh giá là ngân hàng tiên phong triển khai chương trình tài trợ điện mặt trời trên thị trường. Sản phẩm được chuẩn hoá, có thể triển khai đại trà, nhất là điện áp mái, trong đó Ngân hàng nhận chính hệ thống điện mặt trời hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo. Tạo lập được liên kết với hàng loạt nhà cung cấp, các công ty thiết kế, lắp đặt, kiểm định và bảo trì để đem đến cho các khách hang nhiều lựa chọn chất lượng và yên tâm khi đầu tư.
Theo đó, HDBank đã triển khai gói tài trợ cho các dự án năng lượng sạch - dự án điện mặt trời với tổng số vốn lên đến 7.000 tỷ đồng, phục vụ các dự án điện mặt trời nối lưới thuộc quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, các dự án muốn được nhận vốn phải đáp ứng tiêu chí xanh: Giảm năng lượng tiêu thụ, giảm khí thải CO2, giảm ô nhiễm môi trường. Giấy phép đầu tư dự án/phương án thể hiện dự án, phương án phù hợp với mục đích vay vốn và mục tiêu tăng trưởng xanh. HDBank không chấp nhận tài trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành ô nhiễm nhiều khói, bụi. Đồng thời, để được HDBank tài trợ đầu tư dự án, tỷ lệ tham gia vốn chủ sở hữu vào dự án tối thiểu là 30% tổng mức đầu tư.
Không chỉ có hạn mức 7.000 tỷ đồng nói trên, HDBank còn triển khai mạnh chương trình tín dụng xanh điện mặt trời với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng, dự kiến tăng lên 16.000 tỷ đồng trong năm 2020 tùy theo sự thay đổi nhu cầu của thị trường.
Tính đến tháng 8/2019, HDBank đã tài trợ 9.803 tỷ đồng (dư nợ 5.775 tỷ đồng) cho các doanh nghiệp điện mặt trời tại Việt Nam với quy mô dự án đạt 725 MWp. Với mỗi MWp giảm phát thải lên tới 25.000 tấn CO2, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng địa phương và quốc gia, hội nhập toàn cầu. Đối với chủ đầu tư, HDBank tài trợ vốn với tỷ lệ tài trợ đến 70% tổng mức đầu tư. Thời hạn cho vay lên đến 12 năm. Tài sản đảm bảo đa dạng bao gồm tài sản và nguồn thu hình thành từ vốn vay.
Bên cạnh những dự án năng lượng tái tạo lớn, việc thúc đẩy tư nhân tham gia lắp đặt và khai thác điện mặt trời áp mái là giải pháp tăng cung điện và bảo vệ môi trường hữu hiệu. Với tài trợ điện mặt trời trên mái nhà, doanh nghiệp đầu tư dự án điện mặt trời trên mái nhà để sử dụng hoặc đầu tư dự án điện mặt trời trên mái nhà cho thuê sẽ hưởng ưu đãi vốn vay tại HDBank với tỷ lệ 70%, thời hạn 5 năm. Tài sản đảm bảo chính là hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với mức tài trợ lên đến 10 tỷ đồng. HDBank hỗ trợ đối tác liên kết chuyên lắp đặt, thi công, bảo trì, bảo hành hệ thống. Chỉ sau nửa năm triển khai gói tín dụng xanh, HDBank đã cấp tín dụng cho nhiều dự án điện mặt trời áp mái với tổng mức cấp lên tới 300 tỷ đồng. Kế hoạch đến cuối năm nay, HDBank cấp 1.100 tỷ đồng cho các dự án điện sạch trên mái nhà.
HDBank cho biết, gói tín dụng các doanh nghiệp xây lắp dự án điện mặt trời trên mái nhà thể hiện và khẳng định định hướng của Ngân hàng trong việc trở thành ngân hàng xanh: Thấu hiểu, cung cấp cho khách hàng những giải pháp tài chính tốt nhất, đồng thời hướng tới những giá trị bền vững, giúp đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng địa phương và quốc gia.
Chiến lược tăng trưởng bền vững
HDBank đáp ứng các tiêu chí “Xanh” để liên kết, tiếp nhận nguồn vốn dài hạn được ưu đãi cho lĩnh vực này từ các định chế tài chính nước ngoài tài trợ cho các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Cùng với đó, HDBank dự kiến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao thông qua khai thác hệ sinh thái khách hàng đặc quyền với hơn 30 triệu khách hàng của HDBank, HDSaison và Vietjet Air…
HDBank cũng triển khai mạnh các gói tài trợ chuỗi khép kín, từ tài trợ nhà phân phối đến tài trợ các nhà cung cấp của gần 30 chuỗi cung ứng; gắn kết và giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững chuỗi toàn cầu; góp phần định hướng doanh nghiệp Việt Nam theo xu hướng xanh của thế giới, giảm khí thải ra môi trường, đáp ứng các tiêu chí sản xuất khắt khe từ các nhà phân phối lớn tên tuổi trên thế giới; tối ưu hóa được chuỗi cung ứng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm về mặt chi phí kinh doanh; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng; gián tiếp nâng cao lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.
Theo định hướng 5 lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến tháng 8/2019, HDBank đã tăng dư nợ cho vay lên 11.012 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với năm 2016, tăng 38% so với cùng kỳ 2018, cao hơn 3 lần so với mức tăng trưởng tin dụng chung 13% của HDBank. Trong đó, HDBank ưu tiên tài trợ cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, điển hình là tài trợ 800 tỷ đồng cho chuỗi trồng trọt - chế biến - xuất khẩu trái cây của THADI - HAGL Agri, với triển vọng sang năm 2020 sẽ nâng lên thành 1.800 tỷ đồng.
HDBank đặc biệt hướng tín dụng đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng thường xuyên triển khai hội thảo về nông
nghiệp, nông thôn tại địa bàn tất cả các xã trực thuộc huyện, tỉnh, thành phố có trụ sở của HDBank và HDSaison. Đây được xem là cách làm sáng tạo của HDBank trong việc giúp người nông dân, hợp tác xã nông
nghiệp tiếp cận trực tiếp thông tin sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng, để từ đó lựa chọn ra một sản phẩm vay phù hợp với nhu cầu của mình. Qua đó, HDBank và HDSaison góp phần không nhỏ vào việc đẩy lùi “tín dụng đen” ở nông thôn.
Định hình chiến lược trở thành “Ngân hàng xanh”, trong mọi hoạt động của mình, HDBank luôn chú trọng đến chương trình phát triển bền vững khi “xanh hóa” dòng tín dụng. HDBank cho biết, nhiều năm qua, Ngân hàng đã triển khai mạnh mẽ nhiều gói giải pháp tài trợ chuỗi khép kín, từ nhà phân phối, đại lý đến nhà cung cấp, nhà cung ứng của nhiều doanh nghiệp có uy tín và có kênh phân phối trong và ngoài nước (chuỗi công nghiệp phụ trợ cho Samsung/LG, chuỗi chăn nuôi CP/CJ, chuỗi máy nông nghiệp Yanmar, cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón cho DPM/DCM, chuỗi xăng dầu PLX/PVOIL, chuỗi siêu thị SGCoop/VIN…). Khách hàng ngoài đáp ứng các quy định chung về cấp tín dụng của HDBank, chỉ cần đáp ứng các tiêu chí và tham gia được vào chuỗi có liên kết với HDBank (hiện nay là trên 30 chuỗi và dự kiến lên hơn 40 chuỗi vào cuối năm nay), thì sẽ được tài trợ vốn để thực hiện các đơn hàng, mà không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo.
Việc tài trợ các chuỗi đã và đang là dòng sản phẩm khẳng định thương hiệu của HDBank trên thị trường. Rất nhiều khách hàng được hưởng các ưu đãi hấp dẫn về lãi suất thấp hơn từ 1-2%/năm so với khách hàng thông thường; miễn, ưu đãi phí cho các dịch vụ trong hệ sinh thái của chuỗi. Đặc biệt, ở nhiều chuỗi, tỷ lệ tài trợ đối với tài sản đảm bảo là bất động sản lên đến 100%, cầm cố hàng luân chuyển hoặc vay không có tài sản đảm bảo. Các giao dịch tài trợ, thanh toán được thực hiện trên nền tảng số hoá, đẩy nhanh tốc độ xử lý, tính tự động, không cần đến ngân hàng, hạn chế thủ tục, giấy tờ.
Hiệu quả kinh doanh của HDBank tăng trưởng mạnh mẽ
Hoạt động kinh doanh của HDBank tăng tốc mạnh mẽ trong quý III/2019, với lợi nhuận trước thuế đạt 1.238 tỷ đồng, tăng 51% so với quý III/2018 và là quý có kết quả hoạt động tốt nhất từ trước đến nay.
Tổng thu nhập hoạt động quý III/2019 đạt 2.871 tỷ đồng, tăng 36%. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 2.505 tỷ đồng, tăng 42%; lãi thuần từ dịch vụ đóng góp 149 tỷ đồng, tăng 29% so với quý III/2018. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, chỉ tăng 12%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ở mức thấp nhờ chất lượng tài sản cao, với tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,1%. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất, bao gồm mảng tài chính tiêu dùng là 1,5%. Đây là mức nợ xấu thấp được HDBank kiểm soát tốt trong nhiều năm qua.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.448 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ 2018. Tổng thu nhập hoạt động vượt 8.044 tỷ đồng, tăng 19%, trong đó thu nhập lãi thuần đóng góp 6.859 tỷ đồng, tăng 25%. Lãi thuần từ dịch vụ vượt 435 tỷ đồng, tăng 28%. Các chỉ tiêu tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 20,2% và 1,7%, thuộc Top các ngân hàng niêm yết có tỷ suất sinh lời cao nhất. Biên lãi thuần (NIM) tăng mạnh lên mức 4,6% từ mức 4,3% được ghi nhận
trong quý II/2019.
Tính đến 30/9/2019, tổng tài sản HDBank đạt 217.245 tỷ đồng; tổng huy động đạt 193.142 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng đạt 146.478 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các mảng bản lẻ và SME tiếp tục là động lực tăng trưởng chính. Quy mô vốn chủ sở hữu của HDBank đạt 19.594 tỷ đồng, tăng 16%. HDBank được NHNN trao quyết định áp dụng chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II sớm hơn thời hạn. Hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II của HDBank đạt tới 11%.