HBB: tin đồn, cơ hội và nguy cơ

HBB: tin đồn, cơ hội và nguy cơ

(ĐTCK) Một NĐT cá nhân sở hữu tới 5 triệu CP HBB mua từ lúc 4.000 đồng/CP. Đến nay, dù đã lời hơn 7 tỷ đồng, NĐT này vẫn tiếp tục chờ đợi.

Không ít NĐT đã kiếm lời tới trên 50% từ việc mua cổ phiếu HBB của Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) khi thị giá cổ phiếu này chỉ loanh quanh mốc 4.000 đồng/CP. Nhiều người vẫn tiếp tục vào cuộc vì cho rằng khi mọi đồn thổi chưa ngã ngũ thì cơ hội kiếm lời từ cổ phiếu HBB vẫn còn lớn…

 HBB: tin đồn, cơ hội và nguy cơ ảnh 1

Từ nghi vấn mang tên HBB

Một NĐT cá nhân đã sở hữu tới 5 triệu cổ phiếu HBB do mua ròng từ mức giá trên 4.000 đồng/cổ phiếu. Đến nay, dù đã lời hơn 7 tỷ đồng, NĐT này vẫn tiếp tục chờ đợi. Anh này nhận xét rằng, nếu một cuộc chạy đua lá phiếu biểu quyết trong Đại hội đồng cổ đông tại Habubank diễn ra, thì mức giá hơn 6.000 đồng/CP như hiện nay vẫn là quá thấp. Anh nói, hơn 20.000 đồng/CP thì không dám mơ, nhưng chắc cũng phải “đầu” 1x. Diễn biến giao dịch tại Habubank đang được NĐT này liên tưởng đến như một vụ Sacombank thứ hai.

Hỏi một vòng nhóm NĐT quen biết, thật bất ngờ khi kết quả thống kê cho thấy, tổng sở hữu của nhóm NĐT này đã lên tới hàng chục triệu cổ phiếu HBB. Người nhiều thì vài triệu, ít cũng một vài chục nghìn, đến hàng trăm nghìn cổ phiếu. Tất cả đều đang chờ đợi, hy vọng… một kịch bản như Sacombank về cuộc chiến giành ghế trong HĐQT HBB đã đẩy giá cổ phiếu này liên tục tăng mạnh. Nhiều nhà đầu tư vẫn đuổi theo con sóng giá và mong đợi kịch bản kịch tính tại HBB sẽ lộ ra trong tương lai gần.

Mong đợi này không phải không có cơ sở, bởi sau tin đồn, giao dịch khối lượng lớn là sự xuất hiện trên báo chí của lãnh đạo Habubank. Động thái hệt như những gì mà Sacombank đã trải qua. Vì thế, với việc cổ phiếu HBB ngày một tăng giá, cầu liên tục lớn hơn cung, có vẻ như cung tăng lên mức nào, niềm tin tăng lên mức ấy.

Nhưng ở bên kia “chiến tuyến”, ĐTCK lại ghi nhận một quan điểm hoàn toàn khác.

Tổng giám đốc một ngân hàng từng có kế hoạch mua thâu tóm HBB từ cách đây hơn 4 tháng cho hay, chính ông đã trực tiếp nghiên cứu HBB để xem xét khả năng mua vào, nhưng đến thời điểm này, ông đã chuyển mục tiêu sang ngân hàng khác, do có nhiều điều cảm thấy chưa phù hợp. Được biết, trong cả quá trình nghiên cứu, ngân hàng do vị Tổng giám đốc này điều hành chưa mua cổ phiếu nào mang tên HBB.

Hiện có 2 ứng viên (ngân hàng) được thị trường đồn đoán là có khả năng cao sẽ thâu tóm Habubank, dù động thái chính thức của họ chưa có, nhưng nguồn tin nội bộ cho hay, kịch bản vẫn còn là một dấu hỏi, bởi động thái từ các ứng viên này chưa có gì

rõ ràng.

Vậy đối tượng nào đã thâu mua cổ phiếu HBB thời gian vừa qua? Ngoài nhà đầu tư hoặc nhóm nhà đầu tư mua “đón đầu” sóng M&A, câu trả lời còn xa tít. Còn nhớ, việc Dragon Capital hay REE thoái vốn tại STB khối lượng lớn, nhưng đến nay, thị trường cũng chưa biết chính xác những ai mua vào.

 

Cảnh báo đầu cơ kiểu “ăn theo” M&A

Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng nhận xét, NĐT mua vào cổ phiếu để kỳ vọng bán lại giá cao cho những người có ý định thâu tóm DN là mạo hiểm, nhất là khi DN đó là ngân hàng. Diễn biến khó khăn trên thị trường liên ngân hàng hiện nay cùng với việc điều tiết lãi suất huy động sẽ là cách để cơ quan quản lý ép các NHTM yếu phải ngồi cùng đơn vị khác, chứ không phải cứ có tiền là mua được ngân hàng.

Theo vị này, tổng chi phí thâu tóm một ngân hàng không đơn giản là việc bỏ ra bao nhiêu tiền mua lại cổ phiếu, mà còn phải tính đến việc tài sản của ngân hàng đã bị mất đi bao nhiêu, họ sẽ phải chi bao nhiêu tiền để bù đắp thanh khoản cho ngân hàng bị thâu tóm trong suốt quá trình sáp nhập, thậm chí là chi phí sắp xếp lại ngân hàng, bao gồm cơ sở hạ tầng, nhân sự… Hàng loạt vấn đề phát sinh, nên nếu giá cổ phiếu ngân hàng đó tăng cao, thì đừng mong những người săn mua chịu bỏ hầu bao. Bởi họ biết, món hàng họ định mua có giá như thế nào!

Trào lưu ăn theo cổ phiếu có tin đồn sắp bị sáp nhập đã tăng mạnh kể từ thương vụ Sacombank bị nhóm cổ đông Eximbank thâu mua lượng lớn. Với nhà đầu tư, xu hướng này có thể kiếm lời khá nhanh, nhưng biết dừng đúng lúc để bảo vệ thành quả mới là điều quan trọng nhất. Giá một cổ phiếu có lúc tăng, lúc giảm, nhưng vẫn sẽ xoay quanh giá trị nội tại. Và nguy cơ bị thâu tóm không thể là phép màu thay đổi giá trị của một DN, lại càng không phải là phép màu làm tăng giá trị của DN ấy.