Hãy cứu các thị trường tài chính mới nổi!

Hãy cứu các thị trường tài chính mới nổi!

(ĐTCK) “Nguy cơ bất ổn của các dòng vốn đã trở nên đặc biệt nguy hiểm và một số chính sách tiền tệ nới lỏng bất bình thường đã góp phần gây ra nguy cơ đó”.

Các nhà hoạch định chính sách hàng đầu thế giới cần phải tích cực hơn trong việc xử lý cuộc khủng hoảng đang trên đà bùng phát ở các thị trường mới nổi, bộ trưởng tài chính của nền kinh tế lớn nhất châu Phi cảnh báo, đồng thời kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn đối với các dòng vốn toàn cầu và hạn chế sự bất ổn trong lĩnh vực tiền tệ.

Pravin Gordhan, Bộ trưởng Tài chính Nam Phi nói với tờ Financial Times trong một cuộc phỏng vấn rằng, “không thể tìm thấy phản ứng gắn kết trên toàn cầu nào để đảm bảo rằng, chúng ta sẽ giảm được sự biến động trong lĩnh vực tiền tệ”.

Hãy cứu các thị trường tài chính mới nổi! ảnh 1

Các nước như Ấn Độ và Indonesia đã bị tác động tồi tệ trong tuần qua bởi sự mất giá của đồng tiền và sự sụt giảm của thị trường tài chính, trong khi đồng rand của Nam Phi liên tục tụt dốc so với đồng USD từ đầu năm đến nay, khiến nó trở thành một trong những đồng tiền mất giá mạnh nhất trên thế giới.

Ý kiến của ông Gordhan minh họa cho những lo lắng tái diễn đối với hệ thống tài chính quốc tế khi khả năng cắt giảm gói nới lỏng định lượng của Fed đang làm náo động các thị trường mới nổi.

“Không nghi ngờ gì nữa, các tổ chức đa phương tham gia và thường xuyên làm việc cho và với G20 cần nỗ lực vượt bậc để đạt được những giải pháp mới, với những suy nghĩ đột phá, nhằm tìm ra một khuôn khổ mới, giúp đảm bảo sự bao quát đối với toàn bộ môi trường tiền tệ, giảm bớt nguy cơ bất ổn”, Gordhan nói.

Lời kêu gọi của ông Gordhan nhận được sự hưởng ứng của các nhà hoạch định chính sách ở các nước đang phát triển khác tại một hội nghị chuyên đề của Fed - Chi nhánh Kansas City ở Thung lũng Jachson, tiểu bang Wyoming .

“Nguy cơ bất ổn của các dòng vốn đã trở nên đặc biệt nguy hiểm và một số chính sách tiền tệ nới lỏng bất bình thường đã góp phần gây ra nguy cơ đó”, Agustín Carstens, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico nói.

Lãi suất thấp ở các nước giàu đã tạo cơ hội cho chiến lược đầu tư “carry trade” - bán đồng tiền lãi suất thấp, mua đồng tiền lãi suất cao- và đã dẫn đến sự xuất hiện của “các dòng vốn đầu cơ ngắn hạn quy mô lớn”, Carstens nhận xét đồng thời kêu gọi các nước phát triển đưa ra các kế hoạch rút khỏi chính tiền tệ nới lỏng có thể dự đoán, phối hợp hành động và chú ý đến ảnh hưởng có thể lan rộng từ hành động của mình.

Không ám chỉ về một cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Nam Phi, nhưng phát biểu của Bộ trưởng Tài chính nước này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về tình trạng hỗn loạn ở các thị trường mới nổi, điều đã khiến Ấn Độ, Brazil và Indonesia phải đưa ra các biện pháp khẩn cấp nhằm chống đỡ cho đồng tiền của họ.

Hôm thứ Sáu, bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nói rằng, thế giới cần thiết lập nên “các tuyến phòng thủ chắc chắn hơn” để chống lại các cuộc khủng hoảng có thể nổ ra ở các thị trường mới nổi. Bà Lagarde cho biết, IMF sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ tài chính nếu các thị trường mới nổi cần đến trong thời gian Fed rút khỏi chương trình mua trái phiếu.

Ông Gordhan nói thêm, “cần hiểu rằng, bạn không thể kiểm soát được tất các các vấn đề phát sinh chỉ bằng cách chỉnh sửa các giải pháp cũ”. Bởi vậy, các nhà hoạch định chính sách cần “hướng tới các giải pháp mới, tốt hơn”, nhằm giảm nguy cơ bất ổn và tạo nên một môi trường dễ dự báo hơn.

Nhưng các chính sách gia ở Thung Lũng Jackson không có nhiều giải pháp đưa ra cho Gordhan. “Dù rất muốn, nhưng rốt cuộc vẫn không có một giải pháp tối ưu nào được đưa ra nhằm cách ly các nước khỏi các ảnh hưởng tài chính”, Terrence Checki, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế của Fed New York nói.

Trong một bài luận được thuyết trình tại hội nghị ở thung lũng Jackson, giáo sư Hélène Rey của Trường Kinh doanh London kết luận rằng, các ngân hàng trung ương sẽ cố gắng thích ứng chính sách để tránh gây ảnh hưởng đến các nước khác, do nó xung đột với các mục tiêu trong nước của họ.

“Kinh nghiệm cho thấy, để có được sự hợp tác quốc tế hiệu quả giữa các ngân hàng trung ương lớn nhằm giới hạn ảnh hưởng của các chính sách tiền tệ dường như là rất khó”, Giáo sư Hélène Rey nhận định.