Hậu giãn cách, Việt Nam là điểm đến, doanh nghiệp Việt tăng vị thế trên thị trường M&A

Hậu giãn cách, Việt Nam là điểm đến, doanh nghiệp Việt tăng vị thế trên thị trường M&A

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất chấp đại dịch, Việt Nam vẫn là thị trường M&A hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc… nhờ triển vọng tăng trưởng kinh tế vững chắc, khả năng ứng phó và thích nghi của Chính phủ và doanh nghiệp.

Đáng chú ý, thị trường đang chứng kiến sự chuyển hướng sang các công ty trong nước khi họ ngày càng tích cực hơn trong hoạt động M&A.

Doanh nghiệp Việt “chiếm sóng” trên thị trường M&A

Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Masan, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Tập đoàn Novaland đang là 5 đơn vị có hoạt động M&A thuộc hàng lớn nhất trên thị trường, cả về mặt giá trị và số lượng giao dịch trong hai năm vừa qua.

Cụ thể hơn, những tập đoàn lớn đã làm khuấy động thị trường với nhiều thương vụ bom tấn trong vai trò là cả bên mua và bên bán khi họ đã nâng giá trị thương vụ gấp 5 lần từ 248 triệu USD vào năm 2019 lên 1,21 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 53% tổng giá trị giao dịch M&A trong nước.

Bất chấp đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vào giữa năm 2021, nhóm này vẫn thể hiện nỗ lực lớn trong việc tìm kiếm các khoản đầu tư chất lượng. Qua đó, họ đã đóng 11 thương vụ với tổng giá trị lên đến 1,13 tỷ USD trong vòng 10 tháng của năm 2021, chiếm đến 70% tổng giá trị giao dịch trong nước.

Quy mô hoạt động của 5 công ty này đã tăng lên đáng kể theo thời gian không chỉ dựa vào năng lực quản trị và khả năng thực thi của đội ngũ lãnh đạo mà còn nhờ cách tiếp cận mạnh mẽ với chiến lược M&A.

Chính vì thế, nhóm này đã đạt được bước phát triển vượt bậc, nâng tầm cả về vốn hóa thị trường lẫn doanh thu, đặc biệt là Tập đoàn Masan, Hòa Phát và Novaland khi những doanh nghiệp này đã hưởng lợi lớn từ các khoản đầu tư chiến lược trong hành trình phát triển của mình.

Trong Diễn đàn M&A Việt Nam 2021 diễn ra sáng nay (9/12), ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia đưa đưa thông tin tích cực về thị trường M&A Việt Nam khi ghi nhận sự ổn định cao, thậm chí tăng trưởng mạnh trong năm 2021. Đồng thời cho thấy xu hướng nâng cao vị thế hơn của các doanh nghiệp Việt trên thị trường M&A.

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia. Ảnh Lê Toàn

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia. Ảnh Lê Toàn

Trong 10 tháng đầu năm 2021, thị trường M&A đã thu hút 8,8 tỷ USD, tăng gần 18% so với năm 2020 và 13,7% so với năm trước dịch - năm 2019. Giá trị bình quân cho mỗi giao dịch tăng từ 28,1 triệu USD trong năm 2019 lên 42,8 triệu USD trong 10 tháng đầu năm nay. Đồng thời, ngày càng có nhiều thương vụ giá trị trên 100 triệu USD được ghi nhận khi chỉ trong 10 tháng năm nay đã có 22 giao dịch so với 19 giao dịch trong toàn bộ năm 2019.

Trước đây, các hoạt động M&A chủ yếu được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là từ Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, thị trường đang chứng kiến sự chuyển hướng sang các công ty trong nước khi họ ngày càng tích cực hơn trong hoạt động M&A.

Các công ty trong nước chiếm 1,61 tỷ USD trong tổng giá trị thương vụ cho 10 tháng đầu năm 2021 và chỉ kém 68 triệu USD so với mức 1,67 tỷ USD của Nhật Bản.

Nếu loại trừ thương vụ Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui mua 49% cổ phần của FE Credit trị giá 1,3 tỷ USD, các công ty Việt Nam đã vượt xa các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc về giá trị thương vụ.

Sự hiện diện của các công ty quốc tế trở nên ít hơn vào năm 2020 đã dẫn đến sự sụt giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái về cả số lượng và giá trị giao dịch đến từ nước ngoài. Đồng thời, các công ty tại Việt Nam đang cần được rót vốn và đầu tư cấp bách để tồn tại và phát triển qua đại dịch.

Các nhà đầu tư trong nước nắm bắt những cơ hội này để mở rộng thị phần, thâm nhập vào các thị trường và ngành mới, đồng thời hình thành các mối quan hệ chiến lược.

Giá trị thương vụ trong nước đã tăng lên 2,2 tỷ USD vào năm 2020, thể hiện mức tăng trưởng 201% so với năm trước. Sự phục hồi bị cản trở bởi Covid-19 trong quý II và quý III/2021, điều này đã làm giảm số lượng giao dịch.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư trong nước vẫn chú trọng đến việc đầu tư; giá trị giao dịch do đó duy trì ở mức ổn định với 1,6 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay.

Theo ông Warrick Cleine, sự chuyển biến tích cực trong hoạt động M&A trong nước sẽ vẫn còn được duy trì đối với những doanh nghiệp này vì họ không chỉ có đủ lượng tiền mặt dự trữ để tìm kiếm các mục tiêu chất lượng, mà còn có khẩu vị mang tính chiến lược trong việc tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mở rộng thị trường và cải thiện tỷ suất lợi nhuận.

Thị trường M&A 2022: Có thực sự lạc quan?

Ông Seck Yee Chung, Luật sư điều hành, Công ty Luật Baker & McKenzie. Ảnh Lê Toàn

Ông Seck Yee Chung, Luật sư điều hành, Công ty Luật Baker & McKenzie. Ảnh Lê Toàn

Ông Seck Yee Chung, Luật sư điều hành, Công ty Luật Baker & McKenzie tham gia điều phối phiên thảo luận “M&A – Cơ hội bùng nổ trở lại” thông qua ý kiến trình bày của các diễn giả và cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang rất hấp dẫn. Việt Nam có nguồn lực dồi dào, đó là dân số đông, giới trung lưu tăng nhanh, đó là sự hấp dẫn lớn với nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng với các bên tham gia thị trường, họ đang thực sự lạc quan hay còn rất cẩn trọng?

Chia sẻ quan điểm lạc quan, ông Warrick Cleine cho biết thêm, trong kết quả khảo sát của KPMG thực hiện, đặc biệt là các lĩnh vực hấp dẫn với hoạt động M&A như fintech, dịch vụ tài chính, logistics… Mọi người nên lạc quan và tin tưởng vào sự tăng trưởng cao của Việt Nam trong năm 2022 – nền tảng hỗ trợ cho thị trường M&A.

Với bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF tin tưởng, năm 2022 là tiềm năng bật lại mạnh mẽ cho Việt Nam với nhiều yếu tố hậu thuẫn cho quan điểm này.

Đầu tiên, các doanh nghiệp Việt Nam, nhà đầu tư và các nhà làm chính sách có khả năng phản hồi, phản ứng rất tích cực để vượt qua và quay trở lại sau các tác động của đại dịch. Dễ nhìn thấy đó là xu hướng đẩy nhanh việc số hoá trong mọi khía cạnh kinh doanh, cuộc sống và nhận ra tầm quan trọng trong việc đa dạng nguồn cung để củng cố kinh doanh, giảm thiểu rủi ro. Số hoá sẽ đẩy nhanh các thương vụ M&A.

Với bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF tin tưởng, năm 2022 là tiềm năng bật lại mạnh mẽ cho Việt Nam với nhiều yếu tố hậu thuẫn.

Với bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF tin tưởng, năm 2022 là tiềm năng bật lại mạnh mẽ cho Việt Nam với nhiều yếu tố hậu thuẫn.

Thứ hai là môi trường pháp lý tốt hơn cho nhà đầu tư, trong đó có 2 nội dung quan trọng là các FTA có hiệu lực sắp tới và thoả thuận hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng có hiệu lực từ đầu năm 2022 sẽ thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, tinh gọn thủ tục hải quan, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường. Đặc biệt là hiệp định EVFTA cho phép các các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam (cam kết có thời hạn 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực).

Ghi nhận tinh thần lạc quan một cách thận trọng của các khách hàng, ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty RSM Việt Nam cho biết, dòng vốn FDI vào Việt Nam đang phát triển và tăng trưởng. Nhà đầu tư có niềm tin cao với thị trường Việt Nam.

“Chúng tôi có nhiều thương vụ và giao dịch, nhưng do thời gian chuẩn bị dài hơn nên có nhiều thương vụ phải để tới năm sau để hoàn thành. Chúng tôi đang nhìn vào các năm tới với mức độ tự tin rất cao”, ông Lâm nói.

Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty RSM Việt Nam. Ảnh Lê Toàn

Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty RSM Việt Nam. Ảnh Lê Toàn

Chia sẻ về lĩnh vực ngành nghề thu hút đầu tư M&A, ông Warrick Cleine chắc chắn ngành dịch vụ tài chính sẽ được củng cố, sáp nhập vì đó là ngành năng động. "Số lượng các tổ chức tài chính đã nhiều nên chắc chắn sẽ có sự sáp nhập", ông Warrick Cleine nói.

Bên cạnh đó, các ngành sản xuất cơ bản, bán lẻ, tiêu dùng sẽ tiếp tục hấp dẫn. Ngành công nghệ không hẳn liên quan đến Covid vì vốn rất năng động, tăng trưởng nhưng đại dịch đã thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển nói chung.

Theo góc nhìn của bà Duyên, dịch vụ tài chính, hạ tầng cơ sở, công nghệ, các ngành liên quan tiêu dùng – là ngành năng động và chắc chắn sẽ bùng nổ trong các năm tới.

Đồng quan điểm là ngành ngân hàng, bất động sản, hàng tiêu dùng luôn hấp dẫn với nhà đầu tư, ông Lâm chia sẻ thêm các ngành hấp dẫn trong thời gian tới là năng lượng tái tạo, dược phẩm, viễn thông, cơ sở hạ tầng. Trong đó, tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị công ty) là điểm cộng cho các doanh nghiệp trong việc thu hút nguồn vốn.

Dòng vốn đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản sẽ đều đặn chảy vào thị trường M&A Việt Nam

Đầu tư ra nước ngoài, trong đó có đầu tư liên quan tới Việt Nam vẫn phải cần thời gian phục hồi do tỷ lệ vẫn giảm 25% so với năm 2019, năm 2020 giảm tới 33%.

Trong tương lai, dòng vốn đầu tư vẫn đều đặn chảy vào Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam vẫn đứng thứ 6 trong số các quốc gia trên thế giới mà doanh nghiệp Nhật Bản tiến hành M&A, sau Trung Quốc và Ấn Độ, với 19 thương vụ. Sự lên xuống thất thường qua từng năm, ông Yoshida cho rằng, tương lai Việt Nam thăng hạng lên vị trí 4 - 5 , vượt qua các quốc gia khác sẽ không xa.

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam

Cơ sở và động lực làm cho đầu tư M&A vào Việt Nam là lựa chọn của nhiều công ty và nhà đầu tư Nhật Bản, đó là các công ty Nhật cần thị trường mới để mở rộng do hầu hết lĩnh vực ở Nhật đã phát triển chạm trần ở quê nhà và các thị trường trên toàn cầu.

Đáng chú ý, gần 1/3 dân số có độ tuổi trên 65 (29%), khiến độ tuổi trung bình của người Nhật là 48,4 tuổi, hơn người Việt Nam gần 20 tuổi, dân số giảm khoảng 266.000 mỗi năm. Riêng trong năm 2020 đã có 766.000 người mất.

Yếu tố thứ hai là chiến lược tăng trưởng M&A được hỗ trợ bởi nguồn tiền dồi dào ở Nhật tích lũy trong 20 năm qua, hơn 2.1198 tỷ USD, tồn tại ở hình thức tiền gửi ngân hàng với lãi suất 0%. Với sức ép phải tái đầu tư số tiền này của các cổ đông, dòng tiền này đã bắt đầu đổ vào M&A.

Các lĩnh vực mà Nhật Bản vẫn muốn rót vốn vào Việt Nam, bao gồm: xây dựng hạ tầng, logistics, bán lẻ tiêu dùng và năng lượng sạch.

Trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ nhiều tập đoàn kinh tế lớn và nhiều trường đại học hàng đầu của Nhật muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như giao thông, bất động sản, năng lượng, y tế, giáo dục.

Tin bài liên quan