Trong phiên tòa sơ thẩm xét xử Vũ Việt Hùng và đồng phạm ở Đắk Nông, đã nhiều tranh luận xung quanh số tiền 461 tỷ đồng đang được gửi ở tài khoản tạm giữ của Cơ quan cánh sát điều tra gửi ở Ngân hàng Phát trển Việt Nam (VDB) và 50 tỷ đồng ở Ngân hàng Nam Á.
Trong quan điểm giải quyết vụ án, đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Nông đề nghị HĐXX buộc VDB trả lại số tiền 461 tỷ đồng cho Ngân hàng Phương Đông (OCB), trả 50 tỷ đồng cho Ngân hàng Nam Á (NamABank). Buộc Ngân hàng Nam Á trả cho Ngân hàng Phương Đông 50 tỷ đồng.
Luật sư Trần Minh Hải, bảo vệ cho Ngân hàng Phương Đông cho rằng, số tiền hơn 500 tỷ đồng trên là vật chứng của vụ án và phân tích theo quy định tại Điều 74 của Bộ luật tố tụng hình sự, vật chứng có thể là: (1) Vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; (2) Vật mang dấu vết của tội phạm; (3) Vật là đối tượng của tội phạm; (4) Tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội.
Trong vụ án này, chính các bị cáo Cao Bạch Mai, Trần Thị Xuân, Nguyễn Thị Vân đều thừa nhận đã lừa đảo Ngân hàng Phương Đông, lấy tiền trả nợ xấu tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Vì vậy, luật sư Hải đề nghị HĐXX trả lại số tiền mà họ đã lừa đảo của Ngân hàng Phương Đông nhằm giảm bớt thiệt hại do hành vi phạm tội của họ gây ra để được giảm nhẹ tội. Số tiền bị chiếm đoạt của Ngân hàng Phương Đông theo đó chính là đối tượng của tội phạm, đồng thời cũng có giá trị chứng minh rõ ràng hành vi phạm tội của các bị cáo.
Ngoài ra, hồ sơ tài liệu vụ án đều thể hiện bị cáo Vũ Việt Hùng biết rõ việc cho vay có nhiều sai phạm, doanh nghiệp sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến vỡ nợ. Chính Hùng nhiều lần thúc giục các bị cáo tìm nguồn trả nợ.
Nhưng các DN này đều mất khả năng thanh toán, thực chất là vỡ nợ, nên không thể vay vốn tại ngân hàng khác. Do đó, Hùng đã ký khống hợp đồng tiền gửi. Và phải có tài sản bảo đảm là tiền gửi cũng như sự xác nhận của Vũ Việt Hùng thì Ngân hàng Phương Đông mới giải ngân.
Các bị cáo đại án nghìn tỷ tại Tây Nguyên nghe tòa tuyên án chiều 13/3
Sau lần giải ngân của khoản vay đầu tiên 200 tỷ đồng, Hùng đã lập tức thu nợ để lấp đi dư nợ xấu mà không hề thông báo tới Ngân hàng Phương Đông, bởi bị cáo Hùng biết rõ, nếu Ngân hàng Phương Đông biết sẽ không giải ngân tiếp số tiền 330 tỷ đồng đợt 2. Có thể thấy, bị cáo Hùng có mục đích hướng tới 530 tỷ đồng của Ngân hàng Phương Đông nhằm lấp đi thất thoát từ việc cho vay sai quy định của Hùng.
Tuy nhiên, đại diện VDB cho rằng, việc thu nợ dựa trên các hợp đồng tín dụng đã ký và được thực hiện đúng quy định khi thu nợ từ tài khoản của doanh nghiệp mở tại ngân hàng này, chứ không thu nợ từ tài khoản mở tại Ngân hàng Phương Đông.
Ngân hàng Phương Đông cho vay không đúng quy định, xảy ra thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp các doanh nghiệp dùng hợp đồng tiền gửi để vay tiếp tại VDB để trả các ngân hàng khác, thì chính VDB bị lừa, vì lúc đó lãi suất cho vay ưu đãi của ngân hàng này thấp hơn 7% so với lãi suất của các ngân hàng thương mại.
Xét hành vi phạm tội trong vụ án này, chứng cứ hồ sơ vụ án thể hiện, chứng minh được số tiền này các bị cáo đã chiếm đoạt của Ngân hàng Phương Đông và Nam Á chuyển về thanh toán nợ xấu của VDB. Với tình tiết, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án, việc cơ quan điều tra truy tố xem đây là vật chứng vụ án là có căn cứ đúng pháp luật, HĐXX chấp nhận.
Theo quy định tại điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự thì cần trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp là Ngân hàng Phương Đông và Ngân hàng Nam Á.
Do đó, HĐXX quyết định trả lại số tiền 529 tỷ đồng là vật chứng đã thu giữ được của Ngân hàng Phương Đông. Đồng thởi hủy bỏ quyết định thu giữ vật chứng 50 tỷ đồng đang tạm giữ tại tài khoản của Cơ quan cánh sát điều tra tại Ngân hàng Nam Á để Ngân hàng này thu nợ của bị cáo Nguyễn Thị Vân.