Chiều ngày 31/7, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp Cơ quan phát triển Pháp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức lễ công bố “Chỉ dẫn địa lý hạt tiêu Quảng Trị và nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận tỉnh Quảng Trị”.
Hạt tiêu Quảng Trị là đặc sản nổi tiếng của Việt Nam từ thế kỷ XV. Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, người Pháp đã chọn Quảng Trị làm nơi trồng cây hồ tiêu và xuất khẩu sang Pháp, Singapore, Hồng Kông..., được các nhà buôn nước ngoài coi như "vàng đen".
Hạt tiêu Quảng trị có nhiều cơ hội hơn khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Nhờ điều kiện địa lý đặc thù của khu vực sản xuất (biên độ nhiệt, số giờ nắng, đất đỏ bazan, thâm canh thấp.. ) nên hạt tiêu Quảng Trị có hạt nhỏ, tròn đều, mùi thơm và độ cay nồng đặc trưng.
Hạt tiêu Quảng Trị được bảo hộ chỉ dẫn địa lý gồm ba loại: hạt tiêu trắng, hạt tiêu đen và hạt tiêu dạng bột (được nghiền mịn từ hạt tiêu trắng hoặc đen) được trồng tại các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh và Hướng Hóa với diện tích trên 2.000 ha.
Theo UBNND tỉnh Quảng Trị, hiện tại các địa phương đang phát triển vườn tiêu mới, dự kiến đến năm 2020 sẽ có diện tích đạt 2.700 ha tiêu, đến năm 2025 đạt 3.000 ha, năng suất từ 1,5 - 2 tấn/ha, sản lượng từ 5.000 - 6.000 tấn
Khoa học chứng minh, hạt tiêu chứa một số khoáng chất rất quan trọng với cơ thể người (crom, canxi, đồng, sắt…) và giàu chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa; bên cạnh đó hạt tiêu có hàm lượng vitamin K cao và nhiều loại vitamin khác giúp giảm tác hại của các gốc hóa học tự do trên cơ thể…
Hiện nay, hạt tiêu Quảng Trị đang được thị trường nước Mỹ và Pháp đánh giá cao. Tỉnh này đã hợp tác với Tập đoàn Noble House Spice (Mỹ) để xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Mỹ.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, để nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm thì việc triển khai công tác quản lý và phát triển thương hiệu cho các đặc sản địa phương là thiết thực.
Sự kết hợp bốn nhà trong sản xuất giúp sản phẩm được nâng cao cả về chất và lượng
“Tuy nhiên, cần tăng cường quản lý, kiểm soát về chất lượng đối với các sản phẩm, dịch vụ đã được công nhận chỉ dẫn địa lý. Có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền từ quản lý thị trường, quản lý sản xuất, đến phòng chống các loại hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho mỗi sản phẩm, dịch vụ gắn với chỉ dẫn địa lý…”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Bùi Thế Huy, Thứ trưởng Bộ KHCN cho biết, hạt tiêu Quảng Trị được chỉ dẫn địa lý sẽ là cơ sở để doanh nghiệp, người dân nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Thời gian tới, Quảng Trị cần tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến hạt tiêu; giữ gìn và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Nằm trong khuôn khổ buổi lễ, có 9 sản phẩm cũng là đặc sản của Quảng Trị được cấp nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gồm: nước mắm Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng); nước mắm Cửa Việt (Gio Linh); rượu men lá Ba Nang (Đakrông); cao dược liệu Định Sơn (Cam Lộ); khoai môn (Vĩnh Linh); nước mắm Cồn Cỏ (huyện đảo Cồn Cỏ); đậu đen xanh lồng (Triệu Phong); rau sạch (TP.Đông Hà) và chuối Tân Long (Hướng Hóa).