Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Hapro xin cơ chế riêng

Việc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) xin “cơ chế riêng” về mặt bằng kinh doanh để phát triển hệ thống phân phối của mình đã phần nào cho thấy sự kém năng động của doanh nghiệp này trong cơ chế thị trường.

Hapro là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP. Hà Nội, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con, với 3 lĩnh vực hoạt động chính là kinh doanh xuất nhập khẩu, thương mại nội địa và đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại.

 

Sau 7 năm xây dựng và phát triển, đến nay, hệ thống bán lẻ của Hapro có 3 trung tâm mua sắm Hapro Shopping Centre; 3 trung tâm kinh doanh chợ; 40 siêu thị, cửa hàng tiện ích HaproMart; trên 40 cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn HaproFood. Ngoài ra, Hapro còn có hệ thống trên 100 cửa hàng chuyên kinh doanh điện, điện máy, điện dân dụng, may mặc... tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Bắc..

 

Doanh thu từ hệ thống bán lẻ nội địa của Hapro trong các năm gần đây đạt trên 4.000 tỷ đồng/năm, trong đó doanh thu từ các hàng hóa sản xuất trong nước tăng bình quân 30 - 50%/năm.

 

Tại Hội thảo “Hàng Việt Nam trong hệ thống bán lẻ hiện đại - cần một chiến lược lâu dài” tổ chức mới đây tại Hà Nội, trong bản tham luận của mình, Hapro có kiến nghị được hỗ trợ về địa điểm, mặt bằng kinh doanh phù hợp tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Bắc, để phát triển hệ thống phân phối cả ở thành thị và nông thôn. Cụ thể, Hapro muốn phát triển các hệ thống HaproMart và HaproFood tại các khu tập trung đông dân cư, khu tái định cư, khu đô thị mới tại Hà Nội, như Trung Hòa - Nhân Chính, Mỹ Đình, Định Công, Việt Hưng, Văn Quán…

 

Hapro cũng đề xuất có cơ chế cho doanh nghiệp thuê mặt bằng tầng 1 các tòa chung cư tại các khu đô thị trên, với mỗi khu đô thị có 1 - 2 điểm, diện tích 300 - 500 m2, để phát triển chuỗi HaproMart và HaproFood.

 

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, Hapro được kỳ vọng như một “quả đấm thép” trong lĩnh vực thương mại của Hà Nội, nên việc xin “cơ chế ưu đãi” riêng về mặt bằng của Hapro cũng có lý. Bởi lẽ, lịch sử phát triển thương mại của Hà Nội đã để lại cho Hapro hàng trăm địa điểm, nhưng có tới 30% điểm có diện tích 10 - 20 m2, nằm lẫn nhà dân, nên rất khó kinh doanh được..

 

Tuy nhiên, từng là Chủ nhiệm Đề án thành lập Hapro, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, ông Phú cũng thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân phát triển không xứng tầm so với ưu đãi mà Hapro đã và đang được hưởng so với các công ty bán lẻ khác trên địa bàn Hà Nội.

 

Trước hết, ông không đồng tình với việc Hapro xin “cơ chế riêng” về mặt bằng để phát triển hệ thống phân phối. “Từ trước đến nay, Hapro đã được hưởng quá nhiều ưu đãi mà hoạt động không hiệu quả. Bây giờ, Hapro cần tránh cơ chế xin - cho, phải cạnh tranh bình đẳng”, ông Phú nói.

 

Liên quan đến những điểm yếu của Hapro, theo ông Phú, trình độ nhân lực của Hapro là yếu tố đáng bàn nhất. Khoảng 20% cán bộ, công nhân viên của Hapro hiện nay trong độ tuổi từ 45 trở lên; 50% cán bộ, công nhân viên, thậm chí cả cán bộ chủ chốt, không được đào tạo về kinh doanh thương mại hiện đại. Trong khi đó, cách vận hành bộ máy còn cồng kềnh, sự liên kết giữa các bộ phận kinh doanh trong Hapro còn chưa ăn nhập, chưa chủ động khai thác kinh doanh hiệu quả, mà ngồi chờ nhà sản xuất mang nguồn hàng đến. Nhà sản xuất hàng thuần Việt còn ít chú ý đến việc thay đổi mẫu mã và nguyên liệu còn qua nhiều khâu trung gian, nên đẩy chi phí đầu vào lên cao....

 

Ngoài ra, chính việc Hapro “hờ hững” với quá trình cổ phần hóa cũng đã kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp này trong cơ chế thị trường. “Nếu không thay đổi, lối làm việc đôi khi còn dựa dẫm thì sẽ bỏ lỡ nhiều thời cơ. Trong kinh doanh, quan trọng nhất là nắm bắt thời cơ, nhưng Hapro chưa nhạy bén với vấn đề này”, ông Phú nói và nêu ví dụ về việc Hapro sắp khánh thành trung tâm thương mại mới tại phố Cát Linh (Hà Hội). “Hapro sẽ sử dụng mặt bằng này để vừa kinh doanh siêu thị, vừa cho thuê văn phòng. Tuy nhiên, giá văn phòng cho thuê đã giảm mạnh, không đúng thời cơ. Nếu Hapro làm việc này cách đây 10 năm thì quá tốt”, ông Phú nói.