Hào hứng thái quá: Chứng khoán sẽ có "có biến"?

Hào hứng thái quá: Chứng khoán sẽ có "có biến"?

(ĐTCK) Tuần cuối tháng 4/2012 có thể mở ra một bất ngờ nào đó, thậm chí đó là tuần khởi đầu cho một "biến cố" trên hai sàn chứng khoán. Ở phía trên, có một ngưỡng kháng cự rất hấp dẫn đang chờ đón HNX...

 

Như nhận định của từ đầu tháng, hai phần ba tháng 4/2012 đã trôi qua với thế giằng co đi ngang và tăng răng cưa, biên độ dao động không lớn. Một con sóng tăng nhẹ khoảng 11% đã được "cấu tạo" sao cho các phiên tăng và giảm tương đối xen kẽ, nhưng rốt cuộc vẫn vượt đỉnh đã được lập vào tháng 3/2012.

 

Quan sát đồ thị của chỉ số VNI, có thể nhận ra dạng vận động này khá giống với diễn biến của chỉ số Dow Jones vào đầu năm 2009, tức sau một đoạn tăng khá mạnh khoảng 36%, VNI đã tiếp tục "bò" lên, nhưng với biên độ dao động thấp hơn hẳn. Tuy vậy, cái thế tăng răng cưa của VNI luôn đem lại một cảm giác ổn định về độ bền vững và làm cho dạng đồ thị trở nên "đẹp" trong con mắt các nhà đầu tư.

 

Trên bình diện vĩ mô, sau thông tư giảm lãi suất gần nhất của Ngân hàng nhà nước từ 13% về 12%, thị trường tín dụng vẫn khá trầm lắng, chưa có động thái đồng loạt hạ lãi suất cho vay quyết liệt. Tuy nhiên, hiện tượng riêng lẻ vẫn đang diễn ra khá đều đặn khi một số ngân hàng như BIDV, Vietinbank, Agribank, Eximbank, VPBank, TienPhongBank, An Bình, ANZ... vẫn tiếp nối nhau giảm dần lãi suất cho vay đối với chứng khoán và đặc biệt là với bất động sản. Vài ngân hàng thậm chí còn đưa lãi suất cho vay về vùng 10%, với điều kiện khách hàng phải mua sản phẩm biệt thự của chủ đầu tư có quan hệ tín dụng với những ngân hàng đó.

 

Thị trường đầu cơ sẽ "phát tác" khi tín dụng được nới lỏng - một quy luật  bất di bất dịch trong nhiều năm qua đang được tái hiện vào thời gian này ở Việt Nam . Dù chưa giảm mạnh, song điều được gọi là "quyết tâm" của các ngân hàng trong thế buộc phải giảm lãi suất và đẩy mạnh cho vay trong quý 2 này, như khuyến cáo của thống đốc Nguyễn Văn Bình, đã khiến cho chứng khoán không thể giảm mạnh. Cũng vì lẽ đó, đã không ngạc nhiên khi hai chỉ số chứng khoán liên tục có những sóng dao động khá mạnh, nhưng vẫn "bảo đảm" hình thể đáy sau cao hơn đáy trước - một tư thế không mong muốn gì hơn đối với mảng phân tích kỹ thuật.

 

Câu hỏi đặt ra hiện thời với các nhà đầu tư là sau sóng cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và bất động sản, thị trường sẽ hướng đến nhóm cổ phiếu nào khác. Thực ra, ngay cả nhiều cổ phiếu có vốn hóa nhỏ và siêu nhỏ cũng đã có được tỷ lệ tăng ít nhất 50% trong hơn 3 tháng qua. Cũng đã hoàn tất chu trình tăng trưởng thậm chí đến gấp đôi của một số cổ phiếu có kết quả kinh doanh năm 2011 và quý 1/2012 từ lỗ tới lỗ...

 

Vì thế, sóng tăng của thị trường nếu được tiếp tục, có lẽ sẽ quay trở lại với những công ty có kết quả kinh doanh ấn tượng hơn. Vậy ai mới là đối tượng khả quan như thế? Nhìn đi nhìn lại, vẫn chỉ có nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ngay cả cổ phiếu STB, mặc dù bị thiên hạ đua nhau đăng ký bán tống với khối lượng rất lớn, nhưng vẫn là một ngân hàng ăn nên làm ra, khả quan hơn rất nhiều so với khối doanh nghiệp chứng khoán và bất động sản vốn đang chìm ngập trong nợ nần.

 

Nhận định của thống đốc NHNN về khả năng "chứng khoán tăng tuy không mạnh nhưng sẽ bền vững" đang tỏ ra "thức thời". Quả thực, từ giữa tháng 3/2012 đến nay, thị trường này đã có nhiều cơ hội để... lao dốc, và những cơ hội ấy đã đương nhiên được hiện thực hóa một cách xót xa, nếu không có một nguồn lực cầu luôn chờ chực nâng đỡ cho thị trường. Chính thế, giá trị giao dịch trên hai sàn là một trong những nhân tố ổn định và duy trì niềm tin ở mức độ cao nhất đối với tất cả các nhà đầu tư. Vượt hơn hẳn giá trị giao dịch bình quân năm 2009, hiện nay mức thanh khoản từ 2.000 tỷ đồng trở lên, thỉnh thoảng lại được điểm xuyết bởi một phiên có giá trị dến 3.000 tỷ đồng, đang làm cho tâm lý mọi người bớt hẳn sự lo sợ về chuyện thị trường... hết tiền.

 

Mà nếu các cơ hội lao dốc đã không được ai đó lợi dụng, hẳn nhiên thị trường chỉ còn cách diễn biến theo hướng ngược lại - đi lên. Vậy là một lần nữa, chúng ta cần nhìn lên phía trên, thay cho tư thế cứ chăm chăm ngó xuống dưới như cách đây mấy tháng.

 

Ở phía trên, có một ngưỡng kháng cự rất hấp dẫn đang chờ đón HNX. Đó là vùng điểm 95. Khoảng cách giữa vùng điểm đó với giá trị hiện thời của HNX là khoảng 23-25%. Tức nếu HNX đạt được mục tiêu kỳ vọng, mặt bằng giá cổ phiếu loại vừa sẽ tăng khoảng 30%, còn cổ phiếu nhỏ có thể tăng đến 40%. Rõ ràng, đó là những tỷ lệ lời lãi vô cùng thuyết phục cho các nhà đầu tư, đặc biệt là giới đầu tư vàng mà đã chưa từng biết đến con sóng nào từ tháng 10/2011 cho đến giờ.

 

Tuần cuối tháng 4/2012 có thể mở ra một bất ngờ nào đó, thậm chí đó là tuần khởi đầu cho một "biến cố" trên hai sàn chứng khoán. Sau gần một tháng rưỡi kéo ngang trong hy vọng, thị trường đang nhiều khả năng chuẩn bị cho một sóng tăng bất ngờ và dốc đứng. Những nhà đầu tư còn ngần ngại sẽ có thể bị thất thần trước những phiên tăng điểm xanh rờn, bị lóa mắt trước hàng núi tiền đổ ập vào thị trường không một chút kiêng dè. Và nhiều nhà đầu tư còn trở nên "điên loạn" trước con sóng thần tiền bạc và lợi nhuận...

 

Khi đó, có lẽ không khác mấy với "lời sấm", thị trường sẽ "chết trong sự thỏa mãn". Chỉ có điều, cái chết nào sẽ nối tiếp sau cái chết thỏa mãn mới là câu hỏi cần được nhọc tâm suy đoán.