Ảnh Internet

Ảnh Internet

Hành trình của nhà đầu tư F0 Việt

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bùng nổ trong tương lai nhờ sự tham gia của một lớp nhà đầu tư mới.

Nguyễn Thọ, 42 tuổi, cùng vợ điều hành một công ty du lịch nhỏ ở Hà Nội. Khi dịch Covid-19 diễn ra, cũng giống như các doanh nghiệp trong ngành, công việc của vợ chồng anh bị đình trệ hoàn toàn. Chi tiêu của gia đình 4 người phải tạm thời co lại.

“Trong mấy tháng qua các khoản phải chi tiêu cứ gặm nhấm dần khoản tiết kiệm của vợ chồng tôi”, anh bảo.

Là cử nhân kinh tế tốt nghiệp từ một trường đại học có tiếng ở Hà Nội, đã từng đầu tư vào chứng khoán những năm 2007-2008 và bị thua lỗ khi thị trường giảm sâu do cú sốc tài chính toàn cầu bắt nguồn từ khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ, anh Thọ quyết định rời khỏi thị trường sau đó.

Vào giai đoạn đầu khi dịch Covid-19 diễn ra, người dân Thủ đô và nhiều tỉnh thành có bệnh nhân bị lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, mọi người phải tiến hành giãn cách xã hội, anh Thọ phải ở nhà.

Có nhiều thời gian rảnh rỗi, anh bắt đầu tự trang bị thêm những kiến thức phân tích kỹ thuật cơ bản về cổ phiếu.

Không giống như thời kỳ 2007-2008 khi mà những tài liệu nghiên cứu cơ bản về đầu tư chứng khoán còn rất hạn chế và lạ lẫm đối với nhiều nhà đầu tư Việt Nam, giờ đây chỉ với một cú click chuột anh Thọ đã có thể tiếp cận với rất nhiều nguồn tài liệu trên Internet, trong đó có cả từ nhiều công ty chứng khoán trong nước.

Sau nhiều tháng miệt mài tích lũy kiến thức, cộng với sự giúp đỡ của vài người bạn hiện đang làm việc tại công ty chứng khoán, anh Thọ giờ đây cảm thấy tự tin hơn rất nhiều khi quay trở lại thị trường từ đầu tháng 8 vừa qua để tìm kiếm những khoản lợi nhuận nhằm bù đắp một phần cho khoản thu nhập bị mất đi vì dịch bệnh.

“Mặc dù cơ hội tốt nhất để tham gia thị trường đã qua, nhưng tôi tin rằng vẫn còn rất nhiều cơ hội cho mình ở phía trước, bởi kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới và thị trường mới chỉ vừa lấy lại toàn bộ những gì đã mất trong thời gian diễn ra dịch bệnh”, anh Thọ nói.

Anh tiết lộ, với số vốn đầu tư ban đầu vỏn vẹn chỉ 400 triệu đồng trích từ khoản tích lũy của hai vợ chồng anh, giờ đây giá trị tài khoản chứng khoán của anh đã lên tới hơn 550 triệu đồng sau 4 tháng đầu tư.

“Trong điều kiện lãi suất tiết kiệm cao nhất chỉ ở quanh mức 8%/năm như hiện nay thì tỷ suất lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán cao hơn gấp nhiều lần”, Thọ nói. Anh cho biết thêm: “Nếu chọn lọc kỹ và lựa đúng thời điểm để mua vào một cổ phiếu, sau 1-2 tuần nhà đầu tư hoàn toàn có thể có được khoản lợi nhuận 7-10%”.

“Không giống như đầu tư vào thị trường bất động sản đòi hỏi phải có số vốn đầu tư lớn, không phải ai cũng có thể tham gia đầu tư được, thì với số vốn đầu tư không cần nhiều, tính thanh khoản cao, thị trường chứng khoán rõ ràng đang sở hữu những ưu thế vượt trội”, anh Thọ nhận định.

Trong những tháng qua, những người quay lại thị trường chứng khoán sau nhiều năm rời bỏ thị trường như anh Thọ không phải là hiếm. Họ được giới truyền thông định danh là những nhà đầu tư F0 thuộc thế hệ millennium.

Cũng được coi là nhà đầu tư F0 như anh Thọ nhưng Ngọc Trâm là người thuộc thế hệ Gen Z - những người sinh ra trong giai đoạn 1996-2016. Ở tuổi 24, sau khi tốt nghiệp đại học tại Mỹ, Trâm đã gia nhập thị trường lao động Việt Nam được 1 năm nay với thu nhập hàng tháng khoảng 40 triệu đồng.

Ngoài việc mới tham gia một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để bảo vệ mình khỏi những biến cố về sức khỏe, để chuẩn bị kế hoạch tài chính cho tương lai, theo lời khuyên của đồng nghiệp - những người chỉ hơn Trâm vài tuổi, Trâm bắt đầu nghĩ tới việc đầu tư và tích lũy tài sản bằng cổ phiếu.

Mấy hôm trước, sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng Internet, Trâm đã chọn mở tài khoản chứng khoán tại Công ty chứng khoán VPS để bắt đầu hành trình đầu tư của mình.

Trâm bảo: “Mỗi tháng em sẽ dành ra khoảng 5 triệu đồng để đầu tư và nắm giữ dài hạn cổ phiếu của một công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng hoặc công nghệ hay dược phẩm, bởi đây là những ngành em cho rằng sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai. Điều này giúp em vẫn có tiền để đóng góp cho gia đình hàng tháng, để chi tiêu cho nhu cầu cá nhân một cách khá thoải mái, nhưng vẫn có thể đầu tư để hiện thực hóa mục tiêu tài chính dài hạn của mình là tự do về tài chính ở tuổi ngoài 40”.

“Nếu thu nhập tăng hoặc tiết kiệm được nhiều hơn, em sẽ gia tăng khoản đầu tư hàng tháng của mình thêm vài triệu nữa”, Trâm nói.

Trâm không phải là trường hợp hiếm thấy ở Việt Nam hiện nay. Với việc sẽ được thừa hưởng gia sản từ cha mẹ mình - những người đã phải vất vả hàng chục năm bươn trải để mong cho con cái mình có được một cuộc sống tốt hơn - giờ đây Trâm không còn phải lo nghĩ nhiều tới việc phải có được căn nhà hay chiếc xe nữa. Vì thế, Trâm đã có thể ‘rảnh rang’ để nghĩ tới việc tích lũy tài sản bằng cổ phiếu ngay từ bây giờ.

Theo nhận định của các công ty chứng khoán, những người như anh Thọ và Trâm đã góp phần không nhỏ vào sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua, bất chấp những tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19.

Điều đáng mừng là, đã có những tín hiệu cho thấy thế hệ Gen Z đang bắt đầu coi cổ phiếu là tài sản để tích lũy lâu dài, bởi họ có cả một tương lai dài phía trước. Họ có thời gian để chờ đợi trái ngọt từ những khoản đầu tư nhỏ của mình.

Tin bài liên quan