Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào.
Nhiều doanh nghiệp tại nằm tại đầu tàu kinh tế phía Nam phải tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng trong suốt quý III do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Các doanh nhân nước ngoài như bà đánh giá thế nào về khả năng phục hồi hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam trong quý IV năm nay?
Mặc dù vừa trải qua giai đoạn đầy thách thức, nhưng tôi nhìn thấy tâm lý khá lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế.
Trong số các ưu tiên để giải quyết các thách thức về kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã tích cực triển khai chương trình tiêm chủng, đặc biệt là ở các thành phố lớn và các khu công nghiệp. Điều này đã tạo niềm tin cho các doanh nghiệp vào sự kiểm soát hiệu quả sự lây lan của Covid-19 cũng như khả năng duy trì các hoạt động sản xuất và vận hành một cách an toàn.
Chính sách và các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ và an sinh dành cho người dân và doanh nghiệp cũng được đưa ra kịp thời. Ví dụ, các ngân hàng đã cam kết tái cơ cấu các khoản vay và giảm lãi suất. Chính phủ cũng hoãn và giảm thuế phí để hỗ trợ các doanh nghiệp, ngoài ra còn có các gói hỗ trợ an sinh cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Các biện pháp mạnh mẽ của Chính phủ đã giúp loại bỏ một số tác động tiêu cực của đại dịch, cho phép doanh nghiệp có cơ hội tập trung phục hồi.
Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển đổi số. Sau khi biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng vào năm ngoái, số lượng các doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh trực tuyến đã tăng lên so với thời điểm trước đại dịch. Ngay cả trong những tháng vừa qua, trong khi các doanh nghiệp khác gặp khó khăn thì doanh số bán lẻ trực tuyến vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ.
Các doanh nghiệp đang khôi phục hoạt động khi Việt Nam dần mở cửa trở lại nền kinh tế. Theo bà, doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì để chinh phục “đường đua mới”?
Đại dịch không chỉ mang đến những thách thức chưa từng có tiền lệ, mà nó còn đặt lại định nghĩa về khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Bài học rút ra đầu tiên đó là việc linh hoạt và thích ứng trong thời điểm có nhiều biến động không thể lường trước, như việc xuất hiện các biến thể vi-rút mới, số ca nhiễm tăng lên nhanh chóng chỉ trong vài giờ mà chúng ta đã chứng kiến trong thời gian vừa qua. Bài học tiếp theo đó là sự cấp thiết của việc ứng dụng công nghệ số.
Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp sớm thích ứng công nghệ và dịch chuyển hoạt động từ trực tiếp lên các nền tảng số đã nhanh chóng hạn chế sự gián đoạn do đại dịch. Bên cạnh đó, đây cũng là những doanh nghiệp sớm đặt nền tảng kinh doanh vững chắc và trở nên kiên cường hơn trước thách thức của cuộc khủng hoảng.
Ngay bây giờ, doanh nghiệp cần phải chuyển hướng sang cách tiếp cận ưu tiên kỹ thuật số và thực hiện những thay đổi cần thiết để khôi phục và mở rộng quy mô.
Cuối cùng, chúng ta đã chứng kiến các giao dịch không tiền mặt trở nên ngày càng phổ biến trong hoạt động thường ngày. Khi đại dịch bùng phát, người tiêu dùng đã nhanh chóng chấp nhận thanh toán không tiếp xúc/không dùng tiền mặt/kỹ thuật số để giảm thiểu tiếp xúc và giữ an toàn.
Thay đổi này đã trở thành một thói quen lâu dài và là yếu tố quan trọng trong trải nghiệm người tiêu dùng mà các doanh nghiệp cần thích ứng.
Những diễn biến không thể đoán trước của Covid-19 và các hệ lụy đối với doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Do đó, ngay bây giờ, doanh nghiệp cần phải chuyển hướng sang cách tiếp cận ưu tiên kỹ thuật số và thực hiện những thay đổi cần thiết để khôi phục và mở rộng quy mô.
Khi trạng thái bình thường trở lại, có những lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, cần nhanh chóng quay trở lại cách làm truyền thống và tạm gác sự thay đổi lại, bà nghĩ sao về thực tế này?
Tôi không cho rằng tạm gác lại sự đổi mới là một lựa chọn hợp lý.
Theo báo cáo về chỉ số thanh toán mới của Mastercard, 84% người tiêu dùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã áp dụng các hình thức thanh toán mới nổi chỉ riêng trong năm qua.
Ngoài ra, báo cáo cho thấy 94% người tiêu dùng tại đây sẽ cân nhắc sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán mới nổi như mã QR, ví điện tử hoặc ví di động, chương trình trả góp, tiền ảo, sinh trắc học và các phương thức khác trong năm tới.
Một thông tin các chủ doanh nghiệp cần lưu ý, có đến 74% số người được hỏi cho biết họ sẽ mua sắm thường xuyên tại các doanh nghiệp nhỏ nếu có thêm các tùy chọn thanh toán.
Trải nghiệm trực tuyến và trực tiếp sẽ là trọng tâm của ưu tiên kỹ thuật số. Nhu cầu gia tăng về tích hợp công nghệ vào cuộc sống hàng ngày một cách tốt hơn, nhanh hơn và an toàn hơn khiến ngày càng nhiều người tiêu dùng tìm kiếm những trải nghiệm ưu tiên công nghệ số hoặc thiết bị di động.
Trước thực tế đó, doanh nghiệp cần đánh giá lại cách thức ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra những trải nghiệm liền mạch cho người tiêu dùng. Một trong số đó là tạo ra trải nghiệm hỗ trợ trực tuyến.
Một điều quan trọng nữa là cung cấp các lựa chọn thanh toán linh hoạt. Ảnh hưởng từ đại dịch, nhiều hộ gia đình đang đánh giá và thắt chặt chi tiêu, ưu tiên các mặt hàng thiết yếu, như chăm sóc sức khỏe và thực phẩm.
Do đó, nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần áp dụng các giải pháp mới như “mua trước trả sau” giúp người tiêu dùng mua hàng mà không phải chịu lãi suất hoặc ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng cá nhân.
Nghiên cứu của Mastercard cho thấy 43% người tiêu dùng ở châu Á - Thái Bình Dương sẵn sàng tăng chi tiêu ít nhất 15% nếu được trả góp.
Theo bà, có kinh nghiệm nào từ Singapore và các quốc gia khác có thể áp dụng cho Việt Nam trong quá trình phục hồi này không?
Singapore, nơi đặt văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của nhiều tập đoàn lớn, đang trong quá trình chuyển đổi để hướng tới trở thành một quốc gia có khả năng chống chịu với Covid-19 và quốc gia này đã đầu tư vào một số biện pháp ổn định kinh doanh.
Trước những biện pháp hạn chế đi lại và chiến lược “không Covid”, thương mại điện tử đóng vai trò như một chiếc phao cứu sinh giúp các doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Sự chuyển dịch nhanh chóng sang kỹ thuật số đã mở đường cho thế hệ những nhà khởi nghiệp tiếp theo. Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng của những nhân tố mới đang nắm bắt cơ hội trong bối cảnh gián đoạn.
Các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống ở Singapore đã chấp nhận số hóa và đổi mới, nhằm duy trì hoạt động kinh doanh trước các biện pháp đóng cửa.
Các cơ sở thực phẩm từng phụ thuộc vào dịch vụ ăn uống trước đại dịch đã đẩy nhanh việc áp dụng các giải pháp số (chẳng hạn như triển khai giải pháp thanh toán an toàn, số hóa các chức năng hoạt động chính như tiếp thị và quảng cáo hay tùy chọn giao hàng), điều này cho phép họ chuẩn bị tốt hơn ngay cả khi các hoạt động ăn uống tại chỗ phải tạm dừng.
Con đường dẫn tới số hóa mang lại những phần thưởng và thách thức và khi ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển sang kỹ thuật số trong bối cảnh đại dịch, các mối đe dọa mạng tiếp tục là mối quan tâm lớn.
Tại Singapore, để bảo vệ doanh nghiệp khỏi các mối đe dọa mạng khi họ chuyển sang nền kinh tế kỹ thuật số, Cơ quan An ninh mạng ở Singapore đã đưa ra hàng loạt bộ công cụ cho các doanh nghiệp và tổ chức.
Các bộ công cụ này cung cấp hướng dẫn về các vấn đề an ninh mạng phù hợp với các nhà lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như nhân viên.
Trong số những bài học được rút ra từ đại dịch này, điều quan trọng mà chúng ta cần nhận ra là không thể chờ đợi đến khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ hay đến khi vi-rút biến mất hoàn toàn.
Các doanh nghiệp cần phải linh hoạt để thực hiện những gì cần thiết và quan trọng nhất - đó là sự hiện diện trực tuyến với các tùy chọn thanh toán trực tuyến. Các doanh nghiệp muốn theo kịp tình hình đại dịch luôn thay đổi cần phải dựa vào phương pháp "thử và học" để xây dựng chiến lược, lập kế hoạch và thực hiện.
Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục phục hồi tăng trưởng, tăng trưởng bao trùm và tăng trưởng kỹ thuật số, điều quan trọng không kém là tập trung vào những nỗ lực lớn hơn trong việc đảm bảo mọi người, không phân biệt vị trí, có thể tiếp cận các công cụ, tài nguyên và kiến thức mà họ cần để số hóa và mở rộng quy mô.