Đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ giúp giải được bài toán năng suất lao động.

Đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ giúp giải được bài toán năng suất lao động.

Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng

Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình chính là con đường mà Việt Nam phải đi và sẽ đi trong hành trình đi đến thịnh vượng.

Thể chế, thể chế và thể chế

Không phải ngẫu nhiên mà Diễn đàn Cải cách và Phát triển 2019 (VRDF), diễn ra vào 19/9 tại Hà Nội, lại tập trung vào thảo luận hai chủ đề chính là Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đây được coi là hai động lực quan trọng để Việt Nam có thể phát triển nhanh và bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và tiến tới thịnh vượng trong giai đoạn phát triển tới.

Hơn một lần, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi được hỏi, đâu là giải pháp, quyết sách để tăng khả năng chống chọi của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài, cũng như làm sao để nền kinh tế có thể tăng tốc, phát triển, đều viện dẫn cuốn sách kinh tế kinh điển “Vì sao các quốc gia thất bại” (của hai tác giả Daron Acemoglu và James A. Robinson) để nhấn mạnh: “Chúng ta phải tiếp tục thực hiện các khuyến cáo họ nêu là thể chế, thể chế và thể chế. Thể chế phải phù hợp hơn với kinh tế thị trường”.

Và lần này, tại VRDF, câu chuyện thể chế tiếp tục một lần nữa được nhấn mạnh. PGS-TS. Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong bản báo cáo gửi tới Diễn đàn đã một lần nữa nhấn mạnh cụm từ “thể chế, thể chế và thể chế” và khẳng định rằng, để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia thịnh vượng trong 10 - 20 năm tới, một trong những việc quan trọng cần phải làm là “nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội”.

Theo ông Thắng, mặc dù đã trải qua gần 35 năm chuyển sang nền kinh tế thị trường với rất nhiều cải cách về thể chế và đến nay, những yếu tố và các quan hệ thị trường đã phủ khắp mọi hoạt động của nền kinh tế; nhưng chất lượng của thể chế kinh tế thị trường vẫn còn thấp và chưa đồng đều ở các ngành nghề, lĩnh vực…

“Thể chế kinh tế của Việt Nam chưa đồng bộ, đầy đủ để bảo đảm vận hành thông suốt theo nguyên tắc thị trường. Thị trường chưa thực sự là cơ sở, căn cứ để huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển”, ông Thắng nhận định.

Và do vậy, một trong những việc cần làm là nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng thực sự, huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển trong xã hội, dù là cho khu vực kinh tế nhà nước, khu vực tư nhân hay khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, phải theo nguyên tắc thị trường.

“Đại hội XII của Đảng nói phải phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc thị trường, nhưng cho đến nay dường như chưa có một cải cách gì trong thị trường nhân tố sản xuất, phân bổ nguồn lực nhà nước”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét.

Thậm chí, một cách thẳng thắn, vị chuyên gia này từng nhắc tới câu chuyện, hiện nay, còn có tư duy đem tiền cho nước ngoài làm, vì sợ doanh nghiệp trong nước không làm được. “Lạ thế, lạ kinh khủng. Tiền mình đầu tư, mình không sử dụng doanh nghiệp của mình để nâng cao năng lực, tạo việc làm cho xã hội, mà lại bảo ta không làm được, doanh nghiệp Việt chưa có kinh nghiệm”, ông Cung đã có lần thốt lên như vậy.

Có vẻ như, phân bổ nguồn lực, sự cạnh tranh còn bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế ở Việt Nam cũng khiến ông David Dollar, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Brookings lo ngại.

Theo ông David Dollar thì khu vực tư nhân chính thức ở Việt Nam còn bị tụt hậu do thiếu tiếp cận tín dụng, đất đai, đầu vào nhập khẩu và do cả những yếu kém trong thực thi hiệu lực hợp đồng và giải quyết tình trạng phá sản.

“Điều cần làm là xác định rõ các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và dành phần còn lại cho các doanh nghiệp tư nhân”, ông David Dollar khuyến nghị.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2018 cũng đã chỉ ra rằng, vẫn còn hiện tượng “lợi ích nhóm”, “doanh nghiệp sân sau”, “doanh nghiệp thân hữu”. Có tới 70% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, nguồn lực kinh doanh như hợp đồng, đất đai…, chủ yếu rơi vào doanh nghiệp thân quen, có quan hệ với cán bộ công quyền.

Huy động và phân bổ nguồn lực chính xác, theo cơ chế thị trường cũng chính là yếu tố cốt lõi để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Không cải cách thể thế kinh tế thị trường thành công, không phân bổ được nguồn lực theo thị trường, kinh tế Việt Nam khó có thể tăng trưởng nhanh và bền vững.

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cũng cần tìm được mô hình thể chế tối ưu. “Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển có thể là sự lựa chọn phù hợp cho Việt Nam”, ông Dũng nói.

Khi áp dụng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển có nghĩa là Nhà nước sẽ không làm thay thị trường, Chính phủ phải chủ động thiết kế hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển...

Đổi mới sáng tạo để vượt bẫy thu nhập trung bình

Ngay trước thềm VRDF, đoàn công tác của Tổ biên tập Chiến lược 10 năm  2021 - 2030 và Kế hoạch 5 năm 2121 - 2025 đã có chuyến công tác tới Mỹ, Pháp và  Estonia để tham khảo kinh nghiệm chính sách và thực tiễn, nhằm hoàn thiện chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn tới.

Và một trong những khuyến nghị quan trọng được các chuyên gia, các học giả đưa ra, đó là Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng đầy đủ, hiện đại và hội nhập, chuyển đổi mô hình kinh tế sang hướng dựa vào đổi mới sáng tạo và khu vực tư nhân có năng lực cạnh tranh cao, có chiến lược và tận dụng được các cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Điều này cũng đã được TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng được xem là cao nhất trong khu vực và còn tiếp tục giữ vị trí này trong tương lai, song để bắt kịp các quốc gia khác, phải tăng trưởng nhanh và bền vững.

Xác định đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng quan trọng, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, các đề án về kinh tế chia sẻ, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo...   

“Để làm được điều đó, phải tập trung vào một trong những động năng quan trọng là năng suất. Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ giúp giải được bài toán năng suất lao động. Để đảm bảo không rơi vào bẫy thu nhập trung bình, cách tiếp cận cũ không phù hợp nữa, thay vào đó, phải áp dụng các cỗ máy mới này”, ông Tự Anh nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng World Bank (WB) tại Việt Nam cũng khẳng định rằng, Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách với các quốc gia trên thế giới, nhưng cần cố gắng thêm.

“Bây giờ hoặc không bao giờ. Bẫy thu nhập trung bình không phải là định mệnh”, ông Sebastian Eckardt nói và nhấn mạnh, ngoài việc nâng cao hiệu quả trung gian tài chính, giải quyết cản trở với các khu vực sản xuất, thì cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Đây là những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới.

Xác định đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng quan trọng, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, các đề án về kinh tế chia sẻ, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia… để tận dụng các cơ hội “ngàn năm có một” của cách mạng công nghiệp 4.0, bắt kịp và tiến cùng thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần khẳng định, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chính là một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. “Không đầu tư cho khoa học - công nghệ, cho đổi mới sáng tạo, Việt Nam sẽ mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình”, Thủ tướng nói.

Chia sẻ về kinh nghiệm thoát bẫy thu nhập trung bình, ông K. Yogeesvaran, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và Hàng hóa Malaysia, nguyên Trưởng nhóm soạn thảo Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 cho rằng, đổi mới sáng tạo cần được định hướng để tạo giá trị và lợi ích kinh tế và đây chính là con đường đi tới thịnh vượng.

“Cần tăng trưởng dựa vào năng suất và đổi mới sáng tạo. Đòn bẩy chính sách quan trọng để trở thành quốc gia có thu nhập cao là tăng cường vốn con người, chuyển đổi sang các ngành kinh tế có giá trị cao hơn”, ông K. Yogeesvaran nói.

Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng

Theo ước tính, giai đoạn 10 năm 2011 - 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,35%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng gấp 2,5 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010, lên khoảng 290 tỷ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.332 USD năm 2010, lên hơn 3.000 USD năm 2020.

Báo cáo “Việt Nam 2035” cũng đưa ra những tính toán chi tiết về kịch bản tăng trưởng và chỉ ra mục tiêu đạt thu nhập bình quân đầu người 10.000 USD vào năm 2035.

Thời gian gần đây, Chính phủ cũng đã nhắc nhiều đến dấu mốc 2030 và 2045, những dấu mốc quan trọng để Việt Nam trở thành một nền kinh tế thịnh vượng.

Các nội dung được tập trung thảo luận tại VRDF 2019 cũng là nhằm đạt được mục tiêu này, như cải cách thể chế, chuyển đổi mô hình kinh tế sang đổi mới sáng tạo… Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, liệu Việt Nam có thể làm được điều đó?

Ông Deepark Mshira, Giám đốc Khu vực lục địa Đông Á và Thái Bình Dương của WB cho rằng, trong bối cảnh môi trường quốc tế không thuận lợi, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên toàn cầu, cũng sẽ chịu ảnh hưởng, phải đối mặt với không ít khó khăn. Nhưng đồng thời, cũng có những cơ hội vàng để tiếp tục phát triển bền vững trong thập niên tới.

“Cơ hội vàng ở đây chính là dân số, môi trường đầu tư và trình độ lao động. Việt Nam đang có số dân trong độ tuổi lao động dồi dào. Việt Nam cũng đã nâng cao chất lượng giáo dục và cải cách đáng kể môi trường kinh doanh”, ông Deepark Mshira nói.

Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì nhấn mạnh rằng, với những nỗ lực mà Việt Nam đang thực hiện, trong cải cách kinh tế, trong xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn tới, trong nỗ lực tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, thì những mục tiêu đó sẽ đạt được.

Tin bài liên quan