ACB lỗ ở hai lĩnh vực "nóng" là vàng và chứng khoán

ACB lỗ ở hai lĩnh vực "nóng" là vàng và chứng khoán

“Hàng nóng” hại đời các ông lớn

Ham hố “hàng nóng” vàng, bất động, chứng khoán, không ít các ông lớn phải chứng kiến hàng tỷ đồng “bốc hơi”.

Vàng: "Thuốc độc" mới nhất

 

Những tưởng vàng là nơi trú ẩn an toàn nhất trong khủng hoảng. "Chơi" vàng, nhà đầu tư chỉ biết đến lãi mà không lỗ vì có chuyên gia nhận định: "Trong một hoặc hai tuần, khó có thể dự báo giá vàng nhưng trong dài hạn, xu hướng chủ yếu của vàng vẫn là đi lên".

 

Chính vì vậy, trong thời gian qua, đầu tư vàng được ưu tiên hơn các "hàng nóng" khác là chứng khoán và bất động sản.

 

Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ, công ty vàng duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán đã bộc lộ rõ sức hấp dẫn của vàng khi công bố kết quả kinh doanh quý 3/2012 khá khả quan.

 

Cụ thể, 9 tháng đầu năm, PNJ ước đạt 4.885 tỷ đồng doanh thu trong đó doanh thu từ sản phẩm cốt lõi là nữ trang vàng & bạc đạt hơn 2.760 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng ước đạt 257 tỷ đồng, hoàn thành 81% kế hoạch năm.

 

Tuy nhiên, khoản lãi trước thuế 9 tháng là 257 tỷ đồng không thấm vào đâu so với số lỗ mà vàng "mang lại" cho đại gia ngân hàng ACB. Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm, ACB lỗ 1.144 tỷ đồng ở mảng kinh doanh ngoại hối và vàng. Khoản lỗ sau này khiến ACB lỗ sau thuế 496,2 tỷ đồng trong quý 3/2012 và kéo lợi nhuận 9 tháng chỉ còn lãi 896,4 tỷ đồng, giảm 57% cùng kỳ 2011.

 

Quý 3 năm ngoái, vàng và ngoại hối cũng khiến ACB lỗ 83,713 tỷ đồng, lũy kế cả năm lỗ 187,632 tỷ đồng.

 

Ngoại hối và vàng khiến tổng tài sản của ACB còn 211.672 tỷ đồng, giảm 67.000 tỷ so với đầu năm, tương đương giảm hơn 3 tỷ đô.

 

Khoản lỗ nói trên xuất phát từ việc ACB thực hiện đóng trạng thái vàng âm. Do phải mua vàng trong nước để bù đắp trạng thái, mà giá vàng nội cao hơn vàng quốc tế từ 2 - 3 triệu đồng/lượng tùy thời điểm, dẫn đến số lỗ nói trên.

 

Theo ACB, tùy thuộc vào giá vàng tương lai số lỗ có thể phát sinh thêm trong quý 4/2012.

 

Ông Trần Mộng Hùng, một trong những người sáng lập ACB cho biết, hiện trạng thái âm vàng của ACB chỉ còn hơn 100.000 lượng và ngân hàng có khả năng tất toán trạng thái vàng trước ngày 25/11 năm nay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng này cũng đã trích lập dự phòng tối đa và không còn treo khoản dự phòng nào.

 

Hiện tại, tổng tài sản có bằng vàng của ACB là 40.580 tỷ, trong khi tổng nợ vàng phải trả là 39.754 tỷ đồng.

 

Chứng khoán tiếp tục "rút ruột" ông lớn

 

Trong quý 3, mặc dù thị trường chứng khoán có những đợt tăng nhẹ nhưng về cơ bản, thị trường vẫn chưa khởi sắc. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều nhà đầu tư, thậm chí là nhà đầu tư lớn phải chịu khoản lỗ khổng lồ từ "hàng nóng" này.

 

ACB là ngân hàng chịu nhiều thiệt hại khi đầu tư vào các lĩnh vực "nóng". Quý 3 năm nay, ngoài khoản lỗ từ vàng, ngoại hối, ACB còn lỗ thêm 10,3 tỷ đồng kinh doanh chứng khoán, lũy kế cả năm lỗ gần 3 tỷ đồng. Trong khi đó, năm ngoái ACB mua bán chứng khoán lãi hơn 96 tỷ đồng.

 

Một ông lớn khác trong ngành ngân hàng cũng chịu thiệt hại khi mua bán chứng khoán đầu tư đó là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (CTG). Quý 3/2012, CTG lỗ 6,54 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ 9 tháng đầu năm lên 76 tỷ đồng. Con số này năm ngoái là âm 264 tỷ đồng. Như vậy, khoản lỗ chứng khoán của CTG năm nay đã... thấp hơn năm trước.

 

Trong ngành chứng khoán, những "ông lớn" chứng khoán cũng chịu âm tài khoản với ngành chủ lực của mình. Hiện tại có 28 công ty chứng khoán bị lỗ, trong đó có cả những công ty lớn trên thị trường.

 

Cụ thể như, công ty chứng khoán Kim Long (KLS) quý 3 lỗ 91,52 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đầu năm lỗ 41,54 tỷ đồng; công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) lỗ trong quý 3 là 59 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm lỗ 28 tỷ đồng,... Những công ty nhỏ hơn cũng công bố các khoản lỗ có đơn vị tính là tỷ đồng.

 

Bất động sản dẫn đầu danh sách lỗ

 

Quan tâm tới báo cáo của ngành bất động sản, có lẽ câu hỏi nhà đầu tư đặt ra không phải là doanh nghiệp lãi hay lỗ mà là lỗ bao nhiêu, doanh nghiệp nào lỗ "khủng" nhất. Đây là điều dễ hiểu vì suốt thời gian dài qua, thị trường bất động sản đóng băng. Các chủ đầu tư dù dùng mọi chiêu giảm giá, khách hàng vẫn tỏ ra khá thờ ơ.

 

Điều đó khiến cho lượng hàng tồn kho tăng vọt. Theo số liệu thống kê của hơn 60 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, lượng hàng tồn kho trị giá hơn 83.804 tỉ đồng, tăng 6,69% so với cuối năm 2011.

 

Trong quý 2, bất động sản chiếm hơn 30% trong số các doanh nghiệp thua lỗ. Tới quý 3, tình hình chưa được cải thiện. "Đại gia" của ngành bất động sản, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (SJC) vừa thông báo kết quả kinh doanh quý 3/2012 với điệp khúc lợi nhuận âm.

 

Cụ thể, SJS lỗ 29,63 tỷ đồng riêng quý 3, cùng kỳ năm ngoái lỗ 9,23 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2012 lỗ 109,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2011 lãi 15,72 tỷ đồng.

 

Lỗ chưa phân phối tại thời điểm kết thúc quý 3 năm 2012 là 168,7 tỷ đồng.

 

Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Sông Đà trong quý 3 lỗ thuần 4,38 tỷ đồng, đưa khoản lỗ lũy kế 9 tháng lên 20,76 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2012, SDH lãi 3,61 tỷ đồng sau thuế.

 

Trong quý 3, Công ty Cổ phần LICOGI 16 (LCG) lỗ 23,04 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng lỗ 5,1 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái, LCG lãi lớn 116 tỷ đồng.

 

Bên cạnh đó, còn rất nhiều doanh nghiệp bất động sản báo lỗ. Một số khác báo lãi nhưng khoản lợi nhuận không lớn. Có doanh nghiệp thậm chí quý 3 lãi đúng... 1 triệu đồng.