Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài nguyên và Môi trường chiều 17/7, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển đang là mối quan tâm lớn của dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cảng và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay sau khi có thông tin về sự tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại một số cảng biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động khảo sát, nắm thông tin và thành lập đoàn kiểm tra liên ngành.
Từ ngày 25-29/6 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu tại cảng biển TPHCM và Hải Phòng.
Tính đến thời điểm ngày 26/6, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại tất cả các cảng do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý là 4.480 container, trong đó riêng tại Cảng Cát Lái là 3.464 container, chiếm phần lớn lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển phía Nam (ước tính khoảng 20% là phế liệu giấy và 80% còn lại là phế liệu nhựa và phế liệu khác)
Theo số liệu báo cáo của Cục Hải quan thành phố Hải Phòng, hiện trên địa bàn đang tồn đọng số container quá hạn trên 90 ngày là 737 container và 507 container có thời hạn từ 30 - 90 ngày.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ ngành liên quan để bàn các giải pháp xử lý, giải quyết, tháo gỡ khó khăn đối với sự việc tồn đọng phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển và công tác quản lý.
Để xử lý việc này, trước mắt Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan hải quan các cửa khẩu phối hợp chặt chẽ với cơ quan môi trường rà soát các doanh nghiệp có hàng hóa nhập khẩu là phế liệu chưa làm thủ tục hải quan đang lưu giữ trên địa bàn cảng biển.
Đồng thời thông báo cho doanh nghiệp nhập khẩu khẩn trương đến làm thủ tục thông quan khi hàng về cảng và triển khai thông quan nhanh đối với các doanh nghiệp đã có Giấy xác nhận và đã có thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan.
Việc phân loại để xử lý các container phế liệu tồn đọng quá 90 ngày sẽ được tiến hành khẩn trương theo quy định tại Thông tư số 203/2014 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan.
Kiên quyết yêu cầu các chủ hàng, chủ tàu tái xuất các lô hàng vi phạm quy định và thực hiện tiêu hủy các lô hàng phế liệu vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Bộ Giao thông vận tải có văn bản thông báo cho các hãng tàu yêu cầu kiểm tra Giấy xác nhận của chủ lô hàng phế liệu trước khi đưa hàng lên tàu tại các cảng xuất khẩu; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển kiểm tra Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trước khi cho hàng hóa dỡ xuống cảng.
Trường hợp chủ hàng hoặc hãng tàu không xuất trình được Giấy xác nhận thì không cho dỡ hàng hóa xuống cảng.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát và rút ngắn thời gian cấp Giấy xác nhận đối với các cơ sở sản xuất đã đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; tăng cường áp dụng cơ chế Hải quan ASEAN một cửa trên môi trường mạng”- ông Thức cho hay.
Ông Hoàng Văn Thức khẳng định thời gian tới sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho rà soát và sửa đổi danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo hướng loại bỏ các phế liệu có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường hoặc các phế liệu hiện nay trong nước đã chủ động được nguồn cung.
Đi liền với đó sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để giám sát chặt chẽ, chia sẻ thông tin về các cơ sở nhập khẩu phế liệu từ khâu nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng phế liệu nhập khẩu.
Xử phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật khi phát hiện có sai phạm, đặc biệt đối với các vụ việc gian lận thương mại trong nhập khẩu phế liệu.