Các hãng hàng không mất hẳn cơ hội khai thác cao điểm du lịch hè 2020.

Các hãng hàng không mất hẳn cơ hội khai thác cao điểm du lịch hè 2020.

Hàng không chưa thấy “khoa hồi sức”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công văn đề nghị cứu trợ khẩn cấp các hãng hàng không mà Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây đã cho thấy viễn cảnh suy kiệt nghiêm trọng của các doanh nghiệp.

Cú đánh bồi  

Dịch bệnh bùng phát cuối tháng 7 khiến các hãng hàng không vừa chớm gượng dậy sau cơn bạo bệnh đã gục ngã trở lại. 

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không cho biết, dịch
Covid-19 tái phát đã tác động tới tâm lý toàn xã hội khiến nhu cầu du lịch và đi lại bằng đường hàng không giảm đột ngột. Các hãng hàng không mất hẳn cơ hội khai thác cao điểm du lịch hè 2020, chuyển ngay vào giai đoạn thấp điểm.

Mặc dù các hãng hàng không đã nỗ lực thực hiện mọi giải pháp để hạn chế thiệt hại như cắt giảm tổng chi phí 50 - 70% so với cùng kỳ năm trước, đàm phán với các đối tác giãn nợ, giảm lãi vay, bán bớt tàu bay, chuyển nhượng tài sản, giảm lương toàn bộ cán bộ, nhân viên hay giảm giá vé..., vẫn rất khó xoay xở.

Trên thực tế, hoạt động sản xuất - kinh doanh và dòng tiền của các doanh nghiệp hàng không đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) ghi nhận doanh thu 24.808 tỷ đồng, giảm 50% và lỗ sau thuế 6.642 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 1.000 tỷ đồng.

Cập nhật kết quả kinh doanh cũng như dòng tiền của VNA cho thấy, tổng dư tiền và tiền gửi ngân hàng đến 31/7/2020 đạt 2.303 tỷ đồng và dư nợ vay tín dụng ngắn hạn là 3.937 tỷ đồng.

Ngoài việc suy giảm dòng tiền thu, Tổng công ty còn chịu ảnh hưởng của lượng tiền hoàn vé gia tăng và tổng nợ quá hạn chưa thanh toán.

Tổng chi hoàn trong 7 tháng đầu năm lên tới 4.160 tỷ đồng, chiếm 19% doanh số bán, tăng 2.586 tỷ đồng so với mức chi hoàn bình thường. Nợ quá hạn phải trả đến cuối tháng 7/2020 là 3.214 tỷ đồng.

Cũng cần lưu ý kế hoạch lợi nhuận dự kiến âm 15.177 tỷ đồng năm 2020 của VNA được xây dựng chưa cập nhật chi tiết tác động của đợt bùng phát dịch thứ 2.

Công ty mẹ  Vietjet đã ghi nhận lỗ ròng 2.112 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 9.194 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ. Ðây cũng là khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử kinh doanh của Vietjet Air.

Hãng hàng không giá rẻ này công bố có lãi trong quý II, nhưng đó là nhờ hãng có thu nhập tài chính 1.722 tỷ đồng và thu nhập khác 420 tỷ đồng.

Bamboo Airways đến nay vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, quý I đã lỗ hơn 1.500 tỷ đồng.

Xoay hướng nào để đỡ vướng?

Giải pháp mà VNA áp dụng nhằm duy trì hoạt động là vẫn tiếp tục sử dụng linh hoạt hạn mức tín dụng ngắn hạn để bảo đảm cân đối dòng tiền và kế hoạch thanh toán, cắt giảm chi phí; làm việc với các đối tác cung ứng sản phẩm dịch vụ kiến nghị giảm giá, giãn tiến độ thanh toán.

Hãng này đang đẩy mạnh tìm kiếm các cơ hội khai thác hàng hóa, thuê chuyến, tận dụng cơ hội tăng doanh thu.

Tổng thị trường vận chuyển hàng hóa tháng 7/2020 bằng 72,4% so với cùng kỳ, trong đó nội địa bằng 66,8% và quốc tế bằng 73,9% so với cùng kỳ. Ðây là động lực để các hãng hàng không tăng cường đổ tải chở hàng hóa.

Cũng từ tuần qua, các hãng hàng không đã triển khai bán vé Tết Tân Sửu với những mức khuyến mại chưa từng có. Việc kích hoạt các chương trình để thu hút người mua trả tiền trước được coi là giải pháp cầm cự “dòng máu” hoạt động cho các hãng hàng không.

Kỳ vọng về một giải pháp dài hơi hơn trong bối cảnh hãng hàng không nào cũng khát tiền, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỷ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 3 - 4 năm.

Hiệp hội cũng đề nghị cho phép kéo dài miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021 cũng như mong muốn Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không thuộc thẩm quyền của ACV.

Các hãng hàng không đề nghị Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép giảm 50 - 70% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết 2021 cũng như xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong 6 tháng việc nâng cấp sửa chữa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Ðáng lưu ý, Hiệp hội cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19…

Tính khả thi của những giải pháp trên, theo giới chuyên gia, là thấp.

Chuyên gia Ngô Văn Tuyển nhận xét, kế hoạch lỗ được VNA xây dựng có cơ sở bởi số liệu kết quả hoạt động 2019 của VNA cho thấy, chi phí nhân công khoảng 12.000 tỷ đồng, khấu hao 5.000 tỷ đồng, lãi vay 1.500 tỷ đồng/năm.

Những chuyến bay rỗng lỗ cực lớn bởi chi phí nguyên vật liệu thường chiếm đến gần 40% doanh thu và chi phí dịch vụ mua ngoài như sửa chữa, thuê máy bay, dịch vụ khác chiếm khoảng 35% doanh thu của các chuyến bay lúc bình thường.

VNA là công ty cổ phần, Nhà nước không tự nhiên mà góp vốn thêm hoặc mua lại cổ phần của các cổ đông để biến thành doanh nghiệp 100% nhà nước để có thể ra quyết định dễ dàng.

Hơn nữa, VNA có vốn cổ phần hiện nay là 14.183 tỷ đồng, với số lỗ dự kiến 15.000 tỷ đồng có nghĩa chỉ một năm là mất hết vốn.

Lãi hợp nhất VNA 2019 sau thuế đạt 2.516 tỷ đồng, nếu sau này duy trì được mức lãi 2019, tức mức đỉnh trong nhiều năm qua, thì phải hoạt động liên tục 5 năm mới bù được số lỗ chỉ 1 năm.

Phương án bảo toàn vốn sẽ rất khó khăn nên cơ sở để Nhà nước rót tiền vẫn khá mù mờ.

Lúc này, Nhà nước chỉ có thể cho vay nếu ngân sách có thể cân đối. Cho VNA vay còn khó tìm nguồn, ngân sách lấy đâu ra để cho các hãng hàng không khác vay gói lớn.

Về kiến nghị mở lại đường bay quốc tế của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Ðinh Việt Thắng cho biết, cơ quan này đã làm việc với nhà chức trách một số quốc gia kiểm soát được dịch và bàn thảo quy định để phòng ngừa.

Ở chiều ngược lại, hiện một số nước cũng đã đồng thuận mở đường bay đến Việt Nam, đều thống nhất hành khách nhập cảnh vẫn phải cách ly và xét nghiệm Covid-19.

Tuy nhiên, năng lực tiếp nhận của các cơ sở cách ly cũng như năng lực của ngành y tế trong nước đang chịu áp lực lớn ở đợt bùng phát dịch thứ 2 hiện nay.

Sẽ rất khó để nhà quản lý mạo hiểm. Ðó là chưa kể, các chuyến bay quốc tế chỉ có triển vọng khi mở cửa với khách du lịch.

Nhưng đi du lịch mà phải chấp nhận cách ly tới 14 ngày, rồi trả phí sẽ khó thuyết phục và hấp dẫn được du khách nước ngoài. Trong khi đó, tâm lý e ngại dịch bệnh vẫn là bước cản đối với ngành du lịch toàn cầu.

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (IATA) dự báo, trong năm nay, toàn ngành hàng không Việt Nam sẽ lỗ hơn 4 tỷ USD, dự kiến đến 2024 mới phục hồi về thời điểm như 2019. 

Ông Dương Chí Thành, Tổng giám đốc VNA cho biết, VNA nhận định kịch bản lạc quan nhất cũng phải tới năm 2022, ngành hàng không Việt mới có khả năng hồi phục.

Tin bài liên quan