Biểu tượng của Hãng dầu mỏ ENI. (Nguồn: Internet)

Biểu tượng của Hãng dầu mỏ ENI. (Nguồn: Internet)

Hãng dầu mỏ Italy ENI quay trở lại Libya đầu tiên

Hãng dầu mỏ ENI của Italy đã quay trở lại Libya đầu tuần này, trong bối cảnh lực lượng nổi dậy ở Libya hoan hỉ về điều mà họ nói là sự "kết thúc" của chế độ Gaddafi, đồng thời cảnh báo các công ty Trung Quốc và Nga rằng họ có thể mất các hợp đồng dầu mỏ "béo bở" vì không ủng hộ lực lượng này.

Chế độ Gaddafi sụp đổ sẽ tái mở cửa các mỏ dầu tại Libya và trao cho những đối tác mới, như hãng dầu mỏ quốc gia Qatar hay hãng kinh doanh Vitol, cơ hội cạnh tranh với các hãng dầu khí lớn của Mỹ và châu Âu đang hoạt động tại Libya .

 

Phát biểu với báo giới đầu tuần này, Abdeljalil Mayouf, phụ trách thông tin của AGOCO - công ty dầu mỏ của lực lượng nổi dậy Libya, nói rằng họ không có vấn đề gì với các công ty của những nước phương Tây như Italy, Pháp và Anh, song lại có một số bất đồng về chính trị với Nga, Trung Quốc và Brazil.

 

Đây là dấu hiệu cho thấy những nước "có vấn đề" với lực lượng nổi dậy ở Libya, do đã phản đối lệnh trừng phạt Gaddafi, có thể phải "nhường sân" cho các quốc gia phương Tây trong các hợp đồng về xây dựng và khai thác dầu mỏ trị giá nhiều tỷ USD tại quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) này.

 

Cổ phiếu của ENI, hãng sản xuất dầu mỏ hàng đầu tại Libya trước thời nội chiến, đã tăng 7% ngay sau khi Chủ tịch ENI, Giuseppe Recchi, ngày 22/8 tuyên bố rằng khai thác dầu khí tại Libya sẽ được bắt đầu trở lại trước mùa Đông năm nay.

 

Giá dầu Brent Biển Bắc kỳ hạn tại London chỉ giảm 1 USD mỗi thùng trước dự báo Libya sắp nối lại xuất khẩu dầu mỏ.

 

Ngoại trưởng Italy , Franco Frattini, cho biết lao động của ENI đang xem xét tái khởi động cơ sở hạ tầng dầu khí ở phía đông Libya .

 

Các thiết bị phục vụ khai thác dầu do Công ty dịch vụ dầu mỏ Saipem ( Italy ) chế tạo và điều này hứa hẹn khả năng ENI sẽ vươn lên chiếm vị trí quan trọng số một trong hoạt động khai thác dầu mỏ tại Libya trong tương lai.

 

Theo truyền thông Trung Quốc, trước nội chiến, có khoảng 75 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Libya, với khoảng 36.000 lao động tại 50 dự án.

 

Trong khi đó, các công ty Nga (như Gazprom Neft và Tatneft) cũng có các dự án trị giá hàng tỷ USD tại quốc gia Bắc Phi này.

 

Trước nội chiến, Libya sản xuất khoảng 2% tổng sản lượng dầu mỏ toàn cầu, tương đương 1,6 triệu thùng/ngày và trữ lượng dầu mỏ của nước này đảm bảo đủ khai thác với tốc độ như vậy trong vòng 80 năm nữa.

 

Theo dự báo của hãng tin Reuters, phải mất một năm nữa Libya mới có thể khôi phục lại sản lượng dầu mỏ ở mức 1 triệu thùng/ngày, trước khi quay lại mức trước nội chiến trong hai năm tới./.