Xếp hàng dài chờ xem xét
Bộ Công thương cho hay, từ ngày 1/1/2019 đến giữa tháng 5/2019, Bộ này đã nhận được 11 văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đối với các đề nghị, điều chỉnh bổ sung 29 dự án điện vào quy hoạch.
Điểm chung là các văn bản này đều nêu “Bộ Công thương chủ trì, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và quy định hiện hành của pháp luật, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền”.
Trong số 29 dự án điện này, có 1 dự án điện gió Trung Nam được đề nghị điều chỉnh công suất từ 105,57 MW lên 151,95 MW, do điều chỉnh công suất tua-bin gió từ 2,35 MW lên 4 MW. Trong giai đoạn I, Dự án Điện gió Trung Nam có 17 tua-bin, với công suất 2,35 MW/tua-bin, đã đi vào vận hành.
Ở mảng điện gió, có 3 dự án điện gió mới tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Hà Tĩnh (tổng công suất 550 MW) cũng được nhắc liên quan tới việc bổ sung quy hoạch.
Tuy nhiên, tập trung lớn nhất vẫn là điện mặt trời. Có tới 25 dự án (tổng công suất 1.400 MW) được nhắc liên quan tới việc bổ sung vào quy hoạch.
Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cũng nhắc tới Văn bản số 1089/BTC-ĐL (ngày 22/2/2029) gửi Thủ tướng Chính phủ về thực trạng đã và đang nhận được rất nhiều đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng. Trong số đó, có tới 5 dự án điện khí LNG có quy mô công suất cỡ cả ngàn MW/nhà máy; 210 dự án điện mặt trời, 3 dự án điện chất thải rắn, 59 dự án điện gió. Về lưới điện, có gần 100 dự án đang chờ điều chỉnh quy hoạch (4 dự án lưới điện 500 kV, 64 dự án lưới điện 220 kV và 23 dự án lưới điện 110 kV), nhưng tới nay, vẫn chưa có ý kiến trả lời các đề xuất để bộ này có cơ sở triển khai thực hiện.
Trước đó, ngay trước thềm năm 2019, Bộ Công thương cũng đưa ra danh sách 19 dự án điện mặt trời đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch, nhưng Bộ chưa có cơ sở để thẩm định bổ sung quy hoạch hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch.
Chờ tháo gỡ
Theo Bộ Công thương, ngày 7/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, có hiệu lực ngay ngày ký, nhưng bộ này vẫn chưa có cơ sở để giải quyết các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Nguyên nhân, theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định 37/2018/NĐ-CP, việc bổ sung, điều chỉnh cục bộ các dự án vào quy hoạch giống như lập mới sẽ rất phức tạp, qua nhiều bước, nhiều cấp, không đáp ứng kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bộ này cũng kiến nghị Thủ tướng báo cáo Quốc hội để ban hành các văn bản pháp luật về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trong giai đoạn chuyển tiếp, khi các quy hoạch giai đoạn mới chưa được phê duyệt. Theo đó, quy trình điều chỉnh, bổ sung cục bộ được thực hiện theo quy định chuyên ngành trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực và được đơn giản, rút gọn với quy trình lập quy hoạch giai đoạn mới hoặc điều chỉnh tổng thể quy hoạch.