Đại diện Leflair đang làm việc với các đối tác về vấn đề công nợ. Ảnh: Đức Linh

Đại diện Leflair đang làm việc với các đối tác về vấn đề công nợ. Ảnh: Đức Linh

“Hạn hán” ở sàn thương mại điện tử Leflair

Thương mại điện tử ở Việt Nam đang ngóng tiền đầu tư như cánh đồng chờ nước. Khi dòng tiền không còn thì “hạn hán” lập tức kéo đến. Đó là câu chuyện đang xảy ra ở Leflair.

“Sai mô hình, sai thời điểm?

Đầu tháng 2/2020, website thương mại điện tử Leflair phát đi thông báo ngừng hoạt động ở Việt Nam sau hơn 4 năm tham gia thị trường. Tính đến thời điểm dừng cuộc chơi, Leflair đã gọi được tổng cộng 12 triệu USD, trong đó có sự tham gia của GS Shop và Belt Road Capital.

Tồn tại ở Việt Nam bằng mô hình Flash-sale từng làm công ty khác biệt, nhưng nay đã không còn nữa. Cụ thể, Flash-sale là mô hình bán hàng giảm giá giống với mô hình mua theo nhóm, từng rầm rộ ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2012. Khác biệt ở chỗ, chương trình bán hàng giảm giá từ các trang mua theo nhóm kết thúc khi hết hàng, Flash-sale kết thúc khi hết thời gian quy định.

Để tăng thêm sức hút, các mặt hàng của Leflair là hàng có thương hiệu, khá hiếm và nhập số lượng đủ để có mức giá tốt và độ hút hàng nhất định.

Song bản chất của Flash-sale vẫn đi theo mô hình B2C (doanh nghiệp đến khách hàng), đây là mô hình không còn doanh nghiệp thương mại điện tử nào ở Việt Nam theo đuổi.

Có thể thấy, bộ tứ thương mại điện tử Việt Nam hiện nay là Shopee, Lazada, Tiki hay Sendo đều đi theo mô hình Marketplace, tức có đến 60% hoặc hơn do các cửa hàng độc lập kinh doanh trên sàn, phần còn lại là do các sàn tự kinh doanh. Tùy mô hình mà các sàn có tỷ lệ tham gia kinh doanh ít hay nhiều.

Mô hình này bắt đầu nở rộ từ năm 2013 để giải quyết bài toán đa dạng mặt hàng của các sàn thương mại điện tử trong thời gian ngắn, yếu tố quan trọng để thu hút lòng trung thành của người mua hàng trực tuyến. Dòng vốn thay vì để nhập hàng trước kia được các doanh nghiệp dùng để đầu tư hệ thống kho bãi, giao nhận.

Trong khi đó, nếu đi theo mô hình B2C, doanh nghiệp phải tốn rất nhiều tiền và thời gian để đạt được lượng mặt hàng phong phú cùng hệ thống kho bãi, giao nhận hoàn chỉnh.

Việc cần rất nhiều tiền đầu tư, trong một thị trường đã hình thành các doanh nghiệp thương mại điện tử dẫn đầu tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là điều xa xỉ đối với Leflair.

Hiệu ứng Softbank hồi cuối năm 2019 như một cú đánh vào thị trường gọi vốn của công ty công nghệ. Liên tiếp các kỳ lân công nghệ (thuật ngữ chỉ các công ty công nghệ chưa niêm yết được định giá 1 tỷ USD) chết yểu của Softbank làm giới đầu tư không còn tin vào các mô hình vung tiền đổi lấy tăng trưởng.

Ông Jeffrey Paine, đối tác quản lý tại Golden Gate Ventures cho biết, các khoản đầu tư của Mỹ sẽ đổ vào doanh nghiệp một cách có chọn lọc và chủ yếu vào giai đoạn phát triển cuối của vòng đời các doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Các quỹ sẽ không mặn mà với những công ty khởi nghiệp hướng đến người tiêu dùng, điển hình như thương mại điện tử”, ông Paine nói.

Dịch bệnh Covid-19, theo Bloomberg Economics, đã khiến kinh tế toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, tổn thất lên đến 2.700 tỷ USD là cú đánh chí mạng tiếp theo vào các công ty công nghệ cần tiền để tăng trưởng. Ai còn tâm trí để đầu tư vào một “chảo lửa” như thương mại điện tử.

Sinh ra để bán lại

Trên thực tế, con đường của Leflair là sinh ra để bán lại. Năm 2017, Vipshop (mô hình tương tự Leflair ở Trung Quốc) bất ngờ công bố nhận hơn 860 triệu USD đầu tư từ JD và Tencent. Cả ba thành lập một liên minh thương mại điện tử để chống lại Alibaba, vốn đang chiếm 57% thị phần trực tuyến ở Trung Quốc lúc bấy giờ.

Phân tích cho thấy, JD dù thống trị thị trường điện tử, sản phẩm trẻ em và hàng tiêu dùng nhanh trên trực tuyến, nhưng lại bị Alibaba bỏ xa về mảng thời trang. Vipshop thì lại khác, theo website CNBC, lợi nhuận của Vipshop bỏ xa Tmall hay Taobao nhờ vào mô hình Flash-sale hàng có thương hiệu.

Tencent cũng đạt được nhiều lợi ích khi đầu tư vào Vipshop, khai thác tập khách hàng nữ, làm phong phú chức năng thương mại điện tử trên phần mềm WeChat.

Bức tranh thương mại điện tử ở Đông Nam Á hiện nay có rất nhiều điểm tương đồng thị trường Trung Quốc 2 năm trước. Vẫn Tencent (sở hữu Shopee), JD (đầu tư vào Tiki) cạnh tranh với Alibaba (sở hữu Lazada), điểm còn thiếu là một cái tên có quy mô lớn như Vipshop.

Quan sát cho thấy giả thiết này là có cơ sở. Trong một lần trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đầu tư, ông Loic Gautier, đồng sáng lập Leflair cho biết, phần lớn khách hàng của công ty là nữ, chi tiêu trung bình 100 USD/tháng.

Công ty cũng nhân rộng mô hình dành cho nữ giới bằng cách mở rộng sang nhiều thị trường ở Đông Nam Á, bắt đầu là Philippines ngay sau khi nhận vốn của GS Shop và Belt Road Capital. Leflair bằng mọi cách đang muốn làm Vipshop ở quy mô Đông Nam Á. Tất cả để gia tăng giá trị cho các cuộc sáp nhập trong tương lai.

Rất có thể Vipshop trong thời gian tới sẽ mở rộng sang Đông Nam Á và đó là lý do các trang như Leflair phải đi nhanh hết mức có thể, nếu không muốn trắng tay.

Tuy nhiên, các biến cố bất ngờ buộc Leflair phải dừng cuộc chơi. Công ty hứa sẽ thanh toán công nợ cho đối tác vào cuối tháng 3/2020 và tuyên bố phá sản.

Tin bài liên quan