Đa số công ty tài chính nhất trí với lộ trình giảm cho vay tiền mặt.

Đa số công ty tài chính nhất trí với lộ trình giảm cho vay tiền mặt.

Hạn chế vay tiền mặt, công ty tài chính đã sẵn sàng

(ĐTCK) Giải ngân trực tiếp theo cách gọi thông thường là cho vay tiền mặt, người vay không cần phải mua một hàng hóa cụ thể nhưng vẫn được vay một khoản tiền, thường tối đa 70 triệu đồng. Cách vay này đang bị yêu cầu giảm tại các công ty tài chính (CTTC).

Hạn mức cho vay tiền mặt giảm về 30% dư nợ

Theo quy định của Thông tư 18/2019/NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016 quy định cho vay tiêu dùng của CTTC, các CTTC chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng, cho vay tiền mặt đối với khách hàng không có nợ xấu theo báo cáo quan hệ tín dụng tra cứu tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) tại thời điểm gần nhất so với thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại một CTTC so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty đó phải tuân thủ tỷ lệ tối đa theo lộ trình.

Cụ thể, tỷ lệ cho vay giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt tại các công ty tài chính sẽ giảm từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 là 70%; từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 60%; từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023 là 50%, còn từ 1/1/2024 là 30%.

Như vậy, các CTTC có lộ trình trong 5 năm để giảm cho vay tiền mặt xuống mức thấp nhất là 30%.

Vay tiền mặt, với hình thức thấu chi và cho vay trực tiếp, có tính chất linh hoạt nên nhu cầu vay lớn, một khoản vay không có tài sản bảo đảm thường là 1-10 triệu đồng và quay vòng trong 30 ngày, hoặc lên tới 70 triệu đồng trong 3 năm, tùy theo lịch sử tín dụng. Do vậy, đây là mảnh đất “màu mỡ” cho các CTTC phát triển dịch vụ.

Easy Credit ra mắt thị trường gói cho vay tiền mặt. Khách hàng nhắm đến của công ty này là những người có thu nhập trung bình, với mức thu nhập tối thiểu hàng tháng 4,5 triệu đồng.

Với sản phẩm vay tiền mặt, Easy Credit áp dụng công nghệ xuyên suốt trải nghiệm của khách hàng, từ giai đoạn khách hàng nộp đơn vay vốn, đến quá trình thẩm định, phê duyệt cho đến tất toán. SHB Finance triển khai bán hàng toàn diện qua việc ra mắt gói sản phẩm cho vay tiền mặt tín chấp và khởi động kênh tư vấn dịch vụ, đăng ký vay trực tuyến.

VietCredit, SeABank mua lại toàn bộ vốn góp của Tập đoàn VNPT tại CTTC Bưu điện cũng nhắm đến mục tiêu cho vay tiền mặt…

Tất nhiên phải kể tới 3 cái tên chiếm thị phần lớn nhất là Home Credit, FE CREDIT hay HD SAISON, ở mức độ khác nhau cũng thực hiện nghiệp vụ này, bên cạnh hình thức vay trả góp trực tiếp tại các cửa hàng bán lẻ.

Vay tiền mặt được gọi là mảnh đất “màu mỡ” không chỉ vì lượng khách hàng lớn, mà còn bởi biên lợi nhuận rất cao, tất nhiên đi kèm là rủi ro lớn vì hầu hết là không cần tài sản thế chấp. Ðể hạn chế rủi ro, trước đây, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của CTTC không được vượt 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, các vấn đề vẫn phát sinh như nợ xấu lớn vì không ít người vay tiền cần tiền gấp nên “vay bừa” để đảo nợ, dễ dẫn đến mất khả năng thanh toán, một số thậm chí lừa ngược cả CTTC, rồi các vấn đề phát sinh trong quá trình đòi nợ của các CTTC… Nhiều lý do khiến Ngân hàng Nhà nước phải siết lại nghiệp vụ này theo lộ trình 5 năm.

Các công ty tài chính đã sẵn sàng

Ngoài việc giảm dần tỷ trọng vay tiền mặt thì còn có một “điểm nới” trong quy định mới đó là chỉ áp dụng với phần dư nợ cho các khoản vay có giá trị trên 20 triệu đồng.

Thông tư 18 cũng quy định các biện pháp liên quan đến việc thu hồi nợ, trong đó không cho phép biện pháp đe dọa đối với khách hàng.

Thống kê của Bộ phận Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) đến cuối năm 2019 với 3 CTTC là FE CREDIT, HD SAISON và Mcredit, thì FE CREDIT chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi Thông tư 18. Thị phần của 3 CTTC này vào cuối quý II/2019 lần lượt là 55%, 17% và hơn 7% toàn thị trường.

Ở thời điểm đánh giá giữa năm 2019, FE CREDIT có cơ cấu cho vay gồm 76% cho vay tiền mặt, 8% cho vay mua xe máy, 4,7% cho vay điện máy và 11,4% cho vay thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, tỷ lệ cho vay tiền mặt đối với khách hàng có tổng dư nợ trên 20 triệu đồng hiện dưới 70%. SSI Research cho rằng, trong 2 năm tới (2020 và 2021), tác động sẽ chỉ ở mức thấp do lộ trình chưa ảnh hưởng sâu đến hoạt động kinh doanh của FE CREDIT.

Tuy nhiên, từ giai đoạn 2022-2024, FE CREDIT có thể phải “hy sinh” phần nào hệ số biên lãi ròng (NIM) để đạt được cơ cấu danh mục cho vay cân đối hơn.

SSI Research duy trì quan điểm rằng, HD SAISON sẽ ít chịu ảnh hưởng nhất do cơ cấu cho vay bao gồm cho vay tiền mặt (33%), xe máy (43%), điện máy (24%).

Còn Mcredit, mặc dù các khoản vay tiền mặt trong tổng dư nợ cho vay 70%, nhưng việc tái cấu trúc danh mục sản phẩm có thể dễ dàng hơn do quy mô khiêm tốn.

Tuy vậy, đến thời điểm đầu năm 2020, khảo sát của Ðặc san Toàn cảnh Ngân hàng cho thấy, tất cả các CTTC đều đã có lộ trình chuyển đổi nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Lãnh đạo các CTTC dù ảnh hưởng ít hay nhiều khi trao đổi đều cho biết, quy định tại Thông tư 18 là phù hợp và cần thiết để giảm những hệ lụy không cần thiết, đồng thời đang tăng cường các biện pháp truyền thông tới khách hàng đểu nắm rõ quy định về nghĩa vụ đi vay.

fig come here

Lộ trình giảm dần tỷ lệ cho vay giải ngân bằng tiền mặt đối với các CTTC mà Thông tư 18 đưa ra là hợp lý và có thể tăng khả năng kiểm soát người vay...TS. Nguyễn Trí Hiếu

Chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lộ trình giảm dần tỷ lệ cho vay giải ngân bằng tiền mặt đối với các CTTC mà Thông tư 18 đưa ra là hợp lý và có thể tăng khả năng kiểm soát người vay, hạn chế nợ xấu từ hoạt động cho vay tiêu dùng. Hiện nay, đang ngày càng xuất hiện nhiều các trường hợp đòi nợ qua người thân, đòi nợ như "tín dụng đen"... tại khối CTTC với các khoản vay giải ngân trực tiếp. Ðiều này không chỉ gây bức xúc trong xã hội, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của thị trường tài chính cũng như cơ quan quản lý nhà nước.

Mặt khác, Chính phủ cũng đang chủ trương đẩy mạnh chi tiêu không tiền mặt. Do vậy, việc hạn chế dần cho vay tiền mặt không chỉ làm lành mạnh hóa hoạt động cho vay tiêu dùng, mà còn phù hợp với mục tiêu không tiền mặt của Chính phủ.

Theo ông Hiếu, nhìn về dài hạn, các CTTC phải tiến hành điều chuyển, tái cấu trúc danh mục sản phẩm của mình cho phù hợp với lộ trình đã đặt ra tại Thông tư 18.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, lộ trình 5 năm để giảm dần tỷ lệ cho vay tiền mặt từ 70% về 30% đã được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu phù hợp với thực tế thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam hiện nay.

Thị trường tài chính đang đối diện với sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng công nghệ số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, các CTTC bắt buộc phải xây dựng các sản phẩm vay phi tiền mặt mới để kiểm soát mục đích sử dụng vốn của khách hàng, đồng thời phù hợp với nền kinh tế số.

Tin bài liên quan