Ngành y tế chuyển đổi số để tạo sức bật cho tăng trưởng

Ngành y tế chuyển đổi số để tạo sức bật cho tăng trưởng

Hai nghị quyết quan trọng “tạo đà” cho năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
Cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số là những nhiệm vụ, giải pháp không chỉ tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, mà còn cho cả giai đoạn tiếp theo.

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh

Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP là 2 văn bản quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành vào ngày đầu tiên của năm 2021. Điều này cũng đã trở thành “thông lệ” hàng năm kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhằm đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực, đòi hỏi chúng ta không được chủ quan với những kết quả đã đạt được, mà cần phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa trong năm 2021 và thời gian tới”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại buổi họp báo chuyên đề hôm 4/1 về 2 nghị quyết này.

Đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 đạt khoảng 6,5% (cao hơn mức Quốc hội giao là khoảng 6%), tinh thần cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được thể hiện một cách xuyên suốt trong cả 2 nghị quyết.

Cụ thể, Nghị quyết 01/NQ-CP nêu rõ, Chính phủ tiếp tục quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đối với Nghị quyết 02/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung vào các nhóm chỉ số, chỉ tiêu cụ thể, như cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản doanh nghiệp…

Đồng thời, tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị theo hướng: xác định rõ cơ quan, đơn vị đầu mối chủ trì; phân định minh bạch, cụ thể quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đầu mối và các cơ quan, đơn vị phối hợp.

Cùng với đó, chú trọng giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường; thực hiện tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.

Về phía Chính phủ, sẽ tập trung cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó, phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân; đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục…

Chuyển đổi số để tạo sức bật cho tăng trưởng

Một nội dung quan trọng mang tính giải pháp được nhấn mạnh trong cả 2 nghị quyết là thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia và triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, chuyển đổi số quốc gia thực tế là tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Muốn vậy, ngoài việc phải giải quyết trọn vẹn 3 khâu thể chế, nền tảng, đào tạo nguồn nhân lực, thì phải xử lý 3 mối quan hệ.

Thứ nhất, Chính phủ điện tử phải xử lý mối quan hệ của các cơ quan hành chính nhà nước. Hiện đã thực hiện kết nối các cơ quan Đảng, Quốc hội và 4 cấp chính quyền (Trung ương, tỉnh, huyện, xã).

Thứ hai, Chính phủ hay cơ quan nhà nước phải xử lý mối quan hệ với người dân và doanh nghiệp thông qua dịch vụ công, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Ông Dũng dẫn chứng, Cổng dịch vụ công quốc gia mới triển khai hơn 1 năm và đã có trên 100 triệu hồ sơ, trên 400.000 tài khoản đăng nhập một lần duy nhất và làm giàu dữ liệu. Các cơ quan đang tiếp tục thực hiện dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai và rất nhiều ngành đã và đang tích cực thực hiện như nông nghiệp, ngân hàng, công thương, tài chính...

Thứ ba, phải xử lý mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với đơn vị cung cấp dịch vụ công; thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, việc chuyển đổi số quốc gia không chỉ trong phạm vi các cơ quan của Nhà nước, Chính phủ, mà còn gắn với quá trình tái cơ cấu của doanh nghiệp kết hợp với chuyển đổi số, công nghệ số.

“Đây là một đòi hỏi hết sức khách quan và bức thiết để phục vụ tăng trưởng. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để chúng ta có sức bật tăng trưởng trong giai đoạn tới. Nếu như chúng ta không chuyển đổi số kịp thời, thì đây sẽ là yếu tố dẫn tới nguy cơ nền kinh tế bị tụt hậu, bản thân doanh nghiệp cũng bị tụt hậu so với các doanh nghiệp trên thế giới”, ông Phương khẳng định.

Ông Phương nhận định, đây cũng là điều kiện giúp doanh nghiệp của Việt Nam có sự liên kết với nhau để tạo sức mạnh tổng hợp cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, lớn mạnh. “Đây là yếu tố mà chúng tôi rất kỳ vọng, như một cú huých cho các doanh nghiệp phát triển, xã hội phát triển”, Thứ trưởng Phương nói.

Phương châm hành động của Chính phủ năm 2021

Phương châm hành động của Chính phủ trong năm nay được xác định là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đây là chủ đề rất quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

“Trong những năm qua, chúng ta luôn giữ vững đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo. Với 5 mệnh đề bao hàm rất rộng, nhưng khái quát, nếu có sự đoàn kết và có sự tin tưởng tuyệt đối, có thể thấy rằng, chưa bao giờ chúng ta thấy niềm tin của người dân với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước được như bây giờ, thể hiện ở ý thức thực hành, sự tuân thủ của người dân trong phòng, chống đại dịch Covid-19 và trong tình thương yêu, đùm bọc, lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái của người dân cả nước đối với đồng bào bị ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Sự đoàn kết ấy cực kỳ quan trọng”, ông Dũng khẳng định.

Tin bài liên quan