Người đại diện phần vốn nhà nước thường có lương, thưởng nhiều hơn là cổ tức từ DN - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Người đại diện phần vốn nhà nước thường có lương, thưởng nhiều hơn là cổ tức từ DN - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Hai mặt của cổ đông lớn

(ĐTCK-online) Tại nhiều công ty mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối đang nổi lên một số vấn đề gây bức xúc với cổ đông thiểu số hay giảm sức hấp dẫn do cung cách quản trị…

Lương, thưởng: Đôi dòng quyền lợi

Mới đây, khi chuyên viên phân tích của CTCK Âu Việt (AVS) báo cáo lại chuyến viếng thăm CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An - Lafooco (LAF), ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch HĐQT AVS đã tỏ ra khá bức xúc. Thông tin từ Lafooco cho thấy, trong quý II, Công ty ước đạt lợi nhuận 10 tỷ đồng. Cộng với mức thực hiện 49,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý I, ngay trong  nửa đầu năm này lợi nhuận của Lafooco sẽ vượt xa con số 50,2 tỷ đồng kế hoạch năm.

Hiện tại, AVS đang đầu tư dài hạn vào Lafooco. Sự bức xúc của ông Vịnh từ việc Lafooco xây dựng chỉ tiêu kinh doanh quá thận trọng, chỉ bằng phân nửa con số thực hiện năm 2010. Tại ĐHCĐ, AVS và một số cổ đông đã phản đối kế hoạch này. Mức cổ tức được điều chỉnh từ 15% lên 20% nhưng chỉ tiêu lợi nhuận vẫn được giữ nguyên. Theo ông Vịnh, sau Đại hội 2 tháng, Lafooco đã vượt kế hoạch, chứng tỏ các chỉ tiêu có vấn đề. Điều này không phải từ công tác dự báo yếu kém, mà từ cung cách quản trị DN: Tại các CTCP mà đại diện vốn Nhà nước giữ nắm giữ cương vị điều hành, kế hoạch kinh doanh gần như không có tính phấn đấu.

Bức xúc của lãnh đạo AVS là vấn đề không mới. Hiện tại, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chỉ nắm giữ 23% số cổ phần tại Lafooco, người đại diện đang nắm giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt. Việc đặt ra kế hoạch kinh doanh thận trọng rồi hoàn thành ngay sau đó khó có thể nhận được thiện cảm và sự ủng hộ rộng rãi từ các NĐT chuyên nghiệp như AVS.

Thực tế này rõ ràng hơn tại các CTCP mà Nhà nước nắm giữ cổ phần quá bán. Chẳng hạn, HĐQT Đạm Phú Mỹ phác thảo kế hoạch kinh doanh năm 2011 thận trọng, nhưng mức thưởng HĐQT lại được tính lũy tiến trên các kịch bản lợi nhuận vượt kế hoạch.  Tại Đại hội, ngay cả khi ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Đạm Phú Mỹ tâm sự rất thẳng thắn về chính sách luân chuyển cán bộ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (cổ đông đại diện Nhà nước sở hữu 60% cổ phần), nhiều cổ đông vẫn chưa hài lòng khi chỉ tiêu lợi nhuận giảm tới 16%.

Một thực tế tạo ra bức xúc với các cổ đông thiểu số tại nhiều CTCP mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối là người đại diện có sở hữu cá nhân không nhiều cổ phiếu. Vì vậy, trách nhiệm chung chưa cao. Điển hình là việc vạch kế hoạch kinh doanh luôn thận trọng. Một phần lý do là khoản lương, thưởng ban điều hành phần lớn tính trên số lợi nhuận vượt kế hoạch. Riêng với ngành than còn là việc nhiều công ty trích lập quỹ phúc lợi (sử dụng trong nội bộ công ty) lên tới 50% lợi nhuận sau thuế… Điều này mâu thuẫn với lợi ích cổ đông trung thành bên ngoài khi hoàn toàn trông chờ vào cổ tức.

 

Cổ đông lớn, anh là ai?

Kết quả ĐHCĐ thường niên năm 2010 mới đây của CTCP Vitaly (VTA) rất bất ngờ, nhưng không được đăng tải trên website HNX, do cổ phiếu VTA đã bị hủy niêm yết bắt buộc trước đó 10 ngày. Ở lần triệu tập thứ 3, cổ đông VTA đã đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất 2/34 Phan Văn Ích (Q. Tân Bình, TP. HCM) cho Tổng công ty Xây dựng vật liệu số 1 (FICO) do không thể thu xếp được vốn góp đầu tư, dù đã lên kế hoạch từ năm 2007. Hợp đồng có giá trị chuyển nhượng lên tới 196,5 tỷ đồng.

Sẽ chẳng có gì đáng đề cập nếu như FICO không đại diện phần vốn nhà nước, nắm giữ 36% số cổ phần tại VTA. Hai đại diện phần vốn nhà nước khác cũng đang nắm giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt tại Công ty. Vào thời điểm VTA bị hủy niêm yết, giá cổ phiếu rơi xuống mức 1.900 đồng/CP, giá trị vốn hóa Công ty chưa tới 12 tỷ đồng. Dù thua lỗ 3 năm liên tiếp và sa lầy trong nợ nần, nhưng một hợp đồng lớn được thông qua mau chóng ngay khi VTA không phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của DN niêm yết khiến dư luận đặt câu hỏi: có hay không việc FICO sử dụng lá phiếu nặng ký của cổ đông lớn để ra các quyết định đơn phương ảnh hưởng tới lợi ích của cổ đông thiểu số?

Cũng có trường hợp chính cổ đông lớn kéo DN đi lùi. Tại ĐHCĐ thường niên 2010 của CTCP Vận tải biển và BĐS Việt Hải (VSP), Vinashin, cổ đông sở hữu 37,8% cổ phần đề xuất hoán đổi khoản nợ 155 tỷ đồng lấy hơn 5 triệu cổ phiếu VSP để Công ty làm cổ phiếu quỹ. Đây là phương án có lợi cho Vinashin, vì mức giá quy đổi cao hơn giá thị trường khi ấy 50%. Cần nói thêm, vài năm qua, Vinashin mắc nợ VSP, nhưng VSP lại phải vay nợ ngân hàng hàng ngàn tỷ đồng. Chi phí lãi vay góp một phần thua lỗ cho VSP.

Cổ đông lớn tại các CTCP luôn được kỳ vọng định hướng và thúc đẩy hoạt động của các DN hiệu quả hơn. Nhưng gần đây đã xuất hiện hiện tượng cổ đông nhà nước trở thành vật cản cho sự phát triển chung. Chẳng hạn, tại ĐHCĐ của Viettronics Tân Bình hay Sotrans, việc biểu quyết gặp khó khăn khi đại diện phần vốn nhà nước chưa nghiên cứu kỹ nội dung các tờ trình. Cung cách quản lý kiểu quan liêu, hành chính bởi cổ đông nhà nước ở một số DN làm giảm động lực cho sự phát triển chung và khiến cổ phiếu của DN mất đi sức hấp dẫn.