Hai kiến nghị tạo cú hích vốn ngoại

Hai kiến nghị tạo cú hích vốn ngoại

(ĐTCK) Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2013 diễn ra ngày 3/12, giới đầu tư trông đợi sớm có đột phá trong cổ phần hóa DNNN và tăng room cho NĐT ngoại, để tạo động lực phát triển mới cho TTCK.

Hai kiến nghị tạo cú hích vốn ngoại ảnh 1

Nhóm công tác thị trường vốn tập trung vào hai kiến nghị: đẩy nhanh CPH và tăng room

Thuốc đắng dã tật

Có chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế - Từ chương trình tới hành động”, VBF cuối kỳ 2013 có sự tham dự của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đại diện các bộ, ngành, cộng đồng DN trong và ngoài nước. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Giám đốc quốc gia WB Victoria Kwakwa  đồng chủ trì VBF.

Liên quan đến các đề xuất của Nhóm công tác thị trường vốn, thay vì dàn hàng ngang trong kiến nghị chính sách như nhiều kỳ VBF trước đó, ông Terry Mahony, Trưởng nhóm công tác thị trường vốn tập trung vào hai kiến nghị là đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa (CPH) và tăng room cho NĐT nước ngoài tại các DN đang niêm yết.

“Thuốc đắng mới dã tật”, ông Terry Mahony ví von khi cho rằng, Việt Nam cần áp dụng các biện pháp mạnh để thúc đẩy quá trình CPH. Hoạt động CPH trầm lắng khiến TTCK không có thêm nguồn hàng mới như kỳ vọng của NĐT, nhất là NĐT nước ngoài.

Muốn thúc đẩy CPH, việc quan trọng đầu tiên là Chính phủ cần sớm rà soát để thu hẹp danh sách các lĩnh vực, DN nhạy cảm. Thực tế, tại nhiều DN hoạt động trong các ngành, lĩnh vực không nhạy cảm, nhưng Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối như ngành hàng tiêu dùng, sản xuất phân bón...

Theo ông Terry Mahony, tỷ lệ bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ít nhất phải đạt 25 - 35%, thay vì mang tính chiếu lệ chỉ vài phần trăm như nhiều DN khi tiến hành IPO thời gian qua.

Giới đầu tư quan ngại trước tốc độ CPH giảm mạnh trong những năm vừa qua, khi từ hơn 800 DN được CPH trong năm 2004 - 2005 đã giảm xuống chỉ còn 13 DN vào năm 2012.

Đi liền với thúc đẩy CPH, một tâm điểm khác thu hút sự quan tâm của giới đầu tư là nới room cho NĐT nước ngoài. Theo ông Alain Candy, đồng Chủ tịch Liên minh VBF, NĐT nhận thấy những tín hiệu tích cực trong dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam, nhưng họ đang nóng lòng muốn biết bao giờ văn bản này được ban hành và áp dụng?

Nhóm công tác thị trường vốn kiến nghị, Chính phủ nên cho phép tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước bằng việc bán cổ phần nhà nước trong các DN cổ phần thuộc diện không nhạy cảm. Trước mắt, có thể giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các DN niêm yết về dưới 50%, nhưng vẫn trên 35%, sau đó có thể giảm thêm. Thực hiện cách làm này sẽ hỗ trợ tốt cho nguồn thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn khó khăn này, thay vì phải giảm lương tối thiểu hay tận thu những nguồn khác.

Theo quan sát của Nhóm công tác thị trường vốn, tổng giá trị thị trường của phần vốn nhà nước tại 11 DN trong nhóm 20 công ty lớn nhất niêm yết trên sàn HOSE (theo tiêu chí vốn hóa) là 14,8 tỷ USD, chiếm 38% vốn hóa của cả sàn HOSE. Riêng phần vốn Nhà nước sở hữu trên 50% của nhóm 11 DN này có giá trị 4,4 tỷ USD…

“Nếu hai cải cách trên đạt được bước tiến đột phá trong thời gian tới, sẽ vừa cải thiện thanh khoản cho thị trường, vừa giúp Việt Nam tạo ra cú hích mới trong thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, qua đó tạo động lực phát triển mới cho TTCK Việt Nam”, ông Terry Mahony nhấn mạnh.

 

Triển vọng chính sách

Giải đáp những mối quan tâm của Nhóm công tác thị trường vốn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã CPH trên 3.000 DN. Trên thực tế, tiến trình CPH vẫn đang được đốc thúc triển khai trên diện rộng, nhằm góp phần thúc đẩy TTCK phát triển. Tuy nhiên, quá trình CPH đang bộc lộ một số tồn tại, nên Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan khẩn trương khắc phục tình trạng này.

Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 189/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống pháp lý quản lý DNNN, thúc đẩy CPH như: năm 2014 trình Quốc hội cho ý kiến Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước; ban hành tiêu chí phân loại DNNN; sửa đổi, bổ sung các quy định về giao bán DNNN.

Chính phủ cũng đang quyết liệt chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khẩn trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thông qua cơ chế cho phép thoái vốn dưới mệnh giá. Bộ Tài chính đang xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết quy định này, cũng như cách thức chuyển nhượng các khoản vốn mà DNNN đầu tư vào DN chưa niêm yết. Đây là các giải pháp nhằm đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN, góp phần thúc đẩy CPH trong thời gian tới.

“Kiến nghị tăng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại các DN đang niêm yết trên TTCK Việt Nam đã được Bộ Tài chính quy định cụ thể tại dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg. Giải pháp mới còn cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu đến 100% CTCK Việt Nam. Văn bản này đang được Chính phủ xem xét để ban hành”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói.

>> Quan ngại về tham nhũng

>> Tâm điểm là nới room

>> VBF năm 2013 sẽ diễn ra vào ngày 3/12

>>TTCK hút vốn ngoại bằng sức hấp dẫn riêng

>>Vốn ngoại sẽ vào mạnh hơn dịp cuối năm

>>Vốn ngoại đủ lớn kéo thị trường tăng mạnh