Căng thẳng Mỹ Trung leo thang, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục gia tăng và đà giảm mạnh của các nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn là nguyên nhân khiến TTCK Mỹ điều chỉnh trong tuần qua. Chỉ số Nasdaq là chỉ số điều chỉnh mạnh nhất, nhưng xu hướng ngắn hạn của chỉ số này vẫn duy trì ở mức TĂNG. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn đã có dấu hiệu giảm dần.
Trên TTCK Việt Nam, khối ngoại tăng gấp đôi giá trị bán ròng so với tuần giao dịch 13-17/7. Nhóm bất động sản và thực phẩm - đồ uống bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong tuần từ 20 - 24/7.
Ở chiều mua ròng, nổi bật nhất là khối ngoại quay trở lại mua ròng trên chứng chỉ quỹ E1VFVN30 trước thời điểm cơ cấu danh mục VN30.
Tâm lý lo ngại trước ca nhiễmCovid-19 ở Ðà Nẵng khiến các chỉ số bị bán tháo mạnh trong phiên cuối tuần. Chỉ số VN-Index tạo mức thấp nhất phiên tại 815 điểm và dần thu hẹp đà giảm về cuối phiên. Thị trường tiếp tục duy trì trạng thái này trong phiên sáng 27/7 khi Ðà Nẵng liên tiếp ghi nhận thêm những ca lây nhiễm mới.
Dựa trên diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, Yuanta Việt Nam đưa ra hai kịch bản cho thị trường.
Kịch bản 1: Chỉ số VN-Index kiểm định mức 800 điểm và hồi phục
- Xu hướng ngắn hạn đã bị hạ xuống mức GIẢM và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ 800 điểm.
- Xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở mức TĂNG và chỉ số VN-Index còn nhịp sóng tăng cho nên chúng tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể giữ được vùng hỗ trợ 800 điểm và tiếp tục hướng về vùng mục tiêu 987 - 990 điểm.
- Ở kịch bản này, nhà đầu tư nên hạn chế bán tháo danh mục tại đà giảm cho đến khi chỉ số VN-Index chưa phá vỡ hỗ trợ 800 điểm. Ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu vẫn duy trì tăng trưởng trong quý II/2020.
Kịch bản 2: Chỉ số VN-Index giảm về mức 745 điểm
- Kịch bản xấu là nếu chỉ số phá vỡ vùng hỗ trợ 800 điểm thì xu hướng giảm trung hạn có thể mở rộng về mức 745 điểm hoặc vùng đáy cũ tháng 3 (650 - 660 điểm).
- Ở kịch bản này, nhà đầu tư nên bán hết toàn bộ danh mục đang
nắm giữ.
Chúng tôi cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng 800 điểm.
Ðồng thời, tâm lý nhà đầu tư chuyển sang trạng thái bi quan thái quá cho thấy đà giảm quán tính có thể sẽ còn diễn ra ở 1-2 phiên tới, nhưng nhiều cổ phiếu rơi vào vùng quá bán cho thấy thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật.
Ngoài ra, vùng 800 điểm được xem là vùng hỗ trợ mạnh cho chỉ số VN-Index và nếu chỉ số này vẫn giữ được mức hỗ trợ 800 điểm thì kịch bản xu hướng tăng trung hạn mở rộng về 987 - 990 điểm vẫn duy trì.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường bị hạ từ mức TĂNG xuống GIẢM. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể cơ cấu lại danh mục theo hướng hạ tỷ trọng cổ phiếu và hạn chế bán tháo ở nhịp giảm.
Theo đồ thị tuần, xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở mức TĂNG với mức hỗ trợ ở mức 800 điểm của chỉ số VN-Index và 104,68 điểm của chỉ số HNX-Index. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn có thể duy trì chiến lược nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu vào và quan sát các ngưỡng hỗ trợ trung hạn của các chỉ số chính để có chiến lược mới.
Cần nhìn nhận, thông tin về ca nhiễm mới hiện mức độ tác động lên nền kinh tế không lớn như đợt tháng 3 (phải giãn cách xã hội), Chính phủ đã có kinh nghiệm chống dịch nên cách xử lý cũng nhanh hơn. Từ đó kỳ vọng TTCK cũng không thiệt hại quá lớn như trong tháng 3.