Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên hành lang Quốc hội về vấn đề này.
Thưa ông, thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội năm nay, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, thời gian tới, cần xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của doanh nghiệp. Đây cũng từng là nội dung được ông đề cập khi tham gia thẩm tra. Vậy theo ông, làm thế nào để hài hoà được mối quan hệ khá tế nhị đó?
Ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân. |
Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất, đặc biệt là lãi suất tiền gửi xuống rất thấp, nhưng lãi suất cho vay thì giảm chưa nhiều, nên chênh lệnh giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn khá cao.
Năm 2020 và những tháng đầu năm nay, nhiều ngân hàng vẫn lãi cao. Vì thế, có luồng dư luận cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp khóc ròng, mà sao ngân hàng vẫn lãi khủng. Tuy nhiên, ngân hàng cũng không bỏ túi số lãi đó, mà dự phòng cho nợ xấu tăng lên, nên thực lãi cũng không cao. Việc đó đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Song nếu doanh nghiệp vẫn không được hưởng lãi suất thấp, thì sẽ vẫn khó khăn, dẫn đến nợ xấu càng tăng. Như thế, ngân hàng cũng không được lợi, nên cần tính toán lại, giảm lãi suất để giúp doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn. Như vậy, nợ xấu mới kỳ vọng sẽ không tái diễn.
Cũng cần nói thêm rằng, trong một tháng gần đây, ngân hàng cũng có nhiều gói cho vay với lãi suất giảm, đó cũng là tín hiệu tích cực. Tất nhiên, giảm lãi suất không thể là mệnh lệnh hành chính, vì ngân hàng thương mại có quyền riêng của mình trong kinh doanh.
Nhưng nếu không giảm được lãi suất, ngân hàng cũng khó cho vay, cũng ách tắc. Vì thế, ngân hàng cũng cần tìm dự án, doanh nghiệp nào có thể cho vay mà giảm được lãi suất. Như vậy, hai bên đều có lợi.
Nhưng khuyến nghị của Ủy ban Kinh tế chắc hẳn dành cho cơ quan điều hành, chứ không phải cho ngân hàng thương mại, thưa ông?
Khi cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể bơm thêm vốn cho ngân hàng thương mại. Vốn này lãi suất thấp, thì ngân hàng thương mại có thể cho doanh nghiệp vay lại với lãi suất thấp hơn mức thông thường.
Có ý kiến đại biểu và chuyên gia cho rằng, nên chọn một số doanh nghiệp then chốt của nền kinh tế và cho vay vốn với lãi suất 0%. Ông nghĩ sao về điều này?
Chính sách hỗ trợ lãi suất là cần thiết, nhưng quan trọng nhất vẫn là tiền đó đầu tư vào đâu. Với các doanh nghiệp có dự án quan trọng trong lĩnh vực cần ưu tiên được phục hồi thì có thể hỗ trợ theo các dự án đó.
Về phương thức, có thể bù lãi suất và cũng có thể giao các ngân hàng thương mại cho vay ưu đãi các dự án đó. Phần ưu đãi này được giảm khi ngân hàng đóng góp nghĩa vụ ngân sách nhà nước. Như thế, thực chất cũng là dùng ngân sách để hỗ trợ, song ngân hàng có trách nhiệm và tích cực hơn để tìm được các dự án cho vay phù hợp.
Bên cạnh khuyến nghị trên, Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh giải pháp tăng cường giải ngân vốn đầu tư công. Một số ý kiến đại biểu còn nhấn mạnh, đây là giải pháp căn cơ để đạt mục tiêu tăng trưởng vốn đang rất khó khăn. Ý kiến của ông thế nào?
CPI 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,47% trong bối cảnh giá nguyên lệu đầu vào tăng, giá xăng dầu tăng. Điều đó chứng tỏ cầu đang giảm, là yếu tố đáng lo ngại trong tăng trưởng, nên phải thúc đẩy tăng cầu. Tăng cầu phía Chính phủ chỉ có thể bằng con đường duy nhất là đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Việc đẩy mạnh đầu tư công có tác động mạnh mẽ đến việc thu hút và lan toả đầu tư xã hội, tạo việc làm, tạo ra nền tảng về hạ tầng…, nên đây là giải pháp hết sức quan trọng trong 6 tháng cuối năm nay.
Nếu thực hiện được cả hai vấn đề trên, theo ông, mục tiêu tăng trưởng GDP 6% liệu có khả thi?
Nếu so sánh mức tăng GDP quý II năm trước và quý II năm nay, có thể thấy xu thế đang đi lên và nếu kiểm soát tốt dịch bệnh thì sẽ giữ được đà tăng đó, mục tiêu GDP cuối năm vẫn có thể đạt được. Mức tăng 6% hay 6,5% phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến của dịch Covid-19, nếu dịch bệnh phức tạp hơn thì không thể nói trước được. Tuy vậy, có thể thấy, thời gian qua, thời điểm điểm dịch diễn biến rất phức tạp, chúng ta vẫn thực hiện rất tốt mục tiêu kép.
Nhưng cũng cần quan tâm đến nhận xét của Ủy ban Kinh tế là Việt Nam có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung vắc-xin. Vì như tôi đã nói, tăng trưởng có xu hướng khá tốt, nhưng tỷ lệ tiêm phòng rất thấp, nên khả năng mở cửa chậm hơn các nước tiêm phòng cao. Năm nay, Mỹ được dự báo tăng trưởng 6,4%, Trung Quốc dự báo là 18%. Như thế, nếu Việt Nam không đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, thì rơi vào trạng thái tiếp tục đóng cửa và coi như lỡ nhịp với kinh tế thế giới.