Hai điểm nghẽn lớn của nền kinh tế 7 tháng đầu năm

Hai điểm nghẽn lớn của nền kinh tế 7 tháng đầu năm

Tăng trưởng tín dụng và tồn kho đang là hai điểm nghẽn lớn tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi phải xử lý tích cực hơn nữa.

Điểm nghẽn thứ nhất là tăng trưởng tín dụng

So với cuối năm trước, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 6 vẫn còn giảm, đến 25/7 chỉ tăng rất thấp (0,57%).

Việc dư nợ tính dụng giảm trong thời gian dài và tính chung 7 tháng tăng rất thấp là hiện tượng hiếm thấy của cùng kỳ trong nhiều năm qua. Đây cũng là tín hiệu cảnh báo khả năng cả năm nay tăng trưởng tín dụng sẽ thấp xa so với mục tiêu định hướng 15 - 17% từ đầu năm và thấp rất xa so với tốc độ tăng của nhiều năm trước đây (2011 tăng 12%, 2010 tăng 27,7%, 2009 tăng 37,7%, 2008 tăng 30,0%, 2007 tăng 51,4%...).

Đáng chú ý là tăng trưởng tín dụng thấp trong khi tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán lại ở mức khá (tính đến 20/7 tăng 6,56%), chứng tỏ tiền tệ ra lưu thông ít, vẫn còn chạy loanh quanh ở hệ thống ngân hàng thương mại.

Các chuyên gia đã đưa ra hai nguyên nhân chủ yếu lý giải cho tình trạng trên.

Thứ nhất, khách hàng hoạt động tốt không thực sự muốn vay với lãi suất mặc dù đã giảm xuống nhưng vẫn cao, có tâm lý chờ lãi suất giảm xuống nữa mới vay.

Thứ hai, những khách hàng rủi ro không được vay do không đáp ứng được các điều kiện vay và ngân hàng lo ngại nợ xấu gia tăng; nợ xấu trở thành vấn đề gây ách tắc dòng chảy tín dụng.

 

Điểm nghẽn thứ hai là tồn kho

Mặc dù tốc độ tăng tồn kho sản phẩm ở một số ngành đã giảm xuống (ví dụ tốc độ tăng so với thời điểm cùng kỳ năm trước của sản phẩm công nghiệp chế biến đã giảm liên tục qua các thời điểm: đến 1/3 tăng 34,9%, 1/4 tăng 32,1%, 1/5 tăng 29,4%, 1/6 tăng 26%, 1/7 tăng 21%), nhưng vẫn còn khá cao.

Tồn kho cao xảy ra ở hầu hết các sản phẩm, các ngành, từ lương thực, thực phẩm, đến sản phẩm công nghiệp, xây dựng, bất động sản, từ sản xuất đến thương mại, thậm chí cả vốn ở ngân hàng.

Tồn kho cao do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do đầu tư, sản xuất kinh doanh co lại, khiến cho nhu cầu đối với sản phẩm cũng co lại theo. Có nguyên nhân do thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư tăng thấp, thậm chí của một bộ phận dân cư bị sụt giảm do mất hoặc thiếu việc làm khi doanh nghiệp ngừng sản xuất, phá sản, giải thể.

Có nguyên nhân do giá bán còn cao, bình quân 7 tháng năm nay vẫn còn tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước; nếu tốc độ tăng thu nhập thấp hơn con số đó thì chi tiêu sẽ thấp hơn.

Ngoài ra còn có sự tác động của yếu tố tâm lý tích cóp, tiết kiệm thậm chí là thắt lưng buộc bụng ở mức cao hơn do tác động của lạm phát cao trong 2 năm trước, nay tăng trưởng kinh tế lại suy giảm.

Hai điểm nghẽn lớn trên đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt kinh tế- xã hội, rõ nhất là ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế. Mặc dù tăng trưởng kinh tế đã thoát đáy vào quý I, khi tốc độ đã cao lên trong quý II, nhưng tính chung 6 tháng vẫn thấp xa so với cùng kỳ 2 năm trước, thấp xa so với mục tiêu cả năm.

Trong 7 tháng đầu năm, đã có  hơn 30 nghìn doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động ; nếu không có biện pháp cứu doanh nghiệp quyết liệt, kịp thời, con số này sẽ tăng tiếp, từ đó, kéo theo số người thất nghiệp, thiếu việc làm tăng, tác động tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.