Tăng trưởng ảo
Tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mới đây, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ việc cơ quan này đã tính lại GDP của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong vòng 3 năm qua. Và kết quả không mấy bất ngờ, đó là sau khi tính lại, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố) của hầu hết các địa phương đều rất cao so với thực tế, dẫn tới bị giảm trừ, ít thì 1-2 điểm phần trăm, nhiều có thể lên tới 5-6 điểm phần trăm.
Câu chuyện này thực ra chẳng mới, bởi đã từ lâu, luôn có câu hỏi, vì sao GDP các tỉnh, thành phố luôn tăng trưởng 9-10%, thậm chí 12-13%, vậy nhưng, GDP của cả nước lại chỉ 5-6%. Vậy thì phần tăng trưởng còn lại chạy đi đâu?
Ông Lâm trả lời thẳng thắn: “Chẳng chạy đi đâu cả”. Nên nỗi như vậy là do cách tính trùng, do những bất cập trong công tác thống kê ở địa phương. Song thêm một câu hỏi nữa về chuyện liệu có phải do tư duy nhiệm kỳ, tư duy thành tích đã ám ảnh các địa phương về việc phải có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao không, thì ông Lâm dè dặt rằng “có”.
“Có thể vì địa phương khi xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội luôn đặt ra các con số rất cao, 11-13%, thậm chí có tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng 15%, cao hơn nhiều so với mục tiêu GDP toàn quốc. Và để đạt mục tiêu, thì có lúc, trong cách tính, các địa phương cũng cố gắng làm sao cho sát mục tiêu”, ông Lâm nói.
Một phần vì tính trùng, một phần vì tư duy thành tích nên là tăng trưởng “ảo”. Đó là một thực tế đang diễn ra ở các địa phương, không phải chỉ trong 3-5 năm, mà là cả một giai đoạn dài. Cũng khó có thể nói địa phương sai, mà chỉ là “lịch sử” để lại. Chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhắc đến chuyện này, khi ông nói rằng, cách tính GDP các tỉnh đã kéo dài từ thời kinh tế tập trung bao cấp tới thời kỳ chuyển đổi sang kinh tế thị trường, nên không còn phù hợp, chẳng giống ai và buộc phải tính lại.
1 tỷ = 17 tỷ
Một phép tính, xét về số học, rõ ràng là sai bét. Nhưng lại đúng trong thực tế. Chuyện này cũng được ghi tại Hội nghị toàn quốc ngành KH&ĐT. Ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chính là người kể câu chuyện này.
Ông đã kể về những ngày “dặm trường” xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Phúc, về việc phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư sử dụng bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và các chương trình mục tiêu quốc gia. Khoan nhắc đến chuyện chỉ trong giai đoạn 2006 - 2010, mỗi năm Vĩnh Phúc phê duyệt khoảng 250 dự án, tính chung cả giai đoạn là 1.290 dự án, với tổng vốn đầu tư 29.740 tỷ đồng, mà theo tính toán thì phải tới năm 2019, mới có thể trả hết nợ cho các dự án này, ông Hùng đã nhắc đến một thực tế là tỉnh chỉ cho huyện xây một trung tâm văn hóa xã 1 tỷ đồng, và với số tiền ấy, làm cũng sẽ xong, nhưng có huyện lại “phê duyệt” tới 17 tỷ đồng.
“Cho xây chợ 2 tỷ đồng thì ‘ông ấy’ làm tới 7 tỷ đồng. Làm giao thông nội đồng, nếu cơ chế chặt chẽ, 1 tỷ đồng cũng xong, nhưng cũng có xã phê duyệt 8-9 tỷ đồng. Một nhà văn hóa thôn, chỉ 350 triệu đồng là xong, nhưng có xã duyệt 10 tỷ đồng”, ông Hùng kể thế và bảo, tỉnh đã phải “đuổi” cả Bí thư lẫn Chủ tịch của “cái huyện ấy”.
Lại kể rằng, 3-4 năm nay, mỗi năm Vĩnh Phúc dành 160 tỷ đồng cho công tác đào tạo nghề, nhưng rồi huyện, xã chẳng quản được, dân đi học tràn lan. Đến nỗi, có người 1 năm mà đi học tới 4 nghề. Lại có xã, tới 900 người đi học nấu ăn, nên cuối cùng, chẳng biết bố trí vào việc gì.
Chuyện ông Hùng kể khiến cả Hội trường Hội nghị ngành KH&ĐT râm ran. Chẳng mấy người thẳng thắn được như ông Hùng. Tất nhiên, ông Hùng cũng có hàm ý khoe thành tích, bởi sau Nghị quyết 1792 của Chính phủ, Vĩnh Phúc đã có “cây đũa thần” để mạnh tay “dẹp loạn”. Nay thì nợ xây dựng cơ bản đã cơ bản được giải quyết. Cũng không có chuyện các huyện, các xã phê duyệt vốn đầu tư tràn lan, vô tội vạ như trước.
Nhưng dẫn một câu chuyện nhỏ, về những dự án nhỏ, ở một tỉnh cũng nhỏ để thấy, thực ra, đó không phải là câu chuyện cá biệt. Đây đó, nhiều thông tin về những nhà vệ sinh xây cả chục tỷ đồng. Chợ, trường học cũng thế… Dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi, vậy những dự án lớn thì thế nào? Ở các địa phương được phân bổ nhiều vốn đầu tư thì ra sao?...
Và tư duy đổi mới
Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh rằng, ông có “ngại” không bởi bây giờ đang là thời điểm các địa phương đang chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ cũ và xây dựng kế hoạch cho nhiệm kỳ mới, mà lại “tung” ra cách tính GRDP mới, khiến GRDP nhiều tỉnh bị giảm trừ, thì người đứng đầu ngành KH&ĐT, như thường thấy, vô cùng quyết liệt, bảo rằng “không”.
Tất nhiên, ông cũng hiểu, nếu không làm tốt công tác tư tưởng thì địa phương sẽ khó chấp nhận. “Nhưng đây là điều cần làm vì lợi ích chung của đất nước. Chúng tôi dám làm và hoàn toàn nghĩ rằng, các địa phương sẵn sàng ủng hộ một quyết định rất đúng đắn. Tính sai GDP, quyết sách cũng sẽ sai”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.
Cũng tương tự vậy thôi, việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016 - 2020 cũng là lần đầu tiên được thực hiện. Sẽ còn những lúng túng. Sẽ có những người chưa thật ủng hộ. Nhưng khó mấy cũng phải làm. Bởi thực hiện đầu tư trung hạn, địa phương biết cân đối nguồn lực để phê duyệt dự án cho đúng. Không còn chuyện đầu tư tràn lan, lãng phí. Không còn chuyện xin - cho. Tất cả đều minh bạch.
Và không chỉ là một kế hoạch đầu tư trung hạn riêng lẻ, kế hoạch này sẽ được gắn với việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, với một trong những mục tiêu hàng đầu là đạt mức tăng trưởng GDP 6,5 - 7% giai đoạn này.
Các chuyên gia kinh tế đều thừa nhận, để thực hiện đầu tư công trung hạn, để tính lại GRDP một cách chuẩn xác nhất và giao lại cho cơ quan thống kê trung ương làm việc này đòi hỏi một sự đổi mới về tư duy quản lý kinh tế, từ Trung ương tới địa phương. Làm được như vậy, không chỉ tình hình đầu tư công sẽ có bước chuyển tích cực trong 5 năm tới và nhiều năm tiếp theo, mà kéo theo đó, sẽ là một nền kinh tế minh bạch, tăng trưởng và phát triển có chất lượng, hiệu quả hơn.
“Nếu các địa phương không nhanh chóng, rốt ráo thực hiện việc xây dựng kế hoạch, không thay đổi tư duy vì lợi ích của địa phương và cả đất nước, thì sẽ bị lỡ cả một giai đoạn 5 năm, chứ không phải chỉ là 1 năm như trước”, lời nhắn nhủ, kèm một chút “đe” của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, dường như đã khiến lãnh đạo các tỉnh, thành phố đều hiểu rằng, không còn đường lui cho một sự đổi mới trong tư duy quản lý, điều hành kinh tế.
Đất nước đã trải qua gần 30 năm Đổi mới, với rất nhiều thành tựu được ghi nhận. Và giờ sẽ là một chặng đường phát triển tiếp theo. Chặng đường đó được bắt đầu bằng việc đổi mới công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bằng cải cách việc quản lý vốn đầu tư công và bằng một quyết tâm chính trị cao, từ Trung ương tới địa phương.