9 tháng đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận kết quả kinh doanh với lợi nhuận 1.268 tỷ đồng. Thế nhưng, những nhà đầu tư quan tâm đến doanh nghiệp này vẫn đang đặt câu hỏi: tính chắc chắn của lối thoát mới là mảng trái cây ra sao và khi nào việc tái cấu trúc tài chính của Tập đoàn được hoàn tất?
Kết quả kinh doanh 9 tháng: Lãi hay lỗ?
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất của HAGL, lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận hơn 3.998 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 18% so với cùng kỳ, nhưng giá vốn giảm mạnh hơn giúp Công ty ghi nhận lợi nhuận gộp hơn 1.264 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong kỳ, HAGL ghi nhận doanh thu tài chính hơn 1.600 tỷ đồng nhưng áp lực lãi vay rất lớn, với 1.100 tỷ đồng chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng giảm khoảng 30 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 492 tỷ đồng và chi phí khác gần 203 tỷ đồng. Kết quả, Công ty lãi trước thuế hơn 1.192 tỷ đồng, rất tích cực so với số âm 1.188 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 1.176 tỷ đồng, trong khi 9 tháng đầu năm 2016 âm hơn 1.268 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu loại trừ doanh thu tài chính thì HAGL ghi nhận lỗ thuần hoạt động kinh doanh hơn 400 tỷ đồng.
Tại cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư chiều ngày 31/10/2017 diễn ra tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE), nơi cổ phiếu HAG đang niêm yết, một nhà đầu tư đã đặt câu hỏi thẳng thắn với Ban lãnh đạo HAGL về kết quả kinh doanh 9 tháng, thực chất là lãi hay lỗ?
Ông Võ Trường Sơn, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc HAGL cho biết, áp lực lãi vay của HAGL rất lớn, trong khi nguồn thu vẫn đang trong giai đoạn cải thiện dần.
“Dù giá cao su đã hồi phục, tạo ra dòng tiền cho Công ty nhưng biên lợi nhuận thấp do phải hạch toán chi phí lãi vay được vốn hóa trong những năm chăm sóc. Bên cạnh đó, mảng chăn nuôi bò thịt đang tạm thu hẹp, còn mảng cây ăn trái thì mới khai thác những lứa đầu tiên nên công bằng mà nói, việc doanh nghiệp cố gắng trang trải được chi phí quản lý, lãi vay mà hòa vốn đã là thành công”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, với 1.192 tỷ đồng lãi trước thuế, nếu loại bỏ thu nhập từ thanh lý khoản đầu tư mảng mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công (hơn 950 tỷ đồng – PV) thì Công ty cũng tạo ra lợi nhuận khoảng 200 - 300 tỷ đồng.
Trái cây liệu có giúp HAGL “cất cánh”?
Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư, ông Sơn cho biết, trong thời gian qua, dù mới chỉ một phần nhỏ diện tích trồng trái cây đến vụ thu hoạch, nhưng HAGL đã tiêu thụ 50.000 tấn hoa quả, doanh thu đạt 50 triệu USD. Đồng thời, việc bán trái cây thực hiện thanh toán qua ngân hàng nên tiền thu được khấu trừ nợ ngay, ước tính dòng tiền thu về từ trái cây đã giúp Công ty giảm khoảng 1.000 tỷ đồng nợ vay.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, mảng trái cây liệu có giúp HAGL vượt qua những trở ngại về tài chính hiện nay?
Nghị quyết Hội đồng quản trị HAGL số 2310/17/NQHĐQT-HAGL ngày 23/10/1017 cho thấy, đến hết quý III/2017, HAGL đã trồng hơn 17.000 hecta gồm 20 loại cây ăn quả và gia vị (con số cập nhật tại cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư là 18.000 hecta tại 3 nước Lào, Campuchia và Việt Nam).
Toàn bộ diện tích trồng được HAGL áp dụng theo chuẩn GlobalGAP và Công ty cho biết đã hợp tác với Bureau Veritas để cấp chứng nhận GlobalGAP cho các dự án cây ăn quả. Hiện nay, 2.000 hecta cây ăn quả đã cho thu hoạch; 1.364 hecta đã và sắp được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Ông Sơn cho biết, năm 2017, Công ty ước tiêu thụ 180.000 tấn trái cây, doanh thu 2.100 tỷ đồng, thu nhập trước thuế, khấu hao, chi phí lãi vay (EBITDA) 1.000 tỷ đồng. Từ năm 2018, mảng trái cây sẽ đóng góp lớn vào doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp với kế hoạch sản lượng trên 334.000 tấn, doanh thu trên 7.500 tỷ đồng, EBITDA hơn 4.090 tỷ đồng.
Điều gì khiến HAGL tự tin về mảng trái cây, trong khi trong nước vẫn liên tục xuất hiện các làn sóng… giải cứu trái cây?
Đại diện HAGL cho biết, với lợi thế về quy mô lớn, lại được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, hạ tầng phục vụ cho mảng kinh doanh này tốt (với 83 kho lạnh tại 4 quốc gia), HAGL có thể bán thẳng đến các nhà bán sỉ mà không cần phải mất nhiều chi phí cho các bên bán buôn như người nông dân.
“Mô hình chủ yếu của các nông hộ là bán cho thương lái nhỏ, sau đó hàng từ thương lái nhỏ chuyển đến cho nhà nhập sỉ (phân loại và đóng gói) chuyển tới biên giới, rồi đến các nhà phân phối nội địa trước khi ra chợ truyền thống. Với HAGL, Tập đoàn tự thu hoạch, phân loại đóng gói và vận chuyển đến các nhà phân phối lớn, phân bổ cho kênh bán hàng hiện đại”, ông Sơn nói.
Ưu thế về quy mô và tiêu chuẩn chất lượng giúp HAGL tiết kiệm chi phí và thời gian luân chuyển hàng qua trung gian, cùng yếu tố làm việc thẳng với các nhà phân phối lớn… là yếu tố tạo nên tính ổn định và lợi suất cao hơn.
Theo Ban lãnh đạo Công ty, thị trường tiêu thụ chính của mảng trái cây là Trung Quốc bởi đây là quốc gia chiếm 40% tỷ trọng tiêu thụ hoa quả toàn cầu (400 triệu tấn/năm). Nhu cầu tiêu thụ hoa quả tăng mạnh tại Đại lục nhờ tốc độ tăng trưởng hộ gia đình trung lưu, tốc độ đô thị hóa, cũng như chuỗi cung ứng hiện đại.
Về yếu tố phòng ngừa rủi ro, HAGL cho rằng, để giảm thiểu yếu tố rủi ro về mặt sản xuất, Tập đoàn đã chi mạnh cho nhân sự và kỹ thuật; còn với rủi ro thị trường, ngoài việc hợp tác với các đối tác lớn, việc đa dạng hóa danh mục cây trồng (20 loại cây) cũng là một biện pháp.
Các mảng kinh doanh khác ra sao?
Cho rằng bò thịt là ngành nghề kinh doanh có biên lợi nhuận rất tốt, đã nuôi sống Tập đoàn thời gian qua, nhưng do những khó khăn về tài chính, HAGL đã phải giảm quy mô đàn. Đến năm 2018, khi dòng tiền cải thiện trở lại thì mảng này sẽ được mở rộng.
Với mảng cây công nghiệp (cao su và cọ dầu), giá cao su vẫn chưa thành xu hướng tăng, hiện giá bán dao động quanh 30 triệu đồng/tấn nên HAGL chưa đẩy mạnh bón phân và cũng chưa thể duy trì lực lượng công nhân ổn định.
Công ty cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất đã qua, nhiệm vụ hiện tại là duy trì chăm sóc và cạo mủ, nếu giá tốt sẽ khai thác nhiều, không tốt sẽ khai thác cầm chừng nhưng vẫn có lời, trừ khi giá xuống quá thấp (dưới 1.000 USD/kg).
Riêng mảng cọ dầu, do đặc thù cần đầu tư rất nhiều cho chăm sóc và phân bón nên khi nào HAGL không còn khó khăn về dòng tiền mới tính đến chuyện quay lại. Mục tiêu trong năm 2017, Công ty sẽ đưa vào khai thác 12.800 hecta cao su và giữa năm 2018 có thu hoạch từ dầu cọ.
Với bất động sản tại Myanmar, đa số khách thuê là từ Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Toàn bộ mặt bằng bán lẻ của giai đoạn 2 đã được đặt trước, căn hộ để bán vào cuối năm 2018 và 2019 sẽ mang lại doanh thu, lợi nhuận. Hiện HAGL đang đàm phán với các bên mua để thoái vốn, mức định giá khoảng 500 - 600 triệu USD.
Khi nào có thể tái cấu trúc thành công?
Tính đến cuối tháng 9, tổng nợ phải trả của HAGL là 34.670 tỷ đồng, giảm hơn 4.000 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, vay nợ ngắn hạn giảm gần 3.000 xuống 2.796 tỷ đồng và vay nợ dài hạn giảm 1.300 tỷ đồng xuống 20.364 tỷ đồng.
Ông Sơn cho biết, dự kiến năm 2017, Công ty sẽ trả được khoảng 5.000 tỷ đồng nợ (như vậy quý IV/2017 sẽ trả nợ thêm khoảng gần 1.000 tỷ đồng). Năm 2018, theo đàm phán với các chủ nợ, HAG chỉ trả lãi nhưng dự kiến có thể trả nợ trước hạn thêm 1.000 tỷ đồng (kế hoạch trả 1.500 tỷ đồng), từ 2019 sẽ trả gốc từng bước tăng dần. Mức lãi suất vay trung bình khoảng 10%/năm.
Như vậy, nếu dòng tiền từ trái cây thuận lợi, áp lực về dòng tiền của HAGL sẽ không lớn (do dự kiến EBITDA mảng này khoảng trên 4.000 tỷ đồng năm 2018), nhưng làm cách nào để HAGL giảm mạnh dư nợ, bởi nhà đầu tư cho rằng, mức vay hơn 23.000 tỷ đồng vẫn còn quá lớn.
Có 2 lối thoát của HAGL bên cạnh dòng tiền về từ trái cây, là thoái vốn bất động sản Myanmar và bán mảng cao su.
Với mảng cao su, HAGL cho hay, Công ty từng muốn bán mảng cao su, đối tác đã sẵn sàng “chồng tiền” 8.000 tỷ đồng nhưng tính toán lại, HAGL thấy chưa phù hợp nên dừng việc bán. Tài sản tốt nhất có thể bán được, nằm trong chiến lược thoái vốn của Tập đoàn, chính là dự án bất động sản tại Myanmar.
“Trong trường hợp thoái được 30% vốn ở mức định giá hiện tại, HAGL có thể giảm thêm được 3.000 tỷ đồng nợ, nhưng nhấn mạnh, dự án Myanmar không bắt buộc phải bán vì cơ bản đầu tư đã hoàn thành”, ông Sơn nói.
Thanh khoản của HAGL đến năm 2018 có thể sẽ không còn áp lực. Thế nhưng, với giả định mảng trái cây mang lại EBITDA khoảng hơn 4.000 tỷ đồng và giả định 50% số tiền này dùng để trả nợ, thì để tình trạng tài chính trở lại lành mạnh phải sang năm 2019, khi dòng tiền từ mảng trái cây thực sự bứt phá. Nếu thoái được 30% vốn tại Myanmar như kế hoạch và dòng tiền từ trái cây không đổi, có thể 2018 sẽ là năm bước ngoặt của doanh nghiệp.
Tất cả vẫn đang chờ đợi. Số đông nhà đầu tư vẫn hoài nghi và chỉ có 1 tín hiệu tích cực là trong tuần qua, HAG là một trong những cổ phiếu được nhà đầu tư ngoại mua ròng liên tục và nhiều nhất thị trường.