Nền tảng tài chính mạnh
Kết thúc nửa đầu năm 2019, bức tranh tài chính, kinh doanh của Habeco tiếp tục ghi nhận những chuyển biến tích cực. Báo cáo tài chính của Tổng công ty cho biết, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 335,4 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018. Bức tranh kinh doanh của Habeco đạt được những điểm sáng tích cực đến từ công tác quản trị chi phí hiệu quả.
Cụ thể, trong công tác sản xuất, biên lợi nhuận gộp đạt 24,92% trong nửa đầu năm 2019, cải thiện 0,19 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018 nhờ các chi phí, dịch vụ mua ngoài được tiết giảm. Trong hoạt động tài chính, doanh thu chính ghi nhận mức tăng 25,6% so với cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính giảm gần 34%.
Đối với công tác quản lý, bán hàng, mặc dù Tổng công ty đã thực hiện nhiều hoạt động quảng bá, marketing cho chiến dịch thay đổi bộ nhận dạng thương hiệu và ra mắt sản phẩm bia mới trong quý II/2019 nhưng lũy kế 6 tháng chi phí bán hàng vẫn giảm 10% so với cùng kỳ 2018. Tỷ lệ chi phí bán bàng trên doanh thu giảm xuống 12,5% từ mức 12,8% cùng kỳ.
Quý II/2019, kết quả kinh doanh của Habeco cho thấy những chuyển biến rõ ràng. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế thu về đạt 240,8 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ.
Trong đó, phần lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 237,1 tỷ đồng, tăng 18,3% - ghi nhận quý có lợi nhuận tốt nhất kể từ quý IV/2017. Biên lãi gộp hợp nhất đạt 27,3%, tăng 3,3% so với cùng kỳ 2018.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp trong ngành - nhất là các hãng bia ngoại không ngừng đầu tư mở rộng công suất, còn tốc độ tăng trưởng chung của ngành có dấu hiệu chậm lại khiến thị trường bia trong nước chịu áp lực cạnh tranh gay gắt, việc lợi nhuận của Habeco lấy lại đà tăng trưởng cho thấy hiệu quả từ chiến lược kết hợp giữa quản trị tốt chi phí song song với việc đổi mới sản phẩm, thương hiệu nhằm duy trì và tăng trưởng thị phần.
Đây là cơ sở để kỳ vọng Tổng công ty đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và tiếp tục duy trì tăng trưởng, nhất là khi theo chu kỳ hàng năm, quý III và quý IV sẽ là cao điểm tiêu thụ sản phẩm và ghi nhận doanh thu, lợi nhuận.
Habeco còn được nhà đầu tư đánh giá cao ở nền tảng tài chính mạnh. Tính đến cuối quý II/2019, Habeco có quy mô tổng tài sản 9.172 tỷ đồng. Trong đó, số dư tiền và tiền gửi có kỳ hạn đạt 3.826 tỷ đồng, chiếm 41,7%.
Cơ sở để Habeco tích lũy được lượng tiền lớn là nhờ dòng tiền hoạt động kinh doanh thặng dư đều đặn qua các năm, đáp ứng nhu cầu đầu tư, chi trả cổ tức, nợ vay và vẫn còn tích lũy. Năm 2016, Tổng công ty thu về dòng tiền hoạt động kinh doanh hơn 739,5 tỷ đồng, năm 2018 là 372,2 tỷ đồng và riêng nửa đầu năm nay là 294,7 tỷ đồng.
Lượng tiền lớn không chỉ đem lại số tiền lãi từ 140- 160 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận, mà còn giúp Tổng công ty luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trả nợ, đảm bảo khả năng thanh toán, đầu tư thay thế, sửa chữa máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất và chi trả cổ tức cho cổ đông.
Mặc dù sở hữu lượng tiền lớn nhưng Habeco hầu như không có hoạt động đầu tư dàn trải ngoài ngành.
Tính đến 30/6/2019, Tổng công ty có 16 công ty con, 6 công ty liên kết và 2 đơn vị trực thuộc đều là các đơn vị hoạt động sản xuất - kinh doanh rượu, bia tại địa bàn các tỉnh hoặc các hoạt động tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất như vận tải, bao bì.
Bên cạnh đó, Habeco duy trì quản lý vốn lưu động tốt, vòng quay vốn lưu động tăng từ 4,09 lần năm 2016 lên 5,67 lần trong 2017 và năm 2018 đạt 7,82 lần.
Giai đoạn 2017-2018, dù môi trường kinh doanh có nhiều khó khăn, nhưng vòng quay hàng tồn kho được giữ ổn định ở mức 7,7 lần, vòng quay khoản phải thu duy trì ở mức 23,7 lần. tương ứng thời gian lưu kho và phải thu bình quân lần lượt là 15 ngày và 47 ngày, phù hợp với trung bình ngành.
Trong cơ cấu tài chính, tỷ lệ nợ vay cũng liên tục giảm. Tính đến cuối quý II/2019, dư nợ vay là 485,4 tỷ đồng, giảm 116,3 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ vay trên tổng nguồn vốn an toàn ở mức 5,3%. So với cách đây 1 năm, dư nợ vay của Habeco đã giảm 344 tỷ đồng. Xu hướng giảm nợ vay đã giúp chi phí tài chính của Tổng công ty liên tục giảm, hỗ trợ lợi nhuận.
Bắt kịp sự dịch chuyển của thị trường
Từ tháng 5/2019, Habeco đã chính thức hợp tác với FPT triển khai Dự án “Giải pháp quản trị doanh nghiệp tổng thể SAP ERP”.
Hệ thống quản trị nguồn lực này được Habeco triển khai trong các lĩnh vực xương sống của hoạt động doanh nghiệp, gồm kế toán tài chính, kế toán quản trị, quản lý mua hàng, quản lý kho, báo cáo tài chính hợp nhất, tích hợp... Trong đó, có những nghiệp vụ được triển khai theo đặc thù thực tế của Habeco như tính giá thành, quản lý bán hàng và đơn hàng nhà phân phối, quản lý két chai vỏ.
Dự án khi đi vào hoạt động sẽ giúp Habeco chuẩn hóa và tự động hóa quy trình quản lý và quy trình hoạt động sản xuất - kinh doanh, từ đó giảm thiểu chi phí, tăng năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh.
Theo ông Trần Đình Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Habeco, triển khai ERP đòi hỏi phải có sự tái cơ cấu từ nội bộ tới các hoạt động ra bên ngoài, lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên Tổng công ty hiểu rõ điều đó và sẵn sàng tâm thế thay đổi để thích ứng với bối cảnh thị trường mới đang có sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ ngoại có tiềm lực tài chính mạnh, giàu kinh nghiệm và hệ thống quản trị tiên tiến.
Chuyển động tích cực ở Habeco còn thể hiện qua việc doanh nghiệp tập trung nghiên cứu thị trường, cho ra mắt các sản phẩm mới được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Đơn cử, mới đây, Habeco đã cho ra mắt cặp đôi sản phẩm Hanoi Bold và Hanoi Light mang hai phong cách cá tính riêng biệt, sản xuất từ các nguyên liệu tự nhiên với đại mạch, hoa houblon chất lượng hảo hạng, hướng đến nhóm khách hàng trẻ, mang phong cách hiện đại, trẻ trung, hoàn toàn khác biệt với những sản phẩm bia hiện có của Habeco và các hãng bia khác trên thị trường.
Bên cạnh động thái tung ra sản phẩm mới, Habeco còn thể hiện sự năng động khi triển khai nhiều hoạt động marketing, nhiều chương trình tạo ra trải nghiệm độc đáo, mới lạ cho khách hàng.
Đây là định hướng mà các tập đoàn hàng đầu thế giới nhiều năm qua vẫn theo đuổi và thành công, vì muốn có lợi nhuận bền vững, doanh nghiệp chỉ có một lộ trình: Biến đổi công nghệ nhanh chóng, tạo thêm giá trị và chất lượng, tạo nét đặc trưng cho sản phẩm.
Trong dòng chảy liên tục các hoạt động và dự án mới, thị trường đã chứng kiến diện mạo mới và cảm nhận khá rõ rệt sức sống mới từ thương hiệu Habeco khi Tổng công ty ra mắt nhận diện mới cho thương hiệu Habeco với thông điệp “Sức bật Việt Nam”.
Chiến dịch tái định vị thương hiệu này đánh dấu một bước chuyển mình toàn diện của Habeco trong chiến lược phát triển mới giai đoạn 2019 - 2021, tiếp nối các hoạt động như tái cấu trúc quản trị công tác bán hàng, đảm bảo hiệu quả từ khâu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả;
Đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng và phát triển Thương hiệu quốc gia; tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; nâng cao năng lực sản xuất tại các nhà máy của Habeco; triển khai và đưa vào vận hành hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP…
Đổi mới để duy trì vị thế và tiếp tục tạo ra giá trị cho khách hàng, cộng đồng và đất nước sẽ là nền tảng và kim chỉ nam để các doanh nghiệp dẫn đầu như Habeco tiếp tục vươn xa và thực hiện được sứ mệnh của mình.