Hạ viện Mỹ thông qua đình chỉ mức trần nợ, ngăn Chính phủ Mỹ vỡ nợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Tư (28/9), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật đình chỉ mức trần nợ khi nước này đang tiến tới một vụ vỡ nợ lần đầu tiên.
Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ.

Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ.

Theo đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật đình chỉ trần nợ trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ sít sao: 219 phiếu thuận và 212 phiếu chống.

Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết, Hạ viện sẽ “tiến tới tôn vinh trách nhiệm bảo vệ nền kinh tế Mỹ và các gia đình Mỹ khỏi thảm họa vỡ nợ bằng cách thông qua luật đình chỉ mức trần nợ”.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trong phiên điều trần trước đó đã nói với các nhà lập pháp rằng, sẽ không thể thanh toán các hóa đơn của Bộ Tài chính vào ngày 18/10. Nếu Quốc hội không đình chỉ hoặc nâng trần nợ trước thời hạn, Bộ Tài chính sẽ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ và có thể làm mất hàng triệu việc làm, gây nguy hiểm cho chính phủ và làm sụp đổ thị trường tài chính.

Tuy nhiên, dự luật có khả năng sẽ thất bại tại Thượng viện khi số lượng thượng nghị sĩ của 2 đảng là ngang nhau.

Nhiều khả năng Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật tạm thời vào ngày 29/9 để giúp chính phủ duy trì hoạt động cho tới đầu tháng 12. Sau đó, dự luật chính thức sẽ được xem xét thông qua, trước khi chuyển đến Hạ viện.

Đảng Cộng hòa đã ngăn chặn hai nỗ lực của Đảng Dân chủ để giải quyết vấn đề trần nợ công. Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà hôm 27/9 đã chặn một dự luật nhằm tài trợ cho chính phủ cho tới tháng 12 và đình chỉ mức trần nợ cho đến tháng 12/2022.

Đảng Cộng hòa muốn gắn việc tăng trần nợ với gói chi tiêu lớn của Đảng Dân chủ khi họ đưa các đề xuất đánh thuế và chi tiêu trở thành kế hoạch trọng tâm trong chiến lược bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022. Đảng Cộng hòa cho rằng, đảng Dân chủ sẽ chịu trách nhiệm nếu Mỹ vỡ nợ vì họ kiểm soát Nhà Trắng và Quốc hội.

Tuy nhiên, việc nâng trần nợ không cho phép chi tiêu trong tương lai. Mỹ sẽ không thể thanh toán các nghĩa vụ hiện tại của mình nếu họ không tăng hoặc tạm dừng giới hạn.

Theo Bộ Tài chính, Quốc hội đã nâng hoặc đình chỉ mức trần nợ 78 lần kể từ năm 1960 và gần đây nhất là vào năm 2019. Cuộc chiến năm 2011 về mức trần nợ và thâm hụt ngân sách đã góp phần khiến Standard & Poor hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ lần đầu tiên.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell đã nhiều lần cho biết, Đảng Cộng hòa sẽ ủng hộ một dự luật tài trợ của chính phủ không bao gồm việc đình chỉ mức trần nợ.

Trong khi đó, lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho đến nay vẫn khẳng định, ông sẽ không đưa dự luật đình chỉ trần nợ vào dự luật chi tiêu xã hội của Đảng Dân chủ, mà thay vào đó, dự định sẽ thông qua với biểu quyết đa số đơn giản thông qua điều chỉnh ngân sách.

Hôm 28/9, ông Schumer cho biết, Đảng Dân chủ sẽ sửa đổi nghị quyết ngân sách và là sẽ lần đầu tiên sử dụng công cụ hòa giải để làm điều đó. Hòa giải cho phép đảng Dân chủ chiếm đa số ở Quốc hội thông qua các dự luật nhất định mà không cần phiếu của Đảng Cộng hòa.

Ông cho biết, việc khởi động lại quy trình này có thể khiến đề xuất đình chỉ mức trần nợ bị sa lầy vào sự chậm trễ về thủ tục trong khi Mỹ tiến gần đến mức vỡ nợ.

“Nó rất rủi ro và có thể khiến chúng tôi vỡ nợ ngay cả khi chỉ có một thượng nghị sĩ muốn điều đó xảy ra. Vì vậy, chúng tôi không thể làm điều đó thông qua con đường này”, ông Schumer cho biết.

Tin bài liên quan