TP Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến các quận, huyện, thị xã về đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị với hai phương án.
Theo đó, phương án một là xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền, cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã. Khác với mô hình tổ chức chính quyền cơ sở hiện nay, phương án này không tổ chức HĐND ở xã, phường, thị trấn mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.
Tổ soạn thảo cho rằng, phường thuộc quận là đơn vị hành chính nội bộ đô thị, không phải một đơn vị có tính độc lập về kinh tế xã hội riêng biệt.
Trong thực tế HĐND phường hoạt động kém hiệu quả, không quyết định được những vấn đề kinh tế xã hội trên địa bàn, hoạt động giám sát mang tính hình thức.
Mặt khác, việc tồn tại HĐND tại cấp này lại làm gián đoạn, cắt khúc quản lý điều hành hành chính nhà nước, vốn đòi hỏi nhanh nhạy thống nhất và thông suốt trên địa bàn đô thị...
"Do vậy, tại xã, phường, thị trấn không cần tổ chức một cấp chính quyền đầy đủ mà tổ chức một cấp hành chính là phù hợp", tổ soạn thảo nêu.
Trước băn khoăn về việc bỏ HĐND cấp xã, phường, thị trấn sẽ ảnh hưởng đến quyền đại diện, giám sát của nhân dân, tổ soạn thảo cho biết, các quyền hạn trên không phải bỏ đi mà đã được điều chỉnh hợp lý cho UBND, HĐND quận, huyện, thị xã để có điều kiện và khả năng thực hiện tốt hơn.
Trong phương án trên, tổ chức chính quyền của thành phố về cơ bản giữ nguyên như hiện nay, gồm HĐND và UBND. Các cơ quan chuyên môn của UBND TP sẽ được quyết định theo nghị định của Chính phủ; đồng thời tiếp tục điều chỉnh các chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo giữa các sở, các nhiệm vụ còn bỏ sót chưa rõ trách nhiệm và các nhiệm vụ cần quy định.
Hà Nội đề xuất tăng cường phân cấp giữa Chính phủ, Bộ, ngành và thành phố, thêm thẩm quyền cho địa phương ở một số lĩnh vực cơ bản như: Quản lý quy hoạch, đầu tư; quản lý xây dựng, tài chính ngân sách nhà nước; đất đai; văn hoá xã hội; tổ chức bộ máy cán bộ công chức viên chức... Thành phố cho rằng, việc tăng phân cấp để Hà Nội có đủ thẩm quyền, cơ chế và chủ động quyết định các dự án kinh tế xã hội trong thời gian tới.
Tổ chức chính quyền cấp quận, huyện, thị xã trong phương án một cũng gồm HĐND và UBND. Tuy nhiên để nâng cao hiêu quả hoạt động của chính quyền, đề án đưa ra một số điều chỉnh theo hướng số lượng đại biểu của HĐND được bố trí hợp lý hơn, coi trọng chất lượng đại biểu, không nặng về cơ cấu, giảm thiểu thành viên UBND tham gia vào HĐND, tăng cường đại biểu HĐND chuyên trách.
Theo lộ trình của phương án một, việc không tổ chức HĐND phường được triển khai trước vào năm 2021; thực hiện không tổ chức HĐND ở xã, thị trấn vào năm 2023.
Với phương án hai, chủ trương tinh gọn bộ máy được đề ra mạnh mẽ hơn với việc không tổ chức HĐND ở cả cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Cụ thể, Hà Nội sẽ xây dựng mô hình tổ chức một cấp thành phố, một cấp hành chính quận, huyện thị xã và một cơ quan hành chính đại diện ở xã phường thị trấn.
Tuy nhiên ban soạn thảo cho rằng, nhược điểm của phương án này là sẽ có sự xáo trộn lớn trong bộ máy chính quyền ở hai cấp (quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn), phải điều chỉnh ban hành một số quy định pháp luật và tác động đến tâm tư những người đang công tác ở hai cấp này.
Từ những phân tích như trên, tổ soạn thảo đề nghị tổ chức thí điểm chính quyền đô thị theo phương án một.
Theo nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, chính quyền đô thị có thể được hiểu đơn giản là chính quyền ở khu vực đô thị, để phân biệt với tổ chức chính quyền nông thôn - mô hình truyền thống.
Tháng 11/2017, lãnh đạo Thành uỷ Hà Nội thông báo Bộ Chính trị đã đồng tình để Hà Nội được thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật. Thành phố dự kiến trình đề án lên Bộ Chính trị vào tháng 10/2018. Sau khi được Bộ chính trị chấp thuận, thành phố sẽ hoàn thiện đề án và đề nghị Thủ tướng chủ trì để chuẩn bị những văn bản cần thiết trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm.