Việc Hà Nội được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo là cơ hội để Thành phố phát huy các nguồn lực, nhất là nguồn lực văn hóa trong phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên, do ngân sách còn hạn chế, bản thân các nguồn lực văn hóa chủ đạo như: Di sản, làng nghề, không gian sáng tạo đều gặp nhiều khó khăn, hợp tác công - tư sẽ góp phần giải quyết vấn đề đó. Trong đó, hợp tác giữa Tập đoàn Sovico với các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam trong phát triển Hà Nội thành Thành phố sáng tạo là một điển hình.
Tập đoàn Sovico đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với 3 cơ quan của LHQ tại Việt Nam, gồm UNESCO, UNIDO (Tổ chức phát triển công nghiệp LHQ) và UN-Habitat (Chương trình Định cư con người của LHQ) xây dựng Hà Nội thành Thành phố sáng tạo được các chuyên gia đánh giá là sẽ góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc hiện nay; đồng thời, mở ra hướng đi mới trong hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo.
Bà Phạm Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sovico cho biết, thông qua hợp tác với các cơ quan của LHQ, Sovico sẽ hỗ trợ Hà Nội xây dựng Thành phố sáng tạo trên 3 lĩnh vực chính: Di sản, làng nghề và các không gian sáng tạo. Trong đó, ưu tiên lực lượng thanh niên trên địa bàn Thủ đô, những người có nhiệt huyết và trí tuệ trong xây dựng Thành phố sáng tạo.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và Chủ tịch kiêm Tông Giám đốc Tập đoàn Sovico Nguyễn Thị Phương Thảo ký kết Biên bản ghi nhớ. |
Sau khi ký kết chương trình hợp tác, các bên đã và đang triển khai một số hoạt động cụ thể như: Tổ chức Cuộc thi ảnh Hà Nội - Thành phố Thiết kế Sáng tạo; phối hợp Hanoia (không gian sáng tạo về nghệ thuật sơn mài) tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm đương đại mang tính ứng dụng cao có hàm lượng công nghệ, lấy cảm hứng từ di sản văn hóa và sử dụng chất liệu truyền thống; xây dựng mô hình thí điểm trung tâm sáng tạo trẻ để thúc đẩy hợp tác công - tư...
Là người trực tiếp tham gia xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Hà Nội vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, UNESCO đề cao hợp tác công - tư trong xây dựng, phát triển Thành phố sáng tạo. Bởi thực tế hiện nay, tư nhân đóng vai trò ngày một lớn hơn trong các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội. Thí dụ như trong cộng đồng không gian sáng tạo hiện nay, cá nhân và người dân là lực lượng tham gia chính.
Theo bà Lan Anh, hợp tác giữa Sovico và các tổ chức của LHQ trong thời gian tới sẽ tập trung cung cấp kiến thức, kỹ năng thông qua đào tạo, tạo “sân chơi” để các bạn trẻ thể hiện khả năng, nhất là thiết kế các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Những sản phẩm tốt sẽ được thương mại hóa. Đây là cách tiếp cận rất hay, hỗ trợ cho thanh niên trong lập nghiệp. Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa - sáng tạo, thì cũng cần xây dựng, đổi mới một số cơ chế, chính sách để khuyến khích họ tham gia mạnh mẽ hơn.
Tác phẩm “Hà Nội rong" của tác giả Đặng Thái Tuấn đoạt giải Nhất cuộc thi vẽ minh họa “Hà Nội là…” do UNESCO và UN-Habitat tổ chức với sự đồng hành của Tập Đoàn Sovico. |
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, chủ các không gian sáng tạo đều mong muốn được tham gia các cuộc trao đổi, đối thoại trực tiếp và cởi mở với những người làm chính sách. Họ tin rằng, chỉ từ đối thoại trực tiếp thì mới có được sự hiểu biết lẫn nhau và cơ sở cho những chính sách hợp lý và mang tính thực tiễn mới có thể được hình thành. “Đối thoại trực tiếp” nghĩa là những cuộc gặp thân mật và cởi mở giữa chủ các không gian và người làm chính sách. Những hoạt động như “hội thảo” hay “nghiên cứu/báo cáo” quá hình thức, không thực tế và không đủ “trực tiếp.
“Điều cần làm là ngồi xuống và đối thoại trực tiếp, thân mật với nhóm nhỏ những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo và tìm hiểu xem họ đang hoạt động ra sao và họ nghĩ gì. Nó giống như những cuộc trao đổi “sâu sắc”. Nghiên cứu và báo cáo chỉ có thể thu thập thông tin trên diện rộng nhưng không thể thể hiện cảm xúc của cộng đồng”, một doanh nhân trẻ, người sáng lập một không gian làm việc chung thiết kế sáng tạo tại Hà Nội cho hay.
Tác phẩm “Đầu óc trên mây" của tác giả Hà Mạnh Hiếu đạt giải Nhì cuộc thi vẽ minh họa "Hà Nội là..." |
Chủ các không gian sáng tạo cũng cho rằng, chỉ khẩu hiệu thôi không đủ, ưu đãi về thuế thực tế hơn là điều các cơ quan quản lý nhà nước có thể làm. Bởi hiện nay doanh nghiệp sáng tạo vẫn phải trả 4 loại thuế cho hoạt động thường nhật của mình: Thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, Thuế giá trị gia tăng 10%, Thuế thu nhập cá nhân và thuế môn bài.
Ngoài việc trả thuế, một đơn vị điện ảnh cho hay, doanh nghiệp còn phải trả phí thẩm định phim nếu họ muốn giới thiệu phim mới tới công chúng. Chi phí thẩm định phim ngắn khoảng 50 USD/phim. Trong một năm, trung bình đơn vị này giới thiệu khoảng 20 - 30 phim ngắn mới tới công chúng, điều này có nghĩa họ phải trả 1.000 -1.500 USD chi phí duyệt phim.
Doanh nghiệp này thấy rằng, việc trả thuế và phí như vậy là quá nhiều. Trong khi đơn vị này muốn có thể chi nhiều hơn cho những dự án phi lợi nhuận để tạo cơ hội và kỹ năng cho các bạn làm phim trẻ miễn phí.
Tác phẩm “Hanoi By Night" của tác giả Trần Phát đạt giải Nhì Cuộc thi vẽ minh họa "Hà Nội là..." |
Rất nhiều chủ không gian nói rằng, họ mong muốn được phân loại là không gian sáng tạo, một loại hình kinh doanh/tổ chức khác biệt.
“So với những loại hình kinh doanh khác, một không gian sáng tạo là rất khác biệt bởi nó tạo ra những nội dung và giá trị xã hội. Chúng tôi tạo ra sự kết nối giữa những người làm trong lĩnh vực sáng tạo và những người sử dụng sự sáng tạo, và sự kết nối với chính quyền. Chúng tôi cung cấp những không gian miễn phí cho nghệ thuật, tạo ra cộng đồng thông qua những sự kiện công cộng, chúng tôi tạo cảm hứng cho hàng ngàn người. Sẽ là không công bằng nếu chúng tôi phải trả thuế giống như những loại hình doanh nghiệp khác”, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, sáng lập Hanoi Creative City nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, quản lý Heritage Space cho rằng, Hà Nội cần phải có tư cách pháp lý chính thức cho những không gian nghệ thuật để những không gian này không phải “núp” dưới danh nghĩa một doanh nghiệp. Với tư cách chính thức, các không gian nghệ thuật sẽ có sân chơi riêng để chia sẻ và tương tác với nhiều đối tác khác nhau như các cơ quan nhà nước, các công ty, tổ chức.
“Các không gian nghệ thuật không thể là doanh nghiệp vì những hoạt động riêng biệt của nó. Các không gian nghệ thuật mang tới giá trị tinh thần cho xã hội, chứ không phải giá trị vật chất. Các không gian nghệ thuật có thể là một tổ chức phi chính phủ hoặc quỹ xã hội. Thuế của những không gian nghệ thuật cũng cần phải khác, không thể cao như những dạng kinh doanh khác. Tổ chức lại việc cấp phép/kiểm duyệt “Nếu không còn phải nộp đơn xin cấp phép nữa thì sao? Chính quyền cứ đến và kiểm tra và nếu có gì sai trái họ có thể xử phạt với những bằng chứng rõ ràng và công bằng”, ông Tuấn nói.
Để các nhà đầu tư, đặc biệt là những người trẻ quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực sáng tạo tại Hà Nội, doanh nhân Phạm Hà cho rằng, Thành phố cần có những chính sách hỗ trợ cho các start-up, những doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp vào lĩnh vực này. Bởi, khởi nghiệp sáng tạo còn rất mới, thậm chí chưa có quy định nên tính rủi ro cao.
"Thành phố Hà Nội cần tạo ra sân chơi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong 5 năm đầu không tính thuế để khuyến khích nhiều người khởi nghiệp và có nhiều sáng tạo hơn khi khởi nghiệp", doanh nhân Phạm Hà nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lux Group, Hà Nội cần tạo ra những công viên sáng tạo, không gian sáng tạo để tuyển chọn, hiện thực hóa những ý tưởng, dự án hay mà không bị tính thuế trong thời gian đầu, cho đến khi bán được sản phẩm.
Cùng với đó, cần có những quỹ đầu tư mạo hiểm của Thành phố hỗ trợ phát triển những dự án có tiềm năng, bởi người Việt Nam nói chung, đặc biệt là người Hà Nội rất sáng tạo.
Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp với những dự án mang hàm lượng chất xám cao và tính sáng tạo được đầu tư nhiều hơn, Hà Nội sẽ tạo được nền kinh tế tri thức và văn hóa sáng tạo. Điều này không chỉ thu hút nhiều người khởi nghiệp hơn, mà còn biến Thủ đô hơn ngàn năm văn hiến thực sự trở thành một Thành phố sáng tạo, “Kinh đô sáng tạo” của Đông Nam Á.
Trong khi đó, CEO 282 Design Huy Phạm cho rằng, để Hà Nội thực sự trở thành “Kinh đô sáng tạo” của Đông Nam Á, có lẽ cần bắt đầu từ việc thay đổi quan điểm, ý niệm tương sinh của các nhà quản lý. Một Thành phố sáng tạo nên bắt đầu từ việc tạo những con đường để đi bộ, đi xe đạp, tạo những công viên, khu vui chơi công cộng, mà ở đó, các bạn nhỏ có thể vui chơi và trồng thêm nhiều cây xanh. Đồng thời, phát huy tác động của giáo dục theo dạng thực hành”.
Cũng theo CEO Huy Phạm, nếu Hà Nội có những quỹ kinh tế lớn để làm những điều ý nghĩa như vậy thì không lâu sau, người dân sẽ yêu thích đi bộ, đi xe đạp; thích trồng cây; thích ra ngoài cộng đồng vận động thể thao, vui chơi, cười nói với nhau, thay vì ở nhà xem iPad, ti vi, điện thoại…
Kiến trúc sư, CEO Huy Phạm |
Hiện nay, Hà Nội có hơn 100 nhà máy, cơ sở công nghiệp đã và đang được di dời khỏi nội thành Hà Nội từ năm 2019. Trong đó có những công trình có tuổi đời hàng trăm năm với kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử xứng đáng được giữ lại làm di tích kiêm không gian văn hóa sống động.
Trên thực tế, Hà Nội đã hình thành một vài không gian sáng tạo từ các nhà máy cũ, như không gian Complex01 tại Nhà máy in Công đoàn (phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội), không gian sáng tạo 60S Thổ Quan… Tuy nhiên, số lượng các không gian sáng tạo có thể tồn tại bền vững ở Hà Nội là không nhiều.
Kiến trúc sư, doanh nhân Nguyễn Bùi Vũ, sáng lập, Giám đốc Tổ hợp Complex 01 cho rằng: “Mô hình kinh tế sáng tạo chưa được mọi người biết đến rộng rãi, kinh doanh văn hóa sáng tạo phục vụ như thế nào cho xã hội vẫn chưa thành ý niệm, chưa có hành lang pháp lý nên việc tiếp cận còn dè dặt. Từ chính quyền địa phương đến những người dân sống xung quanh khu tổ hợp nhiều khi dòm ngó, không biết chúng tôi hoạt động, vui chơi gì, có bay lắc không? Trong khi Complex 01 không đơn thuần là khu tổ hợp cho thuê mặt bằng, mà là nơi kết nối ý tưởng kinh doanh về học tập, đào tạo, vui chơi giải trí. Tạo ra môi trường vui chơi cho giới trẻ lành mạnh và vui tươi hơn”.
Nhiều hoạt động kích thích sáng tạo diễn ra tạo Tổ hợp Complex 01 |
Theo ông Nguyễn Bùi Vũ, chủ đầu tư rất khó khăn trong việc tìm mặt bằng và khu đất đủ để đáp ứng được yêu cầu để trở thành tổ hợp vì cần diện tích rộng. Thêm vào đó là sự hợp tác với đơn vị chủ quản khó khăn. Điều khoản, thời hạn hợp tác hạn chế. Chưa được các cấp quản lý, địa phương đánh giá, quan tâm và hỗ trợ đúng mức. Hành lang pháp lý chưa hậu thuẫn cho hoạt động văn hóa nghệ thuật sáng tạo. Chưa có những hướng dẫn cụ thể về thi hành, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật sáng tạo.
“Vì chưa có một định nghĩa pháp lý rõ ràng nên việc tiếp cận các chế tài hỗ trợ từ các nguồn khác nhau gặp khó khăn. Khó khăn chung và cũng là khó khăn lớn nhất chính là Complex 01 được sinh ra trong thời buổi bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Không có nguồn hỗ trợ nên việc kinh doanh và duy trì vận hành đều ở mức tối thiểu, khiến cả Complex 01 và các cá thể góp phần tại đây gặp trở ngại rất lớn trong việc duy trì sức sống”, doanh nhân Nguyễn Bùi Vũ chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc quảng bá Tổ hợp Complex 01 ra bên ngoài thị trường ở mức độ dè dặt, vì không biết có được ủng hộ không. Trong khi Thái Lan hay Indonesia, Philippines có chính sách hỗ trợ rất tốt nên các không gian sáng tạo ở những quốc gia này quảng bá rất rầm rộ.
Đặc biệt ở Thái Lan, kinh doanh sáng tạo được chính quyền cấp đất, hướng dẫn kiến trúc, quy hoạch, hướng dẫn đầy đủ và cấp vốn. Còn Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng chưa có những hỗ trợ đó. Thế nên, riêng làm các loại thủ tục giấy tờ để được phép hoạt động, đội ngũ Complex 01 phải mất tới 9 tháng.
“Hy vọng, Chính phủ và Thành phố Hà Nội nhận ra kinh doanh văn hóa, sáng tạo trở thành động lực lớn cho giới trẻ khởi nghiệp. Bởi, đất nước ta đang trong quá trình phát triển, khởi nghiệp cần năng lượng mới, năng lượng đổi mới sáng tạo từ giới trẻ và phát huy được nguồn lực đó để hội nhập với thế giới”, doanh nhân Nguyễn Bùi Vũ nói mong mỏi.
Ở Việt Nam, tôi thấy có nhiều cái rất đáng tiếc, rất muốn làm mà không sao làm được. Tất cả các thành phố nổi tiếng trên thế giới: Venice (Ý), St. Peterburg (Nga), London (Anh), Paris (Pháp), Amsterdam (Hà Lan), Thượng Hải, Phượng Hoàng (Trung Quốc), Vienna (Áo), Bangkok (Thái Lan), Bruges (Bỉ), Stockholm (Thụy Điển)… đều lấy sông, hồ làm trung tâm, riêng Việt Nam gần như quay lưng lại với sông, hồ.
Tôi luôn mơ ước cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền ở sông Hồng, từ Hà Nội đi Hạ Long hay đi Hưng Yên - Thái Bình, ngược lên Phú Thọ…; trên hành trình ấy ngắm những cây cầu vắt qua 2 thế kỷ như: Long Biên, Thăng Long; nghe những câu chuyện dời đô ngàn năm trước, nhớ về cội nguồn từ thủa các vua Hùng… Hay những nơi thật êm đềm, sang trọng ở Hồ Tây, ngắm hoàng hôn rơi theo tiếng chuông chùa Trấn Vũ. Tôi chờ mãi chưa thấy Hà Nội có chủ trương kêu gọi đầu tư, xây dựng những bến du thuyền, nơi ngắm cảnh ở Hồ Tây. Nếu có, tôi sẽ là người đầu tiên đầu tư vào Hồ Tây.
Hà Nội là thủ đô, là trái tim của Việt Nam. Công nghiệp sáng tạo phát triển sẽ không chỉ đem lại giá trị cho Hà Nội, mà đem lại giá trị cho cả Việt Nam.
Hà Nội có nhiều lợi thế lắm! Có đầy đủ sự đa dạng và đậm đà trong văn hóa truyền thống, từ công trình kiến trúc, di tích lịch sử, thủ công mỹ nghệ, đến các di sản văn hóa phi vật thể như: Ca trù, các lễ hội… Có những trung tâm nghệ thuật biểu diễn hàng đầu, những nghệ sỹ hàng đầu của đất nước…
Về công nghệ, Hà Nội và TP.HCM là hai trung tâm công nghệ không chỉ của Việt Nam, mà đã ghi dấu vị thế trên trường quốc tế. Từ nhiều năm nay, Hà Nội luôn lọt Top 20 những thành phố hấp dẫn nhất về dịch vụ ủy thác phần mềm thế giới (Theo báo cáo của AT Keaney). Khoảng gần 50% doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang đặt trụ sở tại Hà Nội. Đây là những điểm mạnh, những lợi thế vô cùng lớn của Hà Nội.
Để sáng tạo là một ngành công nghiệp quan trọng có khả năng đem lại nguồn thu lớn, Hà Nội cần có những chính sách, bước đi bài bản về thúc đẩy chuyển đổi số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng, bảo tồn, quảng bá những sản phẩm sáng tạo hiện có. Đồng thời, phát triển nhiều sản phẩm sáng tạo mới dựa trên nền tảng công nghệ.
Đơn cử như thúc đẩy trải nghiệm công trình kiến trúc, di tích lịch sử bằng công nghệ thực tế ảo (ở các tỉnh, thành du lịch đang làm nhiều, như Huế, Đà Nẵng...); xây dựng các nền tảng bảo tồn, quảng bá lễ hội, sáng tác…
Thành phố cần nghiên cứu tạo lập những dự án chuyển đổi số cụ thể trong lĩnh vực sáng tạo, xây dựng những chương trình kết nối giữa doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp tổ chức quản lý, bảo tồn văn hóa để có những bước đi nhanh chóng và cụ thể. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực công nghệ, nhân lực để triển khai những dự án này.
Hà Nội như một “thực thể sống” giàu xúc cảm, quyến rũ đến mê mẩn. Ngay từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, Thăng Long - Hà Nội đã là nơi hội tụ sáng tạo. Hơn ngàn năm qua, vòng quay sáng tạo khổng lồ, căng đầy nhựa sống ngày càng chuyển động mạnh mẽ. Ngay cả khi đại dịch Covid-19 hoành hành, những nhà máy cũ vẫn được thổi hồn thành không gian sáng tạo, những tour đêm mê hoặc du khách vẫn ra đời, tới đây Nghị quyết phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 và tầm nhìn đến 2045 cũng sẽ được Thành ủy Hà Nội ban hành.
Dòng chảy sáng tạo vô tận, đêm ngày chuyển hóa “nguồn lực mềm” văn hóa thành “sức mạnh mềm” và không ngừng “vốn hóa” những hằng số xuyên thời gian ấy thành nguồn lực đầu vào cho tăng trưởng kinh tế, tạo nên lợi thế cạnh tranh đô thị, với tầm nhìn trở thành “Kinh đô sáng tạo” của Đông Nam Á.
Hà Nội đã và đang tiếp nối truyền thống văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, nguồn lực sáng tạo được hun đúc từ hơn nghìn năm qua để khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, trở thành điểm đến của tri thức và sáng tạo.
Những động lực giúp Hà Nội trở thành “Kinh đô sáng tạo” của Đông Nam Á, chúng tôi chắt chiu qua hàng ngàn trang tài liệu, hàng trăm giờ trò chuyện với các chuyên gia, nhà quản lý, nhà văn hóa, những người làm nghệ thuật, những doanh nhân và cả người dân bình thường của Thủ đô có lẽ chưa thật đủ đầy.
Nhưng tin rằng, những động lực đó sẽ mang sức sống mới cho nền kinh tế Hà thành vốn chịu nhiều tổn thương vì cơn “đại hồng thủy” Covid-19. Và cốt cách, vị thế, tầm vóc của Thủ đô Hà Nội giàu văn hóa, sáng tạo sẽ không ngừng vươn cao và tỏa sáng.
(Hết) |