Hà Nội - Thành phố ngàn năm sáng tạo (Bài 4): Điểm đến của tri thức và sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội phát huy mạnh mẽ tiềm năng, nguồn lực sáng tạo được hun đúc từ hơn ngàn năm qua để khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, trở thành điểm đến của tri thức và sáng tạo.

Mục tiêu lớn của Hà Nội trong tương lai gần là sẽ trở thành “Kinh đô sáng tạo” của khu vực Đông Nam Á, góp phần đưa vùng đất kinh kỳ trở thành một trong những “điểm sáng” văn hóa của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tạo tiền đề thúc đẩy các thành phố khác của Việt Nam, như TP.HCM, Đà Nẵng, Huế… tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của mạng lưới.

Với tinh thần đó, Hà Nội đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025, xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.

“Thành phố vì hòa bình” định hướng đến năm 2030, Hà Nội trở thành Thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh trong khu vực và trên trường quốc tế. Tầm nhìn phát triển đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội xác định, 3 trụ cột chính, nhóm giải pháp hiện thực hóa tầm nhìn “Kinh đô sáng tạo” của Đông Nam Á, bao gồm: Tái tạo, phát triển đô thị trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng; Mạng lưới giáo dục sáng tạo với ưu tiên cho nghệ thuật và khoa học; và hệ thống chuỗi tổng thể các sự kiện, hội chợ, triển lãm và lễ hội văn hóa cũng như việc xây dựng và quảng bá thương hiệu Thành phố sáng tạo.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong

Theo ông Lê Hoài Trung, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, để đạt được các mục tiêu đề ra, điều quan trọng đầu tiên là nhận thức đầy đủ của các cấp, các ngành và người dân Hà Nội về ý nghĩa của danh hiệu, tạo đồng thuận trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch cụ thể.

“Thành phố sáng tạo không chỉ là tầm nhìn, chiến lược, mà phải là một trong những nền tảng để Hà Nội xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển khác. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các nguồn nhân lực và vật lực phù hợp cho “Thành phố sáng tạo” cũng rất quan trọng, mặc dù đầu tư cho văn hóa và sáng tạo luôn tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian”, ông Lê Hoài Chung nói.

Ngoài ra, một trong những đóng góp cho thành công trong việc phát huy danh hiệu “Thành phố sáng tạo” là sự tham gia của các cơ quan liên quan của Thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cũng như của các chủ thể trong xã hội.

Đại sứ Thuỵ Điển, ngài Ann Mawe bày tỏ ấn tượng với tầm nhìn của Hà Nội - Thành phố sáng tạo. Ông cho rằng: “Thành phố Hà Nội hiện có cơ hội phát triển dựa trên bề dày lịch sử và bản sắc độc đáo của mình. Sáng tạo cũng là một trụ cột trong quy hoạch của Thành phố. Không gian sáng tạo như bảo tàng, thư viện và khu vực nghệ thuật công cộng được quan tâm vì nhu cầu rất lớn. Các kiến trúc sư, nghệ sĩ và thợ thủ công cũng có khả năng đóng góp vào thiết kế sáng tạo và bền vững của Thành phố. Sự tham gia tích cực của người dân sống và làm việc tại các thành phố từ phụ nữ, nam giới, trẻ em, người già và cả các công dân mới nhập cư cũng là một phần quan trọng của quy hoạch"...

Du khách quốc tế trải nghiệm tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (ảnh chụp trước khi xuất hiện dịch Covid-19)

Du khách quốc tế trải nghiệm tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (ảnh chụp trước khi xuất hiện dịch Covid-19)

Ở góc độ quản lý ngành du lịch, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, TS. Hà Văn Siêu chia sẻ, đầu tư vào công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo có thể phải bỏ “tiền tấn”, nhưng thu về “tiền lẻ” trong thời gian dài, nên các nhà đầu tư hiện chưa mặn mà.

Hà Nội muốn thu hút đầu tư vào công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, trước tiên cần tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, các công trình phục vụ dân sinh và tạo thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa.

“Thành phố cần sớm hoàn thiện, ban hành Đề án quy hoạch, bố trí quỹ đất, đầu tư cho các dự án phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn… Đồng thời, xây dựng các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng”, TS. Hà Văn Siêu nói.

Bên cạnh đó, TS. Hà Văn Siêu cho rằng, Thành phố Hà Nội cần kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực thế mạnh.

Cũng theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Nhà nước cần ban hành những chính sách cụ thể, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, tạo mối liên kết thị trường về ngành nghề và khu vực, xây dựng thương hiệu quốc gia cho các ngành công nghiệp văn hóa; đa dạng hóa các mô hình đầu tư, đặc biệt mô hình hợp tác công tư (PPP); khuyến khích hình thành và phát triển các loại quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ, quỹ giải thưởng trong lĩnh vực văn hóa.

Show diễn hoành tráng "Tinh hoa Bắc Bộ"

Show diễn hoành tráng "Tinh hoa Bắc Bộ"

“Đặc biệt, cần tạo môi trường, điều kiện cho phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo nhằm khai thác, phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của từng địa phương gắn với phát triển du lịch. Từ đó, tăng giá trị kinh tế, đồng thời quảng bá hình ảnh con người, đất nước và văn hóa Việt Nam”, TS. Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Hơn thế, Hà Nội cần có chiến lược đào tạo đội ngũ kế cận có trình độ chuyên môn cao, am hiểu về công nghiệp sáng tạo và biết áp dụng khoa học công nghệ. Đẩy mạnh đổi mới và áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng của dịch vụ văn hóa. Đặc biệt, cần xây dựng và phát triển các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam, tại các sự kiện quốc tế.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã chính thức được khởi công xây dựng tại Hà Nội, mở ra cơ hội to lớn để Việt Nam nới chung, Thủ đô nói riêng bước lên "con tàu" 4.0.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã chính thức được khởi công xây dựng tại Hà Nội, mở ra cơ hội to lớn để Việt Nam nới chung, Thủ đô nói riêng bước lên "con tàu" 4.0.

Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược để phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đây chính là động lực phát triển mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế - xã hội Thủ đô.

Với vai trò là cơ quan thường trực Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ đã bám sát chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và Ban Chỉ đạo chương trình tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình.

Song song đó, Sở Khoa học và Công nghệ cũng xây dựng các đề án, dự án, chuyên đề, chương trình công tác để cụ thể hóa việc thực hiện có trọng tâm, trọng điểm..., bảo đảm hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình, tạo nền tảng, có tính kế thừa cho việc tiếp tục triển khai ở những giai đoạn tiếp theo.

Bám sát Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền thành phố, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân.

Chương trình chuyển đổi số lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm; ưu tiên chuyển đổi số ở những ngành, lĩnh vực tạo thế và lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chương trình cũng nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực vươn ra toàn cầu.

Chương trình xác định 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, gồm: Chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng và nền tảng số; thông tin và dữ liệu số; hoạt động chuyển đổi số; an toàn, an ninh mạng; đào tạo và phát triển nhân lực. Đồng thời, đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) chiếm khoảng 30%; tốc độ tăng năng suất lao động từ 7% đến 7,5%; hoàn thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố...

Thiết kế và sáng tạo là hai mặt gắn kết chặt chẽ với nhau. Có sáng tạo thì mới tạo nên sản phẩm mới, một đòi hỏi tất yếu trong lao động nghệ thuật. Và sản phẩm có thể tồn tại lâu dài với đời sống hay không, điều đó phụ thuộc rất lớn vào kết quả của quá trình thiết kế sáng tạo.

Hiện nay, việc phát động cuộc thi hay phát động phong trào đổi mới sáng tạo là vô cùng cần thiết, vì qua đó cộng đồng sẽ hiểu thêm về giá trị sản phẩm do các nghệ sĩ tạo ra cả về mặt ứng dụng và giá trị nghệ thuật.

Hà Nội có bề dày văn hóa ấn tượng so với các đô thị khác của Việt Nam. Thủ đô còn tự hào có một hệ thống làng nghề thủ công, các nghệ nhân tài giỏi. Hà Nội cũng có nhiều điều kiện thuận lợi khác cho sáng tạo. Tuy nhiên, các nhà thiết kế và nghệ nhân chưa gặp được nhau nên chưa tạo ra nhiều sản phẩm giá trị tương xứng với tiềm năng lớn này.

Do đó, tạo môi trường để hai bên tương tác, hiện thực hóa những ý tưởng thiết kế, tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng trong đời sống là việc hết sức cần thiết. Cá nhân tôi cũng như quận Hoàn Kiếm luôn trân trọng và tạo điều kiện tốt nhất để các nghệ sĩ sáng tạo.

Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) luôn ý thức rõ vinh dự và trách nhiệm của mình khi là đơn vị phối hợp cùng UBND Thành phố Hà Nội trong quá trình đề xuất phương án, xây dựng hồ sơ đăng ký Hà Nội là Thành phố thiết kế thuộc Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO (UCNN).

2 năm qua, kể từ khi Hà Nội chính thức gia nhập UCNN ở lĩnh vực thiết kế, VICAS vẫn tiếp tục phối hợp cùng thành phố trong nhiều hoạt động nghiên cứu, trao đổi, kết nối nhằm khơi dậy năng lực sáng tạo trong đời sống văn hóa, xã hội của Thủ đô.

Việc tổ chức thành công hội thảo “Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển Thành phố sáng tạo của Thủ đô Hà Nội”, “Tuần lễ thiết kế Việt Nam 2020” cũng như các triển lãm, các hoạt động sáng tạo khác ở Hà Nội trong thời gian gần đây đã cho thấy vai trò của VICAS trong việc hiện thực hóa các cam kết của Hà Nội khi trở thành Thành phố sáng tạo trong mạng lưới UCNN.

Trong thời gian tới, Hà Nội cần hoàn thiện báo cáo định kỳ lần thứ nhất về việc đánh giá hiệu quả triển khai chương trình hành động gồm 3 sáng kiến địa phương và 3 sáng kiến cấp quốc tế như đã cam kết với UCNN. Sự cam kết này cũng chính là cơ hội để Hà Nội thể hiện quyết tâm và những bước đi có tính đột phá về việc sử dụng thiết kế như một giải pháp căn cốt để thành phố phát triển và hội nhập quốc tế theo hướng bền vững.

Hy vọng Hà Nội sẽ có nhiều hơn các giải pháp ưu tiên để tạo ra các sân chơi sáng tạo, các diễn đàn sáng tạo, các cuộc thi sáng tạo và kết nối các không gian sáng tạo. Tôi tin rằng sự cởi mở, tính thực tế, quyết tâm đổi mới của chính quyền sẽ góp phần tạo môi trường có khả năng giải phóng, kích thích sự sáng tạo trong cộng đồng, đặc biệt là lớp trẻ, những người luôn mang trong mình khát vọng sử dụng thiết kế như một giải pháp nhằm kiến tạo Hà Nội xanh - sạch - đẹp và hội nhập mạnh mẽ hơn.

Để Hà Nội đạt được thành công trong quá trình tạo ra các sản phẩm, dự án văn hóa, sáng tạo lớn, UNESCO tin tưởng vào sự cần thiết của những quan hệ đối tác vững mạnh. Trước hết, thành phố cần thúc đẩy, khuyến khích và tạo điều kiện cho các mối quan hệ đối tác giữa các thiết chế văn hóa đặc sắc trên địa bàn, chẳng hạn, giữa các điểm đến di sản, di tích văn hóa lịch sử, làng nghề với các đối tác công - tư trong lĩnh vực công nghiệp nội dung, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa… để hình thành các sản phẩm chất lượng, có dấu ấn tại các không gian văn hóa đặc sắc của Hà Nội.

Đồng thời, với vai trò là một thành phố - Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, cùng với Singapore và Bangkok, Hà Nội có lợi thế trong việc tổ chức và trở thành điểm đến cho các diễn đàn, sự kiện khu vực và quốc tế, thúc đẩy những sự hợp tác mang tầm quốc tế với các thành phố khác trên thế giới.

Thêm vào đó, Thủ đô cũng là nơi tập trung mật độ cao lực lượng thanh niên giàu năng lượng, trình độ và kỹ năng - họ cần được đặt vào trung tâm của chiến lược phát triển này. Bởi họ, với sức trẻ và sự sáng tạo của mình, sẽ là nòng cốt hiện thực hóa những ‎ý‎ tưởng và tầm nhìn của thành phố.

Là đối tác tin cậy của Chính phủ Việt Nam cũng như thành phố Hà Nội, UNESCO luôn cam kết đồng hành cùng Thủ đô trong các chương tình văn hóa. Hiện nay, UNESCO đang thực hiện dự án “Hà Nội Rethink” cùng với đối tác là Chương trình Nhân cư Liên hợp quốc UN Habitat và Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc Unido với sự hỗ trợ của Tập đoàn Sovico tại Việt Nam để hỗ trợ Hà Nội trong việc thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững, xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô Sáng tạo.

Năm 2021 được Liên hợp quốc chọn là năm toàn cầu về kinh tế sáng tạo vì phát triển bền vững. Chúng tôi tin rằng Đề án phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố Hà Nội sẽ đóng góp đáng kể trong việc phục hồi của thành phố, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, văn hóa và các ngành sáng tạo thời kỳ hậu Covid-19.

Vào ngày 30/10/2019, 20 năm sau khi được UNESCO công nhận là Thành phố vì Hòa bình, Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam được UNESCO chính thức công nhận là Thành phố sáng tạo, tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo trên toàn cầu.

Hà Nội - Thành phố sáng tạo là một câu chuyện mới trong giai đoạn mới, đại diện cho một thương hiệu và hình ảnh của Hà Nội và đất nước, đó là hướng tới tương lai, hướng tới hòa nhập và phát triển bền vững.

Danh hiệu này là sự tiếp nối với truyền thống, được xây dựng dựa trên di sản và các nguồn lực của một Thủ đô văn hóa, một “Thành phố vì hòa bình” và phát huy nguồn năng lượng sáng tạo của giới trẻ Thủ đô hôm nay. Tất cả tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của Hà Nội.

Mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan