Hà Nội - Thành phố ngàn năm sáng tạo (Bài 3): Vươn tầm “Kinh đô sáng tạo” của Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
Sự sáng tạo không ngừng nghỉ đã chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm, thành nguồn lực quan trong để Hà Nội hướng đến Kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.

Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa dân tộc, “Thủ đô nghìn năm văn hiến”, “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”; “Thành phố Sáng tạo”, Hà Nội đã và đang hội tụ đầy đủ nhất tiềm năng, lợi thế từ kho tàng di sản văn hóa to lớn và phong phú; nguồn lực “dân số vàng” (trên 51,7% dân số trẻ) cùng tiến trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ để phát triển.

Hà Nội tự hào về nguồn lực văn hóa, nguồn lực sáng tạo được hun đúc, phát triển từ hơn ngàn năm lịch sử, với 5.922 di tích, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 3 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới, 19 di tích quốc gia đặc biệt và trên 1.000 di tích cấp quốc gia.

Trưng bày hố khai quật khảo cổ sau Đoan Môn và không gian dãy nhà Cục Tác Chiến trong Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Trưng bày hố khai quật khảo cổ sau Đoan Môn và không gian dãy nhà Cục Tác Chiến trong Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Đặc biệt, trong số khoảng 5.400 làng nghề ở Việt Nam, riêng Hà Nội chiếm 1/3 với khoảng 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu.

Thủ đô còn sở hữu nguồn lực mềm đa dạng hiếm có, với 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 42 bảo tàng, 83 thư viện, 48 trường đại học, 18 nhà hát, 43 rạp chiếu phim…

Hà Nội cũng không thiếu nguồn lực để tạo thương hiệu riêng với 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; 115 không gian sáng tạo đa lĩnh vực...

Năm 2011, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Năm 2011, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Còn về bề dày lịch sử, Hà Nội là vùng đất hội nhập và hội tụ những giá trị văn hóa. Hà Nội - trung tâm lớn về văn hóa của cả nước, là miền đất, thị trường lý tưởng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là sản phẩm giáo dục văn hóa dựa trên di sản, làm động lực thổi bùng lên ngọn lửa của sức sáng tạo và đổi mới đối với cộng đồng sáng tạo của Thủ đô và cả nước.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội hội tụ nhiều trường văn hóa - nghệ thuật, trong đó có Đại học Mỹ thuật Việt Nam có gần 100 năm truyền thống, hay các ngành nghệ thuật mới của Đại học FPT, RMIT… đã có những thương hiệu, dấu ấn riêng của mình, cùng những tên tuổi của các nghệ sĩ với những bộ phim, bài hát, dòng tranh riêng cho Hà Nội.

Hà Nội hiện có 115 không gian sáng tạo đa lĩnh vực

Hà Nội hiện có 115 không gian sáng tạo đa lĩnh vực

Những không gian sáng tạo được thử nghiệm với Manzi, Nhà sàn Collective… hay một số chương trình nghệ thuật, sáng tạo, dưới sự hỗ trợ của đại sứ quán nhiều nước tại Việt Nam như Đức, Pháp, Anh… đã giúp tạo ra những môi trường sáng tạo cho Thành phố.

Hà Nội quả là “mảnh đất màu mỡ” để làm những chiếc “tổ đại bàng”.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc xây dựng danh hiệu Thành phố sáng tạo sẽ truyền cảm hứng, định hướng các hoạt động, lĩnh vực khác, cả kinh tế, chính trị, xã hội, công nghệ... Chính sự sáng tạo sẽ “vốn hóa” sức mạnh mềm thành nguồn lực đầu vào cho tăng trưởng kinh tế để phát triển bền vững.

Minh chứng là năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (chiếm 3,7% GRDP của Hà Nội). Trong đó, giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,49% GRDP của thành phố. Giá trị kinh tế tuy chưa cao, nhưng đây thực sự là tiền đề mở ra nhiều triển vọng trong thu hút đầu tư khi Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo.

Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu

Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu

Trong tổng số 10.020 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thiết kế sáng tạo trên địa bàn Thủ đô, có tới 2.764 doanh nghiệp thiết kế, 270 doanh nghiệp nghệ thuật, 380 doanh nghiệp văn hóa và 1.436 doanh nghiệp thời trang.

Đặc biệt, người Hà Nội luôn được biết đến như những cá nhân linh hoạt, cởi mở và sẵn sàng đón nhận ý tưởng mới. Trong những lúc khó khăn, thử thách vẫn không ngừng góp phần tích cực chuyển hóa thành “sức mạnh mềm” của Thủ đô, tạo sức thuyết phục, thu hút đối với bạn bè quốc tế.

Sau khi gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo vào tháng 10/2019, mặc dù bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn sự phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội vẫn tích cực thể hiện cam kết của mình qua nhiều hoạt động phong phú.

Trong đó, có thể kể đến một số hoạt động như: Công bố chính thức trên trang web của UNESCO về việc gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo; tổ chức thành công cuộc thi thiết kế Km0; ký hợp tác chiến lược với Tập đoàn Sovico về dự án phát huy nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên vì Hà Nội - Thủ đô sáng tạo; thành lập Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội; chuỗi chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo Hà Nội.

Đặc biệt, Hà Nội cam kết thực hiện 3 dự án mang tầm quốc tế gồm: Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội; Chương trình Tuần lễ thiết kế sáng tạo Hà Nội; hình thành mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ.

Thiết kế “Cổng ánh sáng” của nhóm tác giả Phạm Trung Hiếu, Phạm Thái Bình, Vũ Bình Minh, Phạm Huy Đông, Nguyễn Đăng Hải (Hà Nội) đã được trao giải nhất thi thiết kế mẫu cột mốc Km 0

Thiết kế “Cổng ánh sáng” của nhóm tác giả Phạm Trung Hiếu, Phạm Thái Bình, Vũ Bình Minh, Phạm Huy Đông, Nguyễn Đăng Hải (Hà Nội) đã được trao giải nhất thi thiết kế mẫu cột mốc Km 0

Bên cạnh đó, những nhà sáng lập các không gian sáng tạo trên địa bàn Thủ đô đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, tạo ra sức sống mới mẻ cho đời sống văn hóa Hà thành.

Đơn cử, trong năm 2020, không gian sáng tạo “Ơ Kìa Hà Nội!” đã tổ chức hơn 200 hoạt động. Hay VICAS Art Studio - trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức trưng bày nghệ thuật theo các chủ đề khác nhau như: “Rác Xuân”, “Qua miền Tây Bắc”, “Hư hư thực thực”, “Mãi yêu”, “Vòng xoáy của sự im lặng”… mang ý nghĩa xã hội, giúp xây dựng thương hiệu cho nghệ sĩ, kết nối nghệ sĩ với thị trường và khán giả. Tất cả có một điểm chung là truyền cảm hứng sáng tạo và sự chia sẻ tình cảm trong cộng đồng.

Một số trưng bày nghệ thuật tại VICAS Art Studio

Một số trưng bày nghệ thuật tại VICAS Art Studio

Triển lãm “Lộ” được sắp đặt trong không gian của một nhà máy cũ ở Gia Lâm, Hà Nội cũng ra đời trong những ngày Covid-19 hoành hành. Bao trùm nơi đây là sự đan xen, hòa quyện giữa các loại hình nghệ thuật gồm kiến trúc, âm nhạc, múa, hội họa.

“Chúng tôi tận dụng hệ thống nhà xưởng và tất cả mọi thứ còn lại, rồi cấy thêm các chi tiết để trở thành không gian biến đổi mang tên “Lộ”, khiến người xem có cảm giác ở đây không còn là một nhà máy cũ đơn thuần nữa. Sau đó chúng tôi kết hợp các hoạt động thường xuyên và định kỳ, thậm chí biến đổi hình thức triển lãm, đó chính là sáng tạo”, kiến trúc sư Nhâm Chí Kiên (nhóm kiến trúc sư WEPLAY), thành viên Ban tổ chức triển lãm “Lộ” bật mí.

Nghệ thuật kiến trúc hòa quyện trong triển lãm "Lộ"

Nghệ thuật kiến trúc hòa quyện trong triển lãm "Lộ"

Trong khi đó, hồi tháng 7 vừa qua, họa sĩ Vũ Thái Bình gửi gắm tình yêu nghệ thuật vào trưng bày những tác phẩm mỹ thuật được làm từ chất liệu giấy dó “Dó Space” (không gian Dó) để lại dấu ấn sâu đậm với người xem.

Cũng trong năm 2020, Covid-19 “làm mưa làm gió”, song lại là một năm thăng hoa của Nghệ nhân Ưu tú, doanh nhân Trần Nam Trước (làng gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội). Nếu như thường niên, ông sáng tác khoảng 300 – 500 tác phẩm mới, thì “năm Covid-19 lần thứ nhất”, nghệ nhân tài hoa sáng tác hơn 1.000 mẫu sản phẩm mới, đồng thời xuất khẩu hơn 500 pho tượng sang thị trường châu Âu.

Cùng với Nghệ nhân Ưu tú Trần Nam Tước, Khát vọng thắp sáng dòng Hồng giang cũng đang nhen nhóm ở khu vực bãi bồi thuộc phường Phúc Tân (Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) nơi kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh (“cha đẻ” của những không gian sáng tạo đình đám một thời như Zone 9 hay khu sáng tạo Hanoi Creative Hub đang hoạt động hiệu quả) cùng các cộng sự ấp ủ ước mơ tạo không gian sáng tạo đủ tầm cỡ cho Hà Nội mang tên “Quận kiến trúc sông Hồng”, quy mô 50.000m2.

“Không gian này tựa một chiếc “tổ” lớn, quy tụ những người yêu mến, gắn bó và hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật. Đây cũng là nơi hội tụ, giao thoa, sản sinh ra những ý tưởng sáng tạo và cũng là không gian thưởng lãm nghệ thuật, vui chơi giải trí dành cho tất cả mọi người”, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh bật mí. Đề án “Quận nghệ thuật sông Hồng” đã đạt Giải Nhất, tại hạng mục Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống, Cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội hồi tháng 9 vừa qua.

Phân khu đô thị sông Hồng sắp phê duyệt đi qua địa bàn quận Hoàn Kiếm có diện tích khoảng hơn 1.760.216 m2 (tính cả mặt nước sông Hồng)

Phân khu đô thị sông Hồng sắp phê duyệt đi qua địa bàn quận Hoàn Kiếm có diện tích khoảng hơn 1.760.216 m2 (tính cả mặt nước sông Hồng)

Những “đốm lửa” kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh hay các nghệ nhân, doanh nhân đang nhen lên mở ra kỳ vọng mới về sự trở lại nhộn nhịp của ngành kinh tế sáng tạo tại Thủ đô sau đại dịch.

Tư duy phát triển sản phẩm văn hóa để mang về giá trị kinh tế lớn đã và đang trỗi dậy trong lớp người trẻ và cả lớp người biết nhanh nhạy đón làn sóng phát triển đầy tiềm năng của thế giới để tìm hướng đi riêng, định hình bản sắc của mình. Từ đó, tạo nên bức tranh Hà Nội thanh lịch, văn minh, trẻ trung, hiện đại và giàu sáng tạo, một thành viên tích cực trong các hoạt động hợp tác quốc tế.

Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, GRDP Thủ đô tăng 6,67%/năm. Trong 2 năm 2018 - 2019, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Số doanh nghiệp mới thành lập tăng cao cả về số lượng và vốn đăng ký.

Năm 2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của Thủ đô đạt 416.150 tỷ đồng; lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 đạt 1,725 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015, bằng 39,10% GRDP. Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách với trên 2.850 dự án, vốn đăng ký trên 1,6 triệu tỷ đồng. Vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011 - 2015.

Mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng kinh tế Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng. 9 tháng đầu năm 2021, GRDP tăng được 1,28% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội đạt 1,28 tỷ USD. Hà Nội là địa phương đứng thứ 3 toàn quốc về tổng vốn đầu tư nước ngoài.

Trong cuộc cách mạng 4.0, việc số hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Tại Hà Nội, việc chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực đã có bước phát triển đáng kể. Đặc biệt trong khoảng thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng loạt các tổ chức, cá nhân được thực hiện số hóa các triển lãm thông qua Internet thu hút được nhiều công chúng tương tác.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những đơn vị lớn đi tiên phong trong tổ chức triển lãm trực tuyến với nhiều hoạt động thường xuyên kể từ năm 2020. Nhiều triển lãm online đã được tổ chức tại Bảo tàng như triển lãm giới thiệu Chùm tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc về đề tài kháng chiến chống Mỹ (dịp 30-4-2020), triển lãm “Mạch nối” nhân dịp kỷ niệm 55 ngày thành lập Bảo tàng (24-6-2021) hay mới đây nhất là triển lãm mỹ thuật “Con đường độc lập” nhân kỷ niệm Quốc khánh 2/9.

Triển lãm trực tuyến "Mạch nối"

Triển lãm trực tuyến "Mạch nối"

Mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam gây bất ngờ lớn với việc ra mắt tour trực tuyến 3D, được tích hợp trên website của Bảo tàng (vnfam.vn) sau một thời gian thử nghiệm.

Chỉ bằng những cú click chuột, công chúng đã có thể trải nghiệm không gian bảo tàng như thực, chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm quý, lắng nghe thuyết minh sinh động... thông qua công nghệ 3D. Bên cạnh đó, 100 hiện vật tiêu biểu được giới thiệu trong ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA cũng được liên kết với trưng bày trực tuyến 3D tour, được gắn biểu tượng nổi bật giúp du khách dễ dàng nhận ra.

Bảo tàng còn dụng công đặc biệt trong việc xây dựng video với hình ảnh và câu chuyện sinh động, giới thiệu 2 bảo vật quốc gia: Tượng Phật bà Quan Âm và tác phẩm tranh sơn mài “Bình phong” của danh họa Nguyễn Gia Trí, giúp du khách tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp và cảm nhận giá trị lịch sử, nghệ thuật của những kiệt tác này.

Tour trực tuyến 3D của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam gây ấn tượng mạnh

Tour trực tuyến 3D của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam gây ấn tượng mạnh

Triển lãm trực tuyến cũng được tổ chức thường xuyên ở nhiều đơn vị khác. Chẳng hạn, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Italia tại Hà Nội vừa giới thiệu hai triển lãm ảnh online “Italian Routes - Phong cảnh núi, leo núi, biến đổi khí hậu” và “Phong cảnh Việt Nam - Đa dạng sinh thái, biến đổi khí hậu, khám phá mới”, giúp công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng nét đặc trưng của thiên nhiên và phong cảnh tuyệt đẹp của Italia và Việt Nam ngay tại nhà.

Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phát động chương trình triển lãm ảnh online với chủ đề “Những khoảnh khắc từ trái tim”. Cùng với đó là triển lãm, hòa nhạc trực tuyến do các trung tâm nghệ thuật tổ chức như Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), Viện Goethe Hà Nội, các nhóm họa sĩ trên mạng facebook... tổ chức khá thường xuyên.

Khai thác công nghệ kỹ thuật số để phát triển trong các ngành công nghiệp sáng tạo ở Thủ đô có thể mang đến nhiều hơn cơ hội “xuất khẩu văn hóa” tới các nước trên thế giới. Không chỉ trên YouTube, hình ảnh về con người và di sản văn hóa phong phú của mảnh đất nghìn năm văn hiến còn phủ sóng trên các mạng xã hội khác, như Twitter, Facebook hay Instagram. Phát huy các nguồn nhân lực dồi dào đầy tiềm năng khác, như du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, Blogger hay Instagramer cũng là kênh tuyên truyền, quảng bá qua tài khoản mạng xã hội.

Hình thức “xuất khẩu văn hóa” này vừa tốn ít kinh phí, vừa nhanh nhạy với thời cuộc. Quan trọng hơn, nó cung cấp cho chúng ta một bộ phận đại lý tạo ra hình ảnh đương đại của Việt Nam nói chung, Thủ đô nói riêng mà họ muốn truyền tải, thể hiện với phần còn lại của thế giới.

Là một trong những nhạc sĩ có nhiều sản phẩm âm nhạc đóng góp nhiều cho Hà Nội với không gian âm nhạc sáng tạo gây tiếng vang như Lễ hội âm nhạc Gió mùa (Monsoon music festival), nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, Hà Nội có nhiều tiềm năng nhưng lại chưa thu hút được du khách lưu trú lâu do thiếu sản phẩm văn hóa quốc tế hấp dẫn.

Muốn phát triển công nghiệp hóa một cách hiệu quả, theo nhạc sĩ Quốc Trung, Hà Nội nên tận dụng được nguồn lực xã hội hóa, đồng thời tạo nên sự cạnh tranh giữa các đơn vị nghệ thuật nhà nước và tư nhân; cần có những chính sách khuyến khích sự tham gia thật sự bình đẳng của mọi thành phần xã hội; định hướng, xây dựng, ươm mầm khán giả tương lai thay vì chạy theo thị hiếu...

Trong khi đó, Giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly cho rằng, Hà Nội cần giá trị lõi để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật bền vững. Đó là cơ sở hạ tầng tốt và những không gian biểu diễn mang tính đặc thù cho từng loại hình biểu diễn nghệ thuật...

Để “chắp cánh” cho công nghiệp sáng tạo, TS. Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Thành phố có nhiều sáng kiến để cung cấp nền tảng vững chắc cho tri thức sáng tạo phát triển, trong đó tập trung vào các chiến lược cốt lõi, gồm: Kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo; xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo; dự án chuỗi truyền hình tài năng sáng tạo... Ở đó, Trung tâm thiết kế sáng tạo chính là nơi ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Việc xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo nhằm đánh thức tiềm năng, lợi thế, hình thành nên mạng lưới không gian sáng tạo phong phú và hấp dẫn. Bà Lan Anh dẫn dụ: “Đơn cử, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ được điều chỉnh phù hợp để kết nối không gian đi bộ với các địa danh văn hóa gần đó, như: Phố bích họa Phùng Hưng, khu phố cổ - phố cũ, phố ẩm thực, các di tích văn hóa - lịch sử..., đồng thời tích hợp thiết kế sáng tạo, thủ công và nghệ thuật, đưa không gian này trở thành điểm đến của nghệ thuật sắp đặt, biểu diễn, tổ chức các hoạt động sáng tạo chất lượng”.

Tương tự, Hà Nội đang ấp ủ hình thành khu chuyên dụng, là tổ hợp trưng bày, triển lãm, làm việc chung, thậm chí là tổ chức sự kiện về thiết kế sáng tạo. Khu vực này được dự tính nằm liền kề sông Hồng, kết nối với khu phố cổ bằng một nhánh sông, tạo điểm đến hấp dẫn, thi vị cho du khách quốc tế và người dân địa phương khám phá sự khéo léo của các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà thiết kế.

Chưa hết, Hà Nội cũng nỗ lực xây dựng các chương trình, dự án hướng tới các mục tiêu của mạng lưới ở cấp độ quốc tế, như: Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội với sự kiện tôn vinh, quảng bá những đổi mới trong thiết kế sáng tạo của Hà Nội và trên toàn cầu; diễn đàn mạng lưới các thành phố sáng tạo Đông Nam Á, như một kênh trao đổi kiến thức, hỗ trợ, hợp tác giữa các thành phố sáng tạo trong khu vực... Ngân sách dự toán cho các kế hoạch này ước tính lên tới hàng triệu USD.

Hà Nội ngày nay, dẫu chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số của Việt Nam, nhưng lại đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Một trung tâm văn hóa lớn, nơi hội tụ tinh hoa của cả nước, là “chìa khóa vàng” để Thủ đô tiếp nhận và phổ biến tri thức, công nghệ mới. Nền tảng trên kết hợp với các yếu tố “đòn bẩy”, như sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục - đào tạo, kết cấu hạ tầng hiện đại, đặt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…, giúp Hà Nội có cơ hội khẳng định vị thế, thương hiệu của mình với thế giới và đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, tạo ra “bệ đỡ” vững chắc để vươn tầm trở thành “Kinh đô sáng tạo” của Đông Nam Á.

Kỳ đài Hà Nội

Kỳ đài Hà Nội

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan