Theo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, dự kiến, trong quý III năm 2019, thành phố Hà Nội sẽ đưa vào khai thác thêm 4 tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch là khí CNG.
Việc đưa các tuyến xe buýt dùng nhiên liệu sạch nằm trong đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.”
Theo đó, 4 tuyến buýt CNG sắp đưa vào khai thác bao gồm Kim Lũ (huyện Sóc Sơn)-Nam Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm); Cầu Giấy-Tam Hiệp (huyện Thanh Trì); Nhổn (quận Bắc Từ Liêm)-Thọ An (huyện Đan Phượng); Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông)-Hoài Đức.
Trước đó, vào tháng 8/2018, 3 tuyến buýt sử dụng khí CNG đầu tiên của Thủ đô đã được đưa vào hoạt động gồm các tuyến CNG01 (Bến xe Mỹ Đình-Bến xe Sơn Tây); tuyến CNG02 (Bến xe Yên Nghĩa-Khu đô thị Đặng Xá); tuyến CNG03 (Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2-Khu đô thị Times City).
Cả 3 tuyến buýt CNG đều do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến quản lý và khai thác.
CNG là khí thiên nhiên nén, thành phần chủ yếu là CH4-metane (chiếm 85-95%); do thành phần đơn giản dễ xử lý để loại bỏ các hợp chất độc hại nên khi đốt nhiên liệu này không giải phóng nhiều khí độc như SO2, NO2, CO… và hầu như không phát sinh bụi so với các nhiên liệu khác.
Theo ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, so với xe có động cơ xăng và dầu, xe sử dụng khí CNG sẽ giúp động cơ vận hành êm ái, các khí độc thải ra từ động cơ xe giảm từ 53-63%; trong đó khí CO2 giảm 20%. Đặc biệt xe sử dụng khí CNG sẽ không gây bụi và thải khói đen.