Chiều 19/3, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông tin về đề án "Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030" theo nghị quyết của HĐND thành phố.
Thành phố dự kiến hạn chế đăng ký mới xe máy tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ vào năm 2020 và mở rộng sang các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân và huyện Gia Lâm, Đông Anh năm 2025. Trong giai đoạn này, Hà Nội ban hành chính sách hỗ trợ người dân thông qua việc thu mua xe máy cũ dưới 10 năm.
Để thực hiện lộ trình cấm xe máy tại các quận vào năm 2030, ngành giao thông dự kiến thí điểm cấm xe máy vào giờ cao điểm từ thứ hai đến thứ sáu, bố trí làn ưu tiên cho xe buýt tại các tuyến Nguyễn Trãi (từ giao vành đai 3 đến đường Láng) vào năm 2019-2020 và tuyến Xuân Thủy - Cầu Giấy (sau khi tuyến đường sắt đô thị 3A đi vào hoạt động, dự kiến sau 2020). Ngoài thời gian cấm, thành phố sẽ xem xét cho xe máy hoạt động trên làn ưu tiên cho xe buýt.
Một số tuyến phố khác cũng được nghiên cứu thí điểm cấm xe máy, như: Giải Phóng (đoạn từ giao vành đai 3 đến Đại Cồ Việt), đường Nguyễn Văn Cừ (từ cầu vượt Long Biên đến cầu Chương Dương), đường Lê Văn Lương (giao vành đai 3 đến đường Láng) và tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Hà Nội) thông tin, đề án hạn chế xe máy đưa ra hai hình thức phân vùng: Hạn chế hoạt động theo tuyến đường; hạn chế hoạt động theo khu vực. Việc tổ chức hạn chế có thể theo ngày và theo tuần.
"Thực hiện đề án là cần thiết, nhưng phức tạp và nhạy cảm, động chạm đến tâm tư, tình cảm và cuộc sống của rất nhiều người dân trong và ngoài thành phố", ông Hải nói.
Tuyến đường Trần Duy Hưngthường xuyên ùn tắc. Ảnh:Ngọc Thành.
Nói về tình trạng ùn tắc, Giám đốc Sở Giao thông Vũ Văn Viện cho rằng "như thảm họa" và nếu "không làm gì thì có lỗi với nhân dân và các thế hệ mai sau".
Trả lời câu hỏi vì sao Hà Nội chỉ cấm xe máy mà không cấm tất cả phương tiện giao thông cá nhân, ông Viện cho hay, từ năm 2013 thành phố đã phân vùng, hạn chế sự hoạt động của ôtô tại nhiều khu vực. Gần đây, thành phố tiếp tục hạn chế sự phát triển của taxi, đặc biệt là taxi công nghệ.
"Xe máy chỉ là một trong những phương tiện bị hạn chế. Đề án nêu toàn diện, tất cả loại phương tiện giao thông đường bộ đều bị hạn chế, quản lý với những chính sách riêng. Sở đưa ra không phải để gây khó cho người dân mà để cùng bàn bạc, có lộ trình thực hiện", ông Viện khẳng định.
Sở Giao thông đang nghiên cứu những khu vực, tuyến phố hạn chế hoạt động của xe máy và danh sách này sẽ được lấy ý kiến nhân dân, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nguyên tắc của đề án là dù hạn chế ở khu vực nào thì nơi đó phải bảo đảm đáp ứng được nhu cầu vận chuyển công cộng cho người dân.
Tại kỳ họp giữa năm 2017, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết quản lý phương tiện giao thông. Trong đó, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn quận nội thành vào năm 2030. Kết quả khảo sát của cơ quan soạn thảo đề án công bố cho thấy, trong hơn 15.000 phiếu khảo sát thu về ở 30 quận, huyện có hơn 90% người được hỏi ủng hộ đề án và lộ trình cấm xe máy.
Hà Nội từng dừng đăng ký mới xe máy tại 7 quận
Tháng 9/2003, Hà Nội tạm dừng đăng ký xe máy tại 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Đầu năm 2005, thành phố tiếp tục ngừng đăng ký xe máy tại Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy và kế hoạch năm 2008 dừng tại Long Biên và Hoàng Mai.
Tuy nhiên sau 2 năm thí điểm, thành phố đã bãi bỏ quy định trên vì việc tạm ngừng đăng ký mới xe máy tại 7 quận không hiệu quả như mong muốn. Mặt khác, quy định này trái với Bộ luật dân sự về sở hữu tài sản của công dân.