Du khách trải nghiệm rửa tay bằng nước lấy từ giếng cổ trong Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Hồng Hạnh

Du khách trải nghiệm rửa tay bằng nước lấy từ giếng cổ trong Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Hồng Hạnh

Hà Nội dốc sức kích cầu du lịch nội địa

Nỗ lực phục hồi ngành kinh tế xanh do tác động tiêu cực của Covid-19, từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ dốc sức kích cầu du lịch nội địa.

Lượng khách sụt giảm mạnh

Covid-19 xảy ra ngay từ đầu năm khiến du lịch Hà Nội chịu thiệt hại nặng nề. Sở Du lịch TP. Hà Nội ước tính, 6 tháng đầu năm 2020, ngành du lịch Thủ đô chỉ phục vụ 4,93 triệu lượt khách, giảm 65,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 987.000 lượt, giảm 68,8% so với cùng kỳ năm 2019; khách du lịch nội địa ước đạt 3,95 triệu lượt, giảm 64,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 18.900 tỷ đồng, giảm 61,5% so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương giảm 30.250 tỷ đồng).

Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2020, ước công suất trung bình khối khách sạn tại Hà Nội chỉ đạt 31,74%, giảm 38,35% so với cùng kỳ năm 2019. Từ đầu tháng 3 đến nay, khách nước ngoài đến Hà Nội cơ bản là khách công vụ, ngoại giao, người lao động nước ngoài.

Lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 3, sau khi Hà Nội phát hiện ca dương tính Covid-19, Chính phủ đã quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày và thực hiện cách ly toàn xã hội từ ngày 1 - 22/4/2020. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động lữ hành, khách sạn và vận chuyển du lịch trên địa bàn Thủ đô. Lượng khách du lịch giảm sút đã khiến 1.200 cơ sở lưu trú và 1.364 doanh nghiệp lữ hành ngừng hoạt động, dẫn đến 35.000 lao động không có việc làm. Sau dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, các doanh nghiệp mới dần mở cửa hoạt động trở lại.

Hàng loạt sản phẩm kích cầu

Tổng cục Du lịch dự báo, thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng lượng khách quốc tế tiếp tục sụt giảm, do Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, ngay từ khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội, cuối tháng 4, Sở Du lịch TP. Hà Nội đã kêu gọi các điểm đến, cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành cùng cam kết giảm giá, dành ưu đãi cho du khách; đồng thời liên kết với các tỉnh, thành phố triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa để tạo việc làm và tái khởi động phục hồi ngành du lịch.

Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển tại Hà Nội đã nhanh chóng bắt tay xây dựng và tung ra hàng loạt gói kích cầu thị trường nội địa. Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Vietrantour cho biết, từ ngày 14/5, Vietrantour phối hợp với hàng không Bamboo Airways, hệ thống resort/hotel tại các điểm nghỉ dưỡng ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc tổ chức các tour du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày, giảm giá.

Công ty Du lịch HanoiRedtour giảm giá các tour du lịch biển 30 - 35% so với mức giá thông thường. Trong khi đó, Công ty Du lịch AZA Travel đưa ra bộ sản phẩm kích cầu nội địa được giảm giá từ 50% cho các tour du lịch trọn gói, đồng thời giới thiệu chùm tour chuyên đề “Mùa lúa chín” đưa khách tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), Ninh Bình, Mai Châu; giảm giá 70% các combo du lịch (gồm vé máy bay và phòng khách sạn) tới các điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước.

Hà Nội dốc sức kích cầu du lịch nội địa ảnh 1

Với hàng ngàn làng nghề truyền thống, Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển du lịch làng nghề. Ảnh: Hồng Hạnh

VietSense Travel cũng chào bán các tour khởi hành từ Hà Nội giảm giá sâu chưa từng có, chất lượng không đổi. Cụ thể, tour Mai Châu - Mộc Châu giá 1,39 triệu đồng/người; các tour Vân Đồn - Quan Lạn, Cô Tô, Cát Bà đồng giá 2,75 triệu đồng/người; tour Cửa Lò - Quê Bác giá 1,99 triệu đồng/người; tour Hải Tiến giá 2,19 triệu đồng/người; tour Quảng Bình - Động Thiên Đường giá 2,95 triệu đồng/người; tour Sapa - Fansipan giá 2,85 triệu đồng/người; tour Phú Quốc giá 3,79 triệu đồng/người; tour Côn Đảo giá 7,99 triệu đồng/người; tour Tây Nguyên giá 5,25 triệu đồng/người; tour Lý Sơn giá 4,69 triệu đồng/người…

Bên cạnh đó, hệ thống gần 61.000 buồng, phòng khách sạn tại Hà Nội cũng đồng loạt giảm giá phòng, giá dịch vụ ăn uống, spa 50 - 70% để hút du khách nội địa.

Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù

Ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ đón khoảng 10 - 11 triệu lượt khách du lịch nội địa. Để đạt được con số này, bên cạnh việc giảm giá, nâng chất lượng dịch vụ, Sở Du lịch TP. Hà Nội sẽ chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc trưng của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Phó giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội, ông Trần Trung Hiếu cho biết, Hà Nội có 1.300 làng nghề thủ công truyền thống, đó là lợi thế lớn để phát triển sản phẩm du lịch làng nghề kiểu mẫu hoặc điểm đến du lịch làng nghề truyền thống để các làng nghề có thể phát huy tiềm năng, lợi thế của mình gắn với phát triển du lịch.

Từ ngày 26 - 28/6, Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động tại phố đi bộ để kích cầu du lịch nội địa. Đó là, giới thiệu đồ uống không cồn đặc trưng của Hà Nội như: kem Tràng Tiền, cafe Giảng, trà sen Tây Hồ, chè sen long nhãn, hoa quả dầm Tô Tịch... với quy mô 80 gian hàng; Lễ hội văn hóa đường phố “Hà Nội điểm đến xanh”.

Các chương trình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, các ca khúc về Hà Nội và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao khác cũng sẽ được tổ chức vào dịp này.       

“Làng gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc đang được UBND TP. Hà Nội chọn làm mô hình điểm, sau khi hoàn thành, 2 làng nghề này sẽ tạo điểm nhấn cho loại hình du lịch làng nghề Hà Nội phát triển, thu hút khách du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương”, ông Hiếu chia sẻ.

Bên cạnh việc phát triển du lịch làng nghề, TP. Hà Nội còn tập trung vào du lịch văn hóa, vận động doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch mới, nâng cấp sản phẩm cũ. Trong đó, ngành du lịch sẽ tập trung vào 2 huyện trọng điểm là Mỹ Đức, Ba Vì - những địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống.

Cụ thể, Sở Du lịch TP. Hà Nội phối hợp với huyện Mỹ Đức tìm giải pháp đổi mới hoạt động du lịch để thu hút du khách đến với lễ hội chùa Hương quanh năm, chứ không chỉ tập trung vào mùa Xuân. Tại huyện Ba Vì, khu vực núi tổ Ba Vì thờ Thánh Tản Viên, làng họa sĩ Cổ Đô… chưa khai thác hết tiềm năng, có thể khai thác, kích cầu du lịch nội địa bên cạnh các sản phẩm sẵn có.

Nhằm quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa, thu hút khách du lịch tới Hà Nội, từ nay đến cuối năm, Sở Du lịch phối hợp với các đơn vị tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch như: Lễ hội văn hóa dân gian đương đại tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội và các tỉnh, thành phố 3 miền Bắc - Trung - Nam và quốc tế; Liên hoan du lịch làng nghề - phố nghề Hà Nội 2020...

Bên cạnh đó, Sở Du lịch sẽ tổ chức các đoàn khảo sát với thành phần chính là các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội và các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam để tìm hiểu lại thị trường, xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch tại Hà Nội và xây dựng sản phẩm liên kết với các địa phương trọng điểm về du lịch trong cả nước.

Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, Sở Du lịch TP. Hà Nội đã tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch và Hội nghị Tập huấn, triển khai về ứng xử văn minh du lịch cho cộng đồng dân cư của xã Duyên Thái (huyện Thường Tín) nhằm giúp họ nâng cao nhận thức về du lịch, kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch. Hoạt động này sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong 6 tháng cuối năm để góp phần nâng cao chất lượng nhân lực du lịch Thủ đô.

Hiện nay, những người làm du lịch Thủ đô đang cùng nhau nỗ lực kích cầu du lịch nội địa, không đặt nặng doanh thu, nhằm quảng bá, giới thiệu điểm đến văn hóa, lịch sử, du lịch Hà Nội với thông điệp “an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”, góp phần kích cầu du lịch nội địa; liên kết du lịch Hà Nội với các địa phương khác.

Hà Nội hiện có 23 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 30 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 6 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Tin bài liên quan