Hạ lãi suất, tỷ giá sẽ vẫn ổn

Hạ lãi suất, tỷ giá sẽ vẫn ổn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hạ lãi suất về lý thuyết sẽ làm giảm mức hấp dẫn của việc nắm giữ đồng Việt Nam, từ đó làm tăng kỳ vọng hạ giá của VND và ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng cho rằng, lần hạ lãi suất này gần như không có tác động lên tỷ giá.

Tỷ giá tăng - giảm phụ thuộc vào USD

Vấn đề mấu chốt được phân tích là lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND hạ còn 0,5%/năm và lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm, giảm 0,5 điểm phần trăm so với mức lãi suất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 16/3.

Câu chuyện ở đây, dự trữ bắt buộc ảnh hưởng tới mức cung tiền, nhưng tỷ lệ này thường rất ít khi thay đổi nên tác động nếu có sẽ rất nhỏ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Tỷ giá hiện không phụ thuộc nhiều vào lãi suất, mà vào giá trị USD”.

Quả vậy, USD đã có xu hướng giảm mạnh khi chỉ số Dollar Index (DXY) giảm hơn 5%, về quanh mức 93 - thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Triển vọng phục hồi kém lạc quan của kinh tế Mỹ do dịch bệnh chưa được kiểm soát, trong khi các nước EU đạt được thỏa thuận lịch sử về gói hỗ trợ tài khóa mới là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy yếu của USD.

Diễn biến trên của "đồng bạc xanh" đã giúp cho hầu hết các đồng tiền chính đều có xu hướng tăng giá trong tháng 7 như EUR (+4,5%), JPY (2,0%), CNY (+0,98%), KRW (+0,96%), SGD (+1,19%)…

Và thị trường ngoại hối vẫn tiếp tục xu hướng ổn định trong tuần. Cụ thể, tuần từ 3-7/8, tỷ giá trung tâm chủ yếu được NHNN điều chỉnh theo xu hướng giảm với chốt phiên ngày 7/8, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.200 đồng/USD, giảm 13 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.175 đồng/USD ở tất cả các phiên. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt tuần ở mức 23.846 đồng/USD.

Tương tự tuần trước đó, tỷ giá liên ngân hàng gần như không thay đổi trong tuần vừa qua. Kết thúc phiên 7/8, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.174 đồng/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do trong tuần qua chỉ giảm phiên đầu tuần, sau đó giữ nguyên suốt 4 phiên. Chốt phiên 7/8, tỷ giá tự do giảm 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại mức 23.170-23.200 đồng/USD.

Thực tế, thị trường ngoại hối liên ngân hàng trong cả tháng 7 đã duy trì đà ổn định vốn được thiết lập trong quý II. Tỷ giá USD/VND điều chỉnh giảm nhẹ khoảng 20 điểm, về sát ngưỡng chặn dưới 23.175 đồng/USD - mức tỷ giá mua vào của NHNN.

Trên thị trường tự do, tỷ giá cũng dao động ổn định trong biên độ 23.170-23.220 đồng/USD, giúp duy trì mức chênh lệch giữa 2 thị trường ở mức 10-20 điểm.

Các chuyên gia nhận định, nhìn chung, xu hướng ổn định của tỷ giá USD/VND trong tháng 7 là phù hợp với các dự báo khi tình hình cung - cầu trong nước duy trì thuận lợi và áp lực từ môi trường quốc tế ở mức thấp.

Cụ thể hơn, một báo cáo của Nhóm nghiên cứu Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV cho biết, nền tảng cung - cầu trong nước thuận lợi do nguồn cung ngoại tệ tháng 7 duy trì tích cực bởi cán cân thương mại xuất siêu khoảng 1 tỷ USD và giải ngân FDI đạt mức khoảng 1,5 tỷ USD, tương đương mức trung bình của quý II.

Trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ có phần suy giảm do các nhu cầu tiêu dùng ở nước ngoài như du lịch, y tế, giáo dục, chữa bệnh… bị hạn chế trong giai đoạn đóng cửa biên giới. Ðồng thời, thặng dư cán cân cung - cầu ngoại tệ trong nước qua đó tiếp tục được mở rộng thêm ước tính khoảng 1 tỷ USD - mức cao nhất tính từ tháng 2 đến nay.

Sự thuận lợi từ trong nước còn được hậu thuẫn với áp lực từ môi trường quốc tế ở mức thấp, dù tâm lý e ngại rủi ro tiếp tục bao trùm.

Bên cạnh câu chuyện USD đã có xu hướng giảm mạnh, đối với căng thẳng Mỹ - Trung dù có dấu hiệu nóng trở lại nhưng điểm tích cực là thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hiện vẫn chưa bị ảnh hưởng. Tỷ giá USD/CNY vẫn tiếp tục duy trì tương đối ổn định quanh mức 7,0.

Thận trọng trước tình hình dịch bệnh

Có một chi tiết cần phải đề cập khi nói về tỷ giá USD thời điểm này là giá vàng. Thường thì khi giá vàng tăng, lượng giao dịch tăng lên thì giá USD sẽ tăng trên thị trường tự do, nhưng lần này giá vàng tăng rất mạnh thời gian qua, song USD trên thị trường tự do không xáo trộn.

Có thể do cấm biên nên vàng nhập lại không diễn ra, hoặc do nhu cầu mua vàng lần này của người dân thấp.

Dự báo trong tháng 8, xu hướng ổn định của tỷ giá USD/VND tiếp tục được duy trì, đi ngang trong biên độ 23.175-23.190 đồng/USD. Các yếu tố hỗ trợ trong nước và trên thị trường quốc tế được cho rằng sẽ vẫn ở trong trạng thái thuận lợi.

Cụ thể, nguồn cung ngoại tệ kỳ vọng được hỗ trợ từ yếu tố mùa vụ với dự báo có thể sẽ được cải thiện so với mức tháng 7 với đóng góp của hoạt động xuất khẩu khi Samsung dự kiến sẽ ra mắt một loạt sản phẩm điện thoại và máy tính bảng mới trong tháng 8.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7/2020 thặng dư xấp xỉ 1 tỷ USD và Nhóm nghiên cứu BIDV dự báo sẽ được mở rộng lên mức khoảng 2 tỷ USD. Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân vốn FDI dự kiến tiếp tục ổn định ở mức khoảng 1,5 tỷ USD.

Theo đó, thặng dư cung - cầu ngoại tệ dự kiến mở rộng thêm khoảng 1-1,5 tỷ USD trong tháng 8, đồng thời NHNN có thể sẽ mua vào ngoại tệ với quy mô khoảng 1 tỷ USD.

“Sự suy yếu của USD không chỉ trong ngắn hạn bởi các yếu tố cơ bản hiện đang không hỗ trợ cho một đồng bạc xanh mạnh lên so với các đồng tiền khác.

Có 3 lý do chính: Triển vọng phục hồi nền kinh tế của Mỹ chưa có điểm sáng so với các quốc gia khác do dịch bệnh chưa được kiểm soát; Fed vẫn duy trì quan điểm nới lỏng mạnh mẽ trong trung hạn và rủi ro từ kết quả bầu cử Tổng thống vào tháng 11”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.

Nhóm Nghiên cứu của BIDV cho rằng, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn khó lường, xu hướng căng thẳng thanh khoản USD như thời điểm tháng 3 dự kiến sẽ chưa quay lại khi Fed vẫn đang duy trì công cụ hạn mức hoán đổi với ngân hàng trung ương của các quốc gia.

Chỉ số DXY được dự báo đi ngang trong biên độ 92-94 trong tháng 8 và có thể tiếp tục giảm về mức 90-91 vào cuối năm, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND trong nước thời gian tới.

Tuy nhiên, rủi ro chính đối với thị trường ngoại hối trong tháng 8 được Nhóm Nghiên cứu của BIDV khuyến nghị sẽ đến từ diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở trong nước.

Trong kịch bản dịch bệnh lây lan mạnh tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng trở lại có thể sẽ tác động tiêu cực, khiến cung - cầu ngoại tệ co hẹp và gia tăng tâm lý lo ngại trên thị trường, qua đó gây áp lực tăng trở lại cho tỷ giá lên mức khoảng 23.250-23.300 đồng/USD.

Tin bài liên quan