ECB đang phá hỏng các quá trình tự cân bằng trong nền kinh tế châu Âu

ECB đang phá hỏng các quá trình tự cân bằng trong nền kinh tế châu Âu

Hạ lãi suất, sai lầm của ECB

(ĐTCK) Châu Âu sợ bị nhiễm phải căn bệnh giảm phát nan y của Nhật Bản, nên đã vội vàng hạ lãi suất. Nhưng đây có lẽ là một sai lầm bởi nó có thể phá hỏng các quá trình tự tái cân bằng trong nền kinh tế eurozone.

Đó là nhận định của Hans-Werner Sinn, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế ở Munich.

GDP của khu vực đồng euro chỉ là 1,6% trong quý II/2013 so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 tăng chỉ 0,7% so với tháng 10/2012.

Đây quả thực là những con số rất thấp và việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trở nên lo sợ với vấn đề giảm phát - dẫn đến việc hạ lãi suất trong tuần qua - là có thể hiểu được.

Tuy nhiên, giảm phát tại một vài phần của một liên minh tiền tệ không giống như giảm phát trên toàn bộ khối này, bởi những ảnh hưởng nội khối về mặt cạnh tranh không thể được bù đắp bằng những điều chỉnh về tỷ giá.

Trên thực tế, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cần phá giá đồng tiền đi khoảng 30% so với mức trung bình của khu vực, để nắn lại những méo mó do bong bóng tín dụng gây ra (lạm phát) trước khủng hoảng, qua đó, khôi phục năng lực cạnh tranh của mình.

ECB không nên hành động chống lại sự giảm phát vừa phải ở các nước này, mà nên nhắm đến việc bù đắp cho sự giảm phát đó bằng cách tăng lạm phát ở khu vực Bắc Âu - đặc biệt là Đức.

Với chương trình “Giao dịch tiền tệ mua đứt bán đoạn” (OMT), mà thông qua đó, ECB chào mua trái phiếu chính phủ của các nước gặp vấn đề về nợ công, Ngân hàng đang “hộ tống” các dòng tiền tiết kiệm của Đức trở lại Nam Âu, nơi chúng vốn không “tự nguyện” đến.

ECB cũng di chuyển các “máy in tiền” của mình từ các ngân hàng trung ương Bắc xuống Nam Âu thông qua chính sách cho phép các tài sản rủi ro được sử dụng để thế chấp cho vay các ngân hàng thương mại khan tiền. Các kế hoạch này đã xuất khẩu vốn công từ Bắc xuống Nam Âu vượt trên các gói cứu trợ chính thức.

4/5 cơ sở tiền tệ của khu vực đồng euro được tạo ra thông qua nghiệp vụ thị trường mở và hoạt động tái cấp vốn bởi các ngân hàng trung ương của 6 nước khủng hoảng chính thức.

Không có cơ sở nào được tạo ra thông qua các hoạt động tương tự của Ngân hàng Trung ương Đức hay Ngân hàng Trung ương Phần Lan. Toàn bộ tiền lưu hành tại Đức, trên thực tế, đều đến từ bên ngoài.

Tiền sẵn có, với lãi suất thấp, từ các máy in phương Nam đã xoa dịu các thị trường tài chính. Nhưng điều này phải trả giá bằng sự chậm lại của quá trình tổ chức lại các mức giá cả tương đối, vốn cần thiết để cải thiện tính cạnh tranh.

Như lưu ý của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hầu như không có bất kỳ sự cải thiện nào trong hoạt động thương mại gần đây ở các nước Nam Âu đến từ việc tăng tính cạnh tranh. Sản lượng công nghiệp của Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp đã giảm trầm trọng.

Chính sách của ECB thậm chí còn có thể có phần liên đới đến thặng dư tài khoản vãng lai của Đức. Trên thực tế, tiền được in ra từ các ngân hàng trung ương Nam Âu không chỉ được dùng để mua hàng hóa và tài sản trong nội bộ eurozone và để chuộc nợ cho khối này, nó còn chảy ra các thị trường tiền tệ quốc tế để mua các tài sản bên ngoài khu vực đồng tiền chung.

Điều này đã góp phần làm yếu tỷ giá đồng euro, đủ để giúp Đức vẫn có thặng dư thương mại lớn, bất chấp sự thâm hụt ở các nước Nam Âu và Ai Len.

Thặng dư cán cân vãng lai của Đức trong 5 năm khủng hoảng từ 2008 đến 2012 là 798 tỷ euro. Thông thường, khối thặng dư đó sẽ dẫn đến sự tích lũy các tài sản nước ngoài có thể bán được ở khu vực tư nhân.

Nhưng điều này không ứng với trường hợp của Đức ở giai đoạn này, khi 3/4 thặng dư vãng lai của Đức, tức 585 tỷ USD, được thanh toán bằng tiền của các ngân hàng trung ương khác thuộc eurozone.

Tất cả những điều này gợi nhắc đến một vị bác sĩ không am hiểu về căn bệnh mà ông ta muốn chữa trị, dẫn đến những hậu quả tai hại. Vị bác sĩ đó có thể là ECB. Một trong những lý do là Hiệp ước Maastricht đã không ủy thác cho ECB các quyền tương tự như Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có được.

Nhưng ngay cả Fed cũng chưa bao giờ thực hiện những chính sách mang bản chất tài khóa dưới vỏ bọc chính sách tiền tệ như ECB đang làm.

Nếu bế tắc trong việc định nghĩa được rõ ràng hơn về chính sách tiền tệ, có lẽ tốt hơn, Ngân hàng Trung ương châu Âu nên để cho các thị trường tự sửa chữa những bất cân đối của mình.

>>Vàng lắc mạnh sau tin ECB hạ lãi suất

>>Cứu Eurozone, ECB đau đầu

>>ECB giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,5%