Hạ lãi suất không phải là tất cả

Hạ lãi suất không phải là tất cả

(ĐTCK) Trần lãi suất huy động đã liên tục được cắt giảm lần từ 14%/năm xuống 8%/năm trong năm 2012. Nhưng việc tiếp tục hạ trần lãi suất huy động, để hạ lãi suất đầu ra ở thời điểm này cần phải xem xét trong tương quan với các yếu tố kinh tế vĩ mô.

Hạ lãi suất không phải là tất cả ảnh 1Dù lãi suất có được hạ thì đó cũng không phải là biện pháp duy nhất để “giải cứu” được DN

 

Cần thiết...

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2013 diễn ra chiều ngày 28/2, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ khá quan ngại về tình hình tín dụng tăng trưởng âm 0,16% trong hai tháng đầu năm. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 12% trong năm 2013, Bộ trưởng tin tưởng cơ quan quản lý sẽ có biện pháp để hạ lãi suất mà không gây áp lực lên lạm phát, đẩy mạnh tăng trưởng, tránh dồn tín dụng vào cùng một thời điểm.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, hiện DN đang hoạt động cần lãi suất thấp để tiếp tục mở rộng sản xuất và đầu tư, nhất là đầu tư dài hạn. Do vậy, việc hạ trần lãi suất huy động, nhằm hạ lãi suất đầu ra cần tính đến để hỗ trợ DN phục hồi hoạt động sản xuất- kinh doanh. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng cho rằng, việc hạ trần lãi suất huy động sẽ phải căn cứ trên diễn biến của chỉ số lạm phát.

TS. Nghĩa phân tích, lạm phát trong 2 tháng đầu năm (xấp xỉ 2,6%), cao so với mục tiêu lạm phát của cả năm 2013 (6 - 6,5%), nhưng chưa thực sự đáng ngại do có tính chất mùa vụ. Dự kiến 3 tháng đầu năm, chỉ số lạm phát khoảng 3%, mà thông thường lạm phát 3 tháng đầu năm bằng một nửa của cả năm, nên lạm phát cả năm 2013 sẽ dao động khoảng 6 - 7%.

 

… nhưng chưa đủ

Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế, thời điểm này vẫn chưa hội đủ điều kiện để giảm lãi suất. Với diễn biến lạm phát trong hai tháng đầu năm, theo vị chuyên gia này, nếu NHNN mạnh tay đẩy lãi suất xuống có thể khiến lãi suất thực âm, dẫn đến hiện tượng người dân rút tiền ngân hàng hàng để đầu tư vào các kênh khác. Hệ quả là các ngân hàng lại phải tìm cách lách trần lãi suất, đẩy lãi suất huy động lên cao để giữ chân khách hàng.

Báo cáo Kinh tế vĩ mô về triển vọng thị trường Việt Nam của Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) tháng 3/2013 cũng nhận định, thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay là việc lạm phát quay lại, nếu Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ.

“NHNN cho biết có thể sẽ xem xét giảm lãi suất hơn nữa. Tuy nhiên, với tình trạng  giá cả đầu vào gia tăng và lạm phát cơ bản vẫn leo thang thì NHNN còn có rất ít khả năng để thực thi được việc này”, bà Trinh Nguyen, Chuyên viên kinh tế, Ngân hàng HSBC nói.

Cũng với những quan ngại như vậy, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank cho rằng, cho dù lãi suất có được hạ thì đó cũng không phải là biện pháp duy nhất để giải cứu DN ra khỏi những khó khăn lúc này.

“Trong tình thế hiện nay, muốn hỗ trợ các DN, khôi phục nền kinh tế, cần có các biện pháp tổng thể, đồng bộ của chính sách kinh tế nói chung, chứ không chỉ riêng chính sách tiền tệ”, TS. Hưởng nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cũng cho rằng, hiện lãi suất cho vay không phải là quá cao so với thời kỳ trước khủng hoảng kinh tế 2008 (năm 2006, lãi suất cho vay ở mức từ 11 - 14%/năm). Vấn đề hiện nay của các DN là hàng hóa chậm tiêu thụ do sức mua yếu. “Thời điểm này, chưa nên hạ lãi suất ngay và các cơ quan quản lý cần giải bài toán lúc nào cũng phải ở trạng thái cân bằng động”, ông Tuấn nói.

Báo cáo phân tích tình hình kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm 2013 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng khuyến nghị, mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2013 thấp hơn năm 2012 sẽ là rất khó khăn trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước cũng như thế giới còn nhiều biến động. Do tổng cầu của nền kinh tế còn yếu, tác động của lạm phát cầu kéo trong năm 2013 là không lớn, việc kiểm soát lạm phát vì vậy cần chủ yếu tập trung đến công tác quản lý giá, đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2013. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý để hình thành một “gói bình ổn giá”, trong đó bao gồm các loại lộ trình tăng giá xăng, dầu, giá điện, giá dịch vụ công… nhằm phân bổ hợp lý hơn việc tăng giá (nếu cần thiết) theo phương thức chia đều cho các tháng, tránh tập trung vào các tháng có CPI tăng cao theo tính chất mùa vụ hoặc vào những thời điểm nhạy cảm làm gia tăng kỳ vọng lạm phát.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế còn đang yếu, vốn tín dụng chưa cho thấy dấu hiệu cải thiện, cần phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ tổng cầu, đặc biệt là tập trung đẩy mạnh giải ngân trong 2 quý đầu năm cho những dự án đã có kế hoạch hoàn thành trong năm 2013. Đồng thời, trong bối cảnh thu NSNN khó khăn, cần tiếp tục thực hiện quản lý chi thường xuyên tiết kiệm và hiệu quả hơn trong năm 2013.