“Hà hơi thổi ngạt” cứu Bệnh viện Giao thông vận tải

0:00 / 0:00
0:00
Bệnh viện Giao thông vận tải - đơn vị y tế công lập duy nhất được chọn thí điểm cổ phần hóa đứng trước nguy cơ mất toàn bộ vốn chủ sở hữu nếu đà sa sút kéo dài...

Tia sáng cuối đường hầm

Ông Phạm Đức Huy, tân Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải (GTVT) không giấu được sự nhẹ nhõm sau khi Bệnh viện nhận được gần 40 tỷ đồng mà Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội vừa thanh toán.

Đây là kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2019, kinh phí bổ sung năm 2020 mà lẽ ra, Bệnh viện GTVT phải được cơ quan chức năng chi trả ngay từ đầu năm 2021 để thanh toán một phần khoản công nợ chất chồng từ tiền mua thuốc, vật tư y tế; lương và bảo hiểm xã hội cho cán bộ, nhân viên.

“Sau khi trả nợ, Bệnh viện sẽ tiếp tục mua các loại thuốc thiết yếu phục vụ người bệnh, vật tư y tế cho nhân viên tham gia phòng chống dịch Covid-19. Điều này giúp cán bộ, nhân viên y tế chúng tôi có thêm niềm tin để cùng với cổ đông vượt qua các khó khăn vướng mắc về cơ chế hoạt động trong giai đoạn hậu cổ phần hóa”, ông Huy cho biết.

Một tín hiệu tích cực khác đối với Bệnh viện GTVT là vào cuối tháng 8/2021, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT đã ký Quyết định số 12/QĐ - HĐQT chính thức bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc Bệnh viện - vị trí đặc biệt quan trọng vốn bị treo, gác hơn 2 năm qua do những bất đồng không thể dung hòa giữa các cổ đông lớn.

Trước đó, vào đầu tháng 8/2021, ông Phạm Đức Huy, khi đó là quyền Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT đã phải ký Văn bản hỏa tốc số 257/BV - CV gửi Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) báo cáo về tình trạng khó khăn vướng mắc trong hoạt động của Bệnh viện.

Lãnh đạo Bệnh viện GTVT khẳng định, những vướng mắc liên quan đến mô hình hoạt động trong suốt 5 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đã và đang ảnh hưởng rất lớn tới công tác chuyên môn khám chữa bệnh của Bệnh viện.

“Ban đầu là do thiếu cơ chế pháp lý hướng dẫn xếp hạng Bệnh viện, cấp phép hoạt động, dẫn đến chậm ký hợp đồng khám chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm y tế. Sau đó là hoạt động của HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT không liền mạch, điều hành không hiệu quả đã tiếp tục đẩy nhanh tiến trình sa sút của Bệnh viện, vốn từng được đánh giá rất cao trong công tác khám chữa bệnh trong ngành GTVT và khu vực Thủ đô Hà Nội”, Văn bản số 257 thông tin.

Do kinh doanh không hiệu quả, công nợ phát sinh quá lớn nên từ năm 2019, Bệnh viện GTVT liên tục rơi vào tình trạng “giật gấu, vá vai” về kinh phí. Tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ngày một trầm trọng, đi kèm với vấn nạn nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội; nợ tiền các đơn vị cung cấp đã khiến hàng loạt cán bộ, nhân viên y tế kỹ thuật cao tại Bệnh viện lũ lượt chuyển công tác.

Tại thời điểm Văn bản số 257 được gửi đi, Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT không có người đại diện pháp luật. Điều này khiến một số hoạt động chuyên môn của Bệnh viện không thực hiện được, đặc biệt là công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế và hóa chất. Đến đầu tháng 8/2021, toàn bộ dịch truyền và các thuốc thiết yếu đã cạn kiệt.

“Bệnh viện thực sự bất lực trước những vấn đề vượt quá thẩm quyền, quá khả năng của người thầy thuốc trước người bệnh. Chúng tôi rất mong Thủ tướng và các cơ quan liên quan sớm giải quyết những tồn tại của việc thí điểm cổ phần hóa để các bác sỹ được làm tròn sứ mệnh cứu người mà không phải ra đi, rời bỏ bệnh viện có hơn 66 năm tuổi đời này”, Văn bản số 257 của Bệnh viện GTVT nêu rõ.

Được biết, sau khi nhận được văn bản kêu cứu của Bệnh viện GTVT, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Y tế, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm xử lý dứt điểm các vướng mắc để hoạt động khám chữa bệnh tại đơn vị này trở lại bình thường.

Trong Công văn số 8111/BYT - BH gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 29/9/2021, ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xác định Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT đủ điều kiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong giai đoạn từ 1/1/2019 đến 14/4/2020 với hạng bệnh viện là hạng I. Đồng thời, Bộ Y tế cũng hướng dẫn về tổ chức ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của Bệnh viện GTVT trong thời gian này.

“Vào giữa tháng 8/2021, Bộ Y tế tiếp tục có công văn gửi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị đẩy nhanh quá trình giải quyết thanh, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT, nhằm giảm bớt các khó khăn trong hoạt động của Bệnh viện”, ông Thuấn thông tin.

Nỗi lo cổ đông Nhà nước

Cần phải nói thêm rằng, tháo gỡ mới đây của Bộ Y tế mới chỉ làm dịu bớt, chứ chưa giải quyết dứt điểm những khó khăn của Bệnh viện GTVT, vốn đang là nỗi lo của SCIC, đơn vị tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ Bộ GTVT từ ngày 31/12/2020.

Trong văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào cuối tháng 9/2021, SCIC cho biết, sau khi Bệnh viện GTVT chính thức chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ - TW, trong đó có nội dung: “Cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp, trừ các bệnh viện, trường học”. Điều này khiến Bệnh viện GTVT là bệnh viện công lập duy nhất thí điểm cổ phần hóa và tồn tại dưới mô hình doanh nghiệp cổ phần, thiếu các khung pháp lý hướng dẫn và các chính sách khuyến khích phát triển.

Cụ thể, sau năm 2016, Bệnh viện GTVT có tên mới là Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT, nhưng Luật Khám chữa bệnh chỉ quy định hình thức bệnh viện đa khoa và chuyên khoa; bệnh xá; các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, mà không có hình thức Công ty cổ phần bệnh viện.

“Bệnh viện đã nhiều lần gửi hồ sơ, đơn đề nghị cấp lại và đổi tên trong giấy phép, nhưng chưa được Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) giải quyết”, Văn bản số 1839/ĐTKDV - DDT5 của SCIC thông tin.

Bên cạnh đó, sau khi cổ phần hóa, Bệnh viện GTVT không còn được ngân sách hỗ trợ chi thường xuyên như các đơn vị công lập (khoảng 25 tỷ đồng/năm), trong khi đó phát sinh thêm chi phí khấu hao tài sản khoảng 30 tỷ đồng/năm, nên Bệnh viện rơi vào tình trạng lỗ từ 16 tỷ đồng đến 35 tỷ đồng/năm trong ròng rã 5 năm gần đây.

Đặc biệt, mối quan hệ giữa cổ đông Nhà nước và cổ đông chiến lược (Tập đoàn T&T) tại Bệnh viện GTVT gần như đổ vỡ sau khi Văn phòng Chính phủ có Công văn số 157/TB-VPCP ngày 3/5/2018, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc thực hiện phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT.

Tại Công văn số 157, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT yêu cầu người đại diện vốn nhà nước tại Bệnh viện GTVT thực hiện giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước tại công ty này sau khi điều chỉnh tăng vốn điều lệ tương ứng với phần tăng vốn nhà nước được xác định sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện.

Trong khi đó, tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng về việc phê duyệt Phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT đã nêu rõ: “Vốn điều lệ sẽ được điều chỉnh tăng phần vốn nhà nước tương ứng giá trị quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện, đồng thời sẽ tiếp tục bán phần vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn điều lệ mà Nhà nước nắm giữ tại Bệnh viện GTVT là 30%”.

Được biết, chưa đầy 2 tháng sau khi có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 157/TB-VPCP, T&T đã liên tiếp gửi văn bản đề nghị các cơ quan chức năng và Bộ GTVT kiến nghị Nhà nước mua lại toàn bộ 8.640.000 cổ phần mà Tập đoàn T&T nắm giữ với tổng số tiền 149 tỷ đồng (là số tiền nhà đầu tư đã thanh toán mua cổ phần) cùng với số tiền lãi phát sinh từ khoản tiền trên theo quy định của Hợp đồng mua bán cổ phần; đồng thời tuyên bố không tham gia hoạt động quản trị điều hành Bệnh viện.

SCIC cho biết, ngay sau khi tiếp nhận Bệnh viện GTVT, đơn vị này đã tiếp xúc với T&T để thống nhất kiện toàn nhân sự HĐQT và Ban Kiểm soát tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021 nhằm giúp Bệnh viện ổn định nhân sự và phát triển. Tuy nhiên, T&T tiếp tục không đề xuất nhân sự tham gia HĐQT và Ban Kiểm soát Bệnh viện GTVT.

“Việc cổ đông lớn là T&T trong một thời gian dài không hợp tác, không hoạt động như cam kết trong định hướng phát triển Bệnh viện đã để lại nhiều hậu quả. Bệnh viện không có các quy trình, quy chế hoạt động, kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho hoạt động thường xuyên. Nếu các khó khăn, vướng mắc về cơ chế pháp lý, tài chính, đất đai, nhân sự của Bệnh viện GTVT không được tháo gỡ, xử lý triệt để, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo toàn, phát triển vốn nhà nước”, SCIC đánh giá.

Tin bài liên quan