H&M, Nike... đối diện làn sóng tẩy chay dữ dội tại Trung Quốc

H&M, Nike... đối diện làn sóng tẩy chay dữ dội tại Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp bán lẻ Mỹ và châu Âu tại Trung Quốc đột ngột đối diện tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Theo đó, nếu sử dụng bông nguyên liệu từ khu vực Tân Cương, họ sẽ chịu trừng phạt tại phương Tây, nhưng nếu không sử dụng bông nguyên liệu từ khu vực này, họ lại đối diện làn sóng tẩy chay mạnh mẽ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các trang thông tin mạng chính thức của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đồng loạt lên tiếng chỉ trích các doanh nghiệp bán lẻ Mỹ và châu Âu có động thái không sử dụng nguồn nguyên liệu bông từ Tân Cương.

“Muốn kiếm tiền tại Trung Quốc nhưng lại lan truyền thông tin thất thiệt và tẩy chay mặt hàng bông từ Tân Cương? Hãy suy nghĩ thấu đáo vào!”, Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đăng tin trên Weibo - mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc. Cùng với đó là thông tin liên quan tới một loạt nhãn hàng bao gồm H&M, Nike Inc, Adidas, Puma…

Người mẫu đại diện tại thị trường Trung Quốc cũng đồng loạt thông báo chấm dứt hợp tác với các nhãn hàng này.

Quyết định ngừng sử dụng bông từ khu vực Tân Cương của các doanh nghiệp kể trên xuất phát từ những cáo buộc liên quan tới các trại lao động cưỡng bức hàng loạt trong khu vực. Vào đầu năm 2021, chính quyền Mỹ tuyên bố rằng, sự đàn áp của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương và những người Hồi giáo khác trong khu vực có thể liên quan tới “tội diệt chủng”.

Không riêng Mỹ, một số quốc gia châu Âu cũng ra thông cáo chung về tình trạng sử dụng lao động cưỡng bức tại Tân Cương.

Theo đó, các nhãn hàng thời trang như Tommy Hilfiger, PVH Corp (công ty mẹ của Calvin Klein), Nike, Gap, Inditex (công ty mẹ của Zara), H&M… đã quyết định loại bỏ bông Tân Cương ra khỏi chuỗi cung ứng của mình.

Tân Cương hiện là khu vực đang sản xuất 80% lượng bông cotton tại Trung Quốc, đồng thời cũng là điểm nóng tranh cãi giữa Trung Quốc và các quốc gia phương Tây.

Ngày 24/3/2021, trước làn sóng tẩy chay, H&M lên tiếng cho biết, chuỗi cung ứng toàn cầu của hãng đáp ứng các cam kết về phát triển bền vững và không hề phản ánh bất kỳ suy nghĩ chính trị nào.

H&M khẳng định, Công ty không nhập nguyên liệu cotton trực tiếp mà thông qua các nhà phân phối. Hiện tại, Trung Quốc đóng góp 5,2% doanh thu toàn cầu của H&M.

Dù đã lên tiếng nhưng nhãn hàng thời trang này vẫn đối diện sự giận dữ ngày càng gia tăng. Theo đó, H&M đã không còn xuất hiện trên website thương mại điện tử Tmall (thuộc Alibaba Group Holdings Ltd). Các trang thương mại điện tử lớn khác bao gồm Taobao, JD.com… cũng có động thái tương tự.

Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ cotton lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nhà xuất khẩu các sản phẩm may mặc lớn nhất. Bông Tân Cương được đánh giá là có chất lượng cao nhất và chính quyền Trung Quốc thường mua sản phẩm này từ các trang trại để đổ đầy các kho dự trữ quốc gia.

Với làn sóng tẩy chay các doanh nghiệp bán lẻ Mỹ và phương Tây, các doanh nghiệp Trung Quốc trở thành người hưởng lợi. Anta Sports Products Ltd, công ty sản xuất giày thể thao hiện sở hữu thương hiệu Fila và Hongxing Erke Sports Products Co là những doanh nghiệp đầu tiên công bố việc sử dụng nguồn nguyên liệu bông từ Tân Cương.

Theo đó, giá cổ phiếu Anta đã tăng khoảng 10% trong phiên giao dịch 25/3/2021 tại sàn Hồng Koong, trong khi Xinjiang LaChapelle Fashion Co có thời điểm tăng tới 40%....

Giá cổ phiếu Anta và Topsports diễn biến trái chiều

Giá cổ phiếu Anta và Topsports diễn biến trái chiều

Ở chiều ngược lại, Topsports International Holdings Ltd, nhà cung cấp của Nike chứng kiển giá cổ phiếu giảm kỷ lục 16%.

Tin bài liên quan