Không để thời gian chết
Nhịp độ triển khai công tác đầu tư các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021-2025 đang được Chính phủ và các bộ, ngành đẩy nhanh, đặc biệt là 3 công trình do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đảm nhận, gồm Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề.
Trong tuần này, Thủ tướng Chính phủ đã ký 2 quyết định thành lập Hội đồng Thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 2 dự án đường cao tốc là Biên Hòa - Vũng Tàu; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trên cơ sở các đề xuất của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Trước đó, vào ngày 10/2, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký các tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tổ chức thẩm định, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 3 tuyến cao tốc được đánh giá là sẽ tạo động lực phát triển trong ít nhất 5 - 10 năm tới tại Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
“Tôi chưa bao giờ chứng kiến tốc độ triển khai nhanh và quyết liệt như vậy. Tính từ khi Bộ GTVT trình báo cáo nghiên cứu khả thi 3 dự án cao tốc đến khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Hội đồng Thẩm định nhà nước chỉ kéo dài chưa tới 1 tuần”, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết.
Được biết, 3 tuyến cao tốc động lực nói trên được Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực, trong đó trích một phần vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội để kịp hoàn thành chậm nhất là năm 2026.
Thách thức là rất lớn, bởi cả 3 tuyến cao tốc này đều là dự án mới, có quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn. Nếu triển khai theo điều kiện thông thường, thì thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật để khởi công 3 dự án cần khoảng 3 năm, thời gian thi công hoàn thành công trình tối thiểu từ 2 - 3 năm.
Trong khi đó, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022, Quốc hội yêu cầu phải bảo đảm giải ngân vốn của Chương trình trong 2 năm 2022 và 2023 nhằm góp phần phục hồi, phát triển nhanh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng nền kinh tế.
“Nếu không cố gắng cao độ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ thì chắc chắn không thể đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ”, ông Huy cho biết.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến về công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đường cao tốc giai đoạn 2021-2025, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã liên tục phải dùng cụm từ “rất gấp” khi giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan.
Cụ thể, đối với các dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình để Thủ tướng thành lập Hội đồng Thẩm định nhà nước trước ngày 16/2/2022. Riêng Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề, Hội đồng Thẩm định nhà nước đã được thành lập theo Quyết định số 1456/QĐ-TTg ngày 3/9/2021.
“Hội đồng Thẩm định nhà nước, các bộ, ngành liên quan khẩn trương thẩm định các dự án, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Phân cấp mạnh cho địa phương
Cần phải nói thêm, trong 3 tờ trình đề nghị Thủ tướng xem xét, tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ GTVT đã giải thích rõ lý do phải chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang sử dụng vốn ngân sách trung hạn 2021 - 2025 và một phần vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Dự án PPP cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Bộ GTVT cho biết, kết quả nghiên cứu, tính toán sơ bộ phương án tài chính cho thấy, với kịch bản mức vốn hỗ trợ của Nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư theo quy định của Luật PPP, thì Dự án không đảm bảo hiệu quả về tài chính theo quy định. Trường hợp để Dự án hiệu quả về tài chính và thời gian thu hồi vốn với các kịch bản 22 năm, 18 năm và 15 năm, thì mức vốn của Nhà nước tham gia phải chiếm từ 82% đến 87% tổng mức đầu tư.
Đối với Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu - công trình đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức PPP vào tháng 9/2021, trong đó mức vốn của nhà nước cần tham gia hỗ trợ khoảng 6.629 tỷ đồng (chiếm khoảng 33,7% tổng mức đầu tư), thời gian thu hồi vốn là 17 năm.
Tuy có tính khả thi khá cao, nhưng thời gian chuẩn bị đầu tư cũng như đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tại dự án này mất khoảng 12 tháng, nên tiến độ thực hiện dài. Hơn nữa, việc thực hiện đầu tư theo phương thức PPP trong bối cảnh hiện nay chưa thể khẳng định chắc chắn triển khai thành công do còn phụ thuộc vào thị trường, đặc biệt là khả năng huy động vốn vay từ các tổ chức tín dụng, trường hợp triển khai không thành công sẽ kéo dài thời gian hơn 9 - 22 tháng, trong khi dự án cần phải hoàn thành sớm để kết nối đồng bộ các công trình giao thông trọng yếu trong khu vực.
Tình hình cũng tương tự với Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề. Dự án này có tổng mức đầu tư rất lớn, đi qua khu vực địa chất phức tạp, lưu lượng xe trong giai đoạn đầu không cao.
“Trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả đầu tư, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành 3 tuyến cao tốc, Bộ GTVT kiến nghị triển khai đầu tư công toàn bộ dự án tuyến cao tốc này theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành xây dựng phương án để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Để đảm bảo tiến độ, Bộ GTVT đề xuất chia 3 dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề thành các dự án thành phần, tương ứng với địa giới của mỗi tỉnh và giao UBND các tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn. Đối với các dự án thành phần phức tạp về công nghệ hoặc địa chất, nằm giữa ranh giới 2 tỉnh, Bộ GTVT sẽ trực tiếp làm chủ quản đầu tư.
Theo khoản 3, Điều 5, Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù là, trong 2 năm 2022 và 2023, cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình.
“Cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần sẽ được điều chỉnh theo quyết định của Thủ tướng trên cơ sở đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư từng dự án thành phần được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công trên cơ sở quy mô của từng dự án thành phần”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài 53,7 km, trong đó đoạn qua TP. Biên Hòa và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (34,2 km), thị xã Phú Mỹ, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (19,5 km). Căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn I với quy mô 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Sơ bộ tổng mức đầu tư (giai đoạn I) khoảng 17.837 tỷ đồng.Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5 km, trong đó đoạn qua tỉnh Khánh Hòa 32,7 km và qua tỉnh Đắk Lắk 84,8 km.
Tổng mức đầu tư theo quy mô phân kỳ là 21.935 tỷ đồng.Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài 188,2 km, trong đó An Giang 56,74 km, TP. Cần Thơ 37,77 km, Hậu Giang 37,02 km, Sóc Trăng 56,67 km.
Trong giai đoạn I, Dự án xây dựng 4 làn xe cao tốc hạn chế, mặt cắt ngang 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, tương tự quy mô đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tổng mức đầu tư giai đoạn này là 44.306 tỷ đồng.