Về phần mình, một lãnh đạo Cục thuế TP.HCM cho hay, dù đã có văn bản gửi đến Grab đề nghị báo cáo việc sáp nhập, cơ quan này vẫn chưa nhận phản hồi từ Grab.
"Do đó, chúng tôi đang chờ báo cáo chính thức từ họ. Khi đó tùy thuộc vào thỏa thuận cụ thể về quyền và nghĩa vụ của Grab với Uber trong hợp đồng chuyển nhượng, Cục thuế mới có phương án xử lý", ông nói.
Riêng về việc thu thuế chuyển nhượng, đại diện Cục Thuế TP.HCM cũng cho biết đang yêu cầu Chi Cục Thuế quận 10 - nơi Grab đặt trụ sở, theo dõi vụ việc. Về nguyên tắc khi chi trả cho Uber, Grab sẽ phải khấu trừ thuế.
"Grab sẽ xác định giá trị thị trường Việt Nam là bao nhiêu, những quốc gia còn lại như thế nào để từ đó thực hiện khấu trừ thuế. Khi vụ chuyển nhượng hoàn tất, Grab sẽ báo cáo và kê khai thuế", vị đại diện này nói.
Trong khi đó, luật sư Đoàn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam cho rằng, việc Grab từ chối nhận trách nhiệm như trên là không phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Điều 195, khoản 2c, Luật doanh nghiệp năm 2014, quy định, sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại, công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập.
“Grab phải có trách nhiệm kế thừa nghĩa vụ tại Việt Nam thay Uber sau khi sáp nhập. Kể cả giữa Uber và Grab có những thỏa thuận riêng về phương án giải quyết thì thỏa thuận đó vẫn phải đúng với pháp luật Việt Nam”, ông Hậu cho hay.
Luật sư này cũng nói thêm, dù vụ sáp nhập được diễn ra ở nước ngoài hay Uber B.V không có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, hai doanh nghiệp này vẫn phải tuân thủ đúng theo pháp luật Việt Nam vì đã hoạt động kinh doanh tại đây.
Trước đó, Cục thuế TP.HCM ra quyết định truy thu Uber B.V (Hà Lan) gần 66,68 tỷ đồng tiền thuế hồi tháng 9/2017.
Tuy nhiên, đến cuối năm ngoái, Uber B.V mới nộp 13,3 tỷ đồng. Sau đó, công ty này hai lần đâm đơn kiện Cục thuế TP.HCM và vẫn chưa nộp nốt hơn 53 tỷ đồng.