Góp vốn chưa xong đừng vội đăng ký

Góp vốn chưa xong đừng vội đăng ký

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chưa nhận đủ tiền mua cổ phần nhưng công ty đã làm thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ. Đến khi cổ đông, nhà đầu tư không chịu thanh toán đủ dẫn đến vốn thực góp khác với vốn điều lệ đã đăng ký, công ty muốn giảm lại giảm không được.

Vốn điều lệ của công ty cổ phần - không phải muốn giảm là được

Vì nhiều lý do khác nhau, trong thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp công ty lỡ đăng ký tăng vốn, sau đó cổ đông, nhà đầu tư lại không thanh toán đủ tiền. Tiền góp vốn không đủ dẫn tới Công ty có nhu cầu giảm vốn điều lệ nhưng lại không thể giảm vốn vì không thuộc trường hợp pháp luật cho phép.

Hiện nay, Luật Doanh nghiệp chỉ cho phép các công ty cổ phần giảm vốn điều lệ trong 3 trường hợp.

Trường hợp thứ nhất là khi công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty.

Trường hợp thứ hai là khi công ty mua lại cổ phần đã phát hành theo yêu cầu của cổ đông hoặc theo quyết định của công ty.

Với cả hai trường hợp trên, để giảm vốn điều lệ, công ty phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ mà pháp luật quy định.

Trường hợp thứ ba là khi vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 112 của Luật Doanh nghiệp. Điều này quy định, các cổ đông có tối đa 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, để thanh toán đủ tiền cho số cổ phần đã đăng ký mua. Nếu hết thời hạn này mà cổ đông chưa thanh toán đủ thì trong vòng 30 ngày sau đó, công ty phải đăng ký điều chỉnh giảm vốn điều lệ xuống bằng giá trị số cổ phần đã thanh toán đủ.

Doanh nghiệp cần phải lưu ý rằng, việc giảm vốn tại Điều 112 Luật Doanh nghiệp chỉ được áp dụng để giảm vốn đối với trường hợp cổ đông sáng lập không thanh toán đủ tiền mua cổ phần đã cam kết trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Điều này đã thể hiện rõ ngay từ tên gọi là khi “đăng ký doanh nghiệp”. Luật Doanh nghiệp sử dụng cụm từ này cho việc thực hiện thủ tục với Cơ quan nhà nước để khai sinh doanh nghiệp. Còn trong quá trình hoạt động của mình, công ty có nhu cầu thay đổi các nội dung đã đăng ký khi thành lập, thì Luật Doanh nghiệp sử dụng khái niệm “đăng ký thay đổi”.

Đây là quy định đã khiến nhiều công ty lầm tưởng rằng mình cứ việc tăng vốn điều lệ theo dự kiến khi chào bán cổ phần riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu hoặc nhà đầu tư. Nếu cổ đông, nhà đầu tư không thanh toán đủ tiền cho công ty, thì lúc đó sẽ làm thủ tục giảm vốn. Tuy nhiên, thực tế, việc giảm vốn lúc đó lại không làm được.

Việc luật không cho giảm vốn vì lý do này có thể xuất phát từ quan điểm xuyên suốt của Luật Doanh nghiệp, đó là vốn điều lệ khi công ty đăng ký với cơ quan nhà nước phải là số tiền cổ đông đã thực tế thanh toán cho công ty, trừ trường hợp đăng ký vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp.

Chỉ có trường hợp đăng ký vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp mang tính đăng ký trước, báo trước vì luật cho phép đăng ký trước, nộp tiền sau, và được phép điều chỉnh giảm vốn đúng với số tiền thực nhận.

Các trường hợp khác, công ty phải xác định số vốn thực tế trước, tức đã hoàn tất việc nhận vốn từ cổ đông hay nhà đầu tư, rồi mới đi đăng ký với cơ quan nhà nước. Ví dụ, Điều 122 và Điều 123 Luật Doanh nghiệp đều quy định, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ với cơ quan nhà nước trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành đợt bán cổ phần. Hay Điều 127 Luật Doanh nghiệp quy định, công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần.

Chưa nhận đủ tiền, công ty chớ đi tăng vốn

Đối mặt với việc không thể giảm vốn điều lệ theo đúng số vốn thực tế của công ty, có công ty lựa chọn giải pháp tình thế là mặc kệ vì cảm thấy chưa ảnh hưởng đến hoạt động của mình. Hay có công ty yêu cầu cổ đông, nhà đầu tư xác nhận nợ, cam kết sẽ thanh toán đủ và chỉ được hưởng quyền tương ứng với số cổ phần đã thanh toán đủ.

Các biện pháp trên không giải quyết triệt để các rủi ro tiềm ẩn do có sự chênh lệch giữa vốn điều lệ ghi nhận trong Giấy chứng nhận với số vốn thực tế của công ty. Bất cứ lúc nào, công ty cũng có thể phát sinh tranh chấp với cổ đông, nhà đầu tư về nghĩa vụ thanh toán.

Trường hợp này sẽ đặc biệt rủi ro nếu công ty đã xác nhận đã hoàn tất việc thanh toán theo yêu cầu của Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thực hiện thủ tục tăng vốn. Ngoài ra, các cổ đông có thể phát sinh tranh chấp với nhau về tỷ lệ sở hữu cổ phần thực tế trong công ty.

Hay khi công ty phải chịu trách nhiệm với bên thứ ba thì công ty phải chịu căn cứ theo mức vốn điều lệ được đăng ký cao hơn so với số vốn thực có, dẫn đến phát sinh trách nhiệm của các cổ đông.

Nhận diện được rủi ro và biết không thể khắc phục tình trạng vốn điều lệ không đúng bằng biện pháp đăng ký giảm vốn điều lệ, có công ty đã phải sử dụng biện pháp khác như thông qua tòa án, thông qua các giao dịch, các kỹ thuật pháp lý khác khá phức tạp, tốn kém, thậm chí vẫn có rủi ro.

Để tránh nguy cơ gặp phải những rủi ro, khó khăn nêu trên, doanh nghiệp cần hiểu đúng bản chất của thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ là việc đăng ký kết quả của hoạt động thay đổi vốn và chỉ thực hiện tăng vốn khi tiền đã thực sự về tay.

Tin bài liên quan