Google ngừng "tìm kiếm" ở châu Âu

Google ngừng "tìm kiếm" ở châu Âu

(ĐTCK) Cỗ máy tìm kiếm Google, vốn được biết đến là trung tâm thông tin của toàn thế giới, vừa bất ngờ đưa ra thông báo sẽ xóa toàn bộ kết quả tìm kiếm ở khu vực châu Âu, nhằm tuân thủ quy tắc mới “quyền được lãng quên” của Tòa án tối cao Liên minh Châu Âu. Quy tắc này cho rằng tất cả các cá nhân có quyền gửi yêu cầu đề nghị xóa bỏ những đường dẫn đến thông tin cá nhân vì những lý do nhất định.

Các kỹ sư của Goole sẽ làm việc thâu đêm để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Tập đoàn, nhằm bắt tay vào công cuộc loại bỏ dữ liệu đường dẫn. Đây là lần đầu tiên Google có những động thái gỡ bỏ tích cực, đi ngược lại quy chuẩn đề ra ban đầu của Tập đoàn vì lợi ích riêng của cá nhân khách hàng. Google còn thuê hẳn một đội ngũ nhân sự chuyên làm nhiệm vụ đánh giá từng bức thư yêu cầu gửi về Công ty để cân nhắc việc loại bỏ.

“Tuần này, chúng tôi bắt đầu thực thi những yêu cầu xóa bỏ mà chúng tôi nhận được. Đây là nhiệm vụ mới đòi hỏi chúng tôi phải làm việc hết sức khẩn trương và công tâm nhằm tuân thủ theo luật mới đề ra”, phát ngôn viên của Google nói.

Hành động chấp nhận hàng loạt yêu cầu gỡ bỏ những thông tin cá nhân bị tiết lộ một cách nhanh chóng từ phía Google đón nhận nhiều phản hồi tích cực. Theo đó, cách đây gần 1 tháng, Google nhận được hơn 41.000 thư yêu cầu gỡ bỏ thông qua trang web do Tập đoàn lập nên để làm nơi liên lạc, trao đổi với khách hàng. Tuy nhiên, công việc gỡ bỏ  không đơn giản chỉ thực hiện theo lộ trình thông thường, khi Tập đoàn phải đánh giá mức độ quyền cá nhân của khách hàng bị ảnh hưởng ra sao nếu đem so sánh với mối quan tâm của công chúng đối với nguồn thông tin đó. Bởi xét cho cùng, lượng truy cập tăng cao từ những thông tin nóng hổi được nhiều người quan tâm sẽ giúp Google gia tăng tỷ lệ người theo dõi và thu về con số lợi nhuận khổng lồ.

Một trong số những đường dẫn đầu tiên được Google gỡ bỏ là bài viết trên Tạp chí La Vanguardia (Tây Ban Nha) đề cập đến món nợ lâu năm của Mario Costeja González với mục đích huy động nhiều đơn vị thầu cho dự án bất động sản. Khi tin tức lan truyền rộng rãi thông qua hệ thống tìm kiếm trên mạng, González gửi đơn yêu cầu Cơ quan bảo vệ dữ liệu Tây Ban Nha cũng như chi nhánh Google ở Tây Ban Nha gỡ bỏ nội dung sai lệch. Tuy nhiên, phải đến thứ 5 vừa qua, kết quả tìm kiếm qua cái tên González không còn xuất hiện trên các website châu Âu thông qua hệ thống tìm kiếm của Google là google.es hoặc google.co.uk. Trường hợp của González cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định thiết lập điều luật “quyền được lãng quên” của Tòa án Tư pháp Châu Âu vào tháng trước, nhằm bảo vệ các cá nhân trước những thông tin sai lệch. Không riêng Google, Yahoo hay Microsoft cũng đang làm việc, thảo luận với cơ quan tòa án Liên minh Châu Âu và dự kiến bắt đầu công việc gỡ bỏ trong thời gian tới.

Điều luật mới này đã gặp phải những tranh cãi nhất định từ phía những người yêu thích tự do ngôn luận ở Mỹ, khi cho rằng thông tin trước khi được đăng lên cần phải qua kiểm duyệt hơn là xóa đi sau khi lan truyền rộng rãi. Đồng thời, quy định mới cũng đặt Google vào tình huống khó khăn khi phải đứng giữa làm trọng tài phân xử những thông tin nào con người có quyền được biết và cái gì cần gỡ bỏ.

Tuy nhiên, theo những nhà hoạt động tư nhân, những phản ứng quá đà từ nhiều phía không thực sự cần thiết, bởi kết quả tìm kiếm sẽ chỉ được gỡ bỏ từ những cụm từ tìm kiếm tên cá nhân, không phải trên tất cả các kết quả tìm kiếm của Google. Hoặc kết quả gỡ bỏ chỉ được thực hiện trên các trang web  châu Âu, trong khi vẫn còn duy trì trạng thái nguyên vẹn ở website chính trụ sở tại Mỹ google.com. Những người đang dùng công cụ tìm kiếm phiên bản Google Châu Âu tại đây hoàn toàn có thể chuyển sang dùng phiên bản Mỹ chưa qua kiểm lọc một cách dễ dàng.

Điều luật “quyền được lãng quên” ở khu vực châu Âu rõ ràng đang tạo hiệu ứng đến các quốc gia khác như Canada, Nhật Bản… Nhiều người dân các nước này hy vọng đất nước họ sẽ áp dụng những quy định tương tự đối với các công cụ tìm kiếm, đồng thời cho rằng Google nên áp dụng việc gỡ bỏ đối với không chỉ riêng Châu Âu mà ở phương diện toàn cầu.

“Việc gỡ bỏ giúp Google nâng cao dịch vụ phục vụ khách hàng và tính cạnh tranh cao trong ngành công nghiệp để minh chứng sự thân thiện, tôn trọng quyền riêng tư của người dùng bằng cách đi tiên phong một dịch vụ không biên giới, không biệt quốc tịch và nơi cư trú của người gửi thư yêu cầu xóa bỏ”, doanh nhân Allen Chiang Yam-wang ở Hồng Kông nói.     

Tin bài liên quan