Goldman Sachs lại lập kỷ lục từ thiện

Goldman Sachs lại lập kỷ lục từ thiện

(ĐTCK) Goldman Sachs được xem là bậc thầy về kiếm tiền. Nhưng gần đây, Goldman lại trở thành cái tên được nhắc nhiều về cách chi tiền cho cộng đồng.

Goldman Sachs lại lập kỷ lục từ thiện ảnh 1

Goldman Sachs được xem là bậc thầy về kiếm tiền. Nhưng gần đây, Goldman lại trở thành cái tên được nhắc nhiều về cách chi tiền cho cộng đồng.

Với nhiều người, Goldman là biểu tượng của sự tham lam và thừa tiền trên phố Wall: Hãng đã từng bị buộc tội kiếm lợi hàng tỷ USD trong khi những người dân thường mất cả ngôi nhà của họ trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, là ngân hàng bị chỉ trích là bán khách hàng để lấy lời.

Giờ đây, Goldman muốn thế giới biết rằng, họ cũng có lòng từ thiện. Hãng vừa công bố số tiền khổng lồ lên tới 1,6 tỷ USD đã chi ra cho hoạt động cộng đồng suốt từ năm 2008 tới nay, và số tiền này còn có chiều hướng gia tăng.

Năm 2012, Goldman cũng chi ra 241,3 triệu USD làm từ thiện, theo số liệu của The Chronicle of Philanthropy, đưa Hãng trở thành doanh nghiệp đứng thứ 4 nước Mỹ về số tiền chi cho cộng đồng. Khoản chi này lớn hơn nhiều so với con số 47 triệu USD Hãng bỏ ra làm từ thiện hồi năm 2006.

Goldman đã và đang cố gắng đánh bóng hình ảnh của mình trong mắt người đân Mỹ và trong mắt giới chính trị ở Washington. “Việc cam kết đối với cộng đồng không chỉ là một việc làm đúng, mà đã trở thành một việc làm cần thiết”, John F.W. Rogers, một trong những lãnh đạo thúc đẩy hoạt động làm từ thiện của Hãng nói.

Tuy nhiên, đây vẫn là phố Wall - nơi tiền là thước đo tối cao của giá trị. Các lãnh đạo trong ngành ngân hàng nói rằng, Goldman Sachs Foundation, tổ chức thực hiện các hoạt động xã hội của Hãng, đã được cấp vốn rất nhiều ngay cả vào thời điểm ngân hàng này cắt giảm mạnh cả chi phí và nhân sự.

Điều đó tạo nên sự phẫn nộ trong một bộ phận nhân viên. Sự phẫn nộ này phát sinh từ việc Dina Powell, lãnh đạo vận hành Quỹ từ thiện Goldman Sachs Foundation, dường như đã được hưởng nhiều đặc quyền hơn mức bình thường.

Powell có thu nhập xấp xỉ 2 triệu USD mỗi năm. Đây được coi là mức thu nhập cao đối với vị trí của Powell, bởi các lãnh đạo đồng cấp khác của những tổ chức từ thiện lớn cũng chỉ có thu nhập rơi vào khoảng 1,8 - 3 triệu USD, theo số liệu của Chronicle of Philanthropy.

Sự chú ý càng gay gắt hơn khi cô con gái 20 tuổi của CEO Goldman, Lloyd C. Blankfein, lại làm tập sự cho bộ phận của Powell vào mùa hè trước.

Thực ra trước nay Goldman cũng chẳng hề chi tiền lặng lẽ. Hãng đã đặt logo của mình cùng với hàng trăm triệu USD vào hai chương trình từ thiện đình đám, một chương trình hỗ trợ phụ nữ tại các quốc gia phát triển và một chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp.

“Chương trình được tổ chức như kiểu show Broadway”, một trong những nhân viên của Goldman kể lại.

Công cuộc từ thiện này thậm chí khiến một số cổ đông của Goldman đặt câu hỏi. Warren E. Buffett, một trong những cổ đông lớn của Goldman đã nói rằng, ông hoàn toàn ủng hộ hoạt động từ thiện của Goldman, nhưng lại cảm thấy khó hiểu với quy mô chi cho từ thiện của Hãng.

Và sau tất cả, phần lớn số tiền này lại được lấy ra từ lợi nhuận của Hãng, tức là từ túi của cổ đông.

“Tôi nghĩ các chương trình của Goldman là những chương trình tốt nhất tôi từng được chứng kiến, nhưng cá nhân tôi không thích ý tưởng tiêu tiền của người khác”, Buffett nói.

Một số cổ đông khác nghi ngờ rằng trách nhiệm của Goldman đối với cộng đồng chỉ là một xảo thuật. Số tiền chi cho cộng đồng của Goldman năm ngoái chiếm đến 3,9% thu nhập trước thuế của Hãng.

Trong khi Wells Fargo, doanh nghiệp làm từ thiện lớn nhất nước Mỹ, cũng chỉ chi ra số tiền bằng 1,3% lợi nhuận trước thuế cho từ thiện.

“Việc các công ty chi ra trên 2% lợi nhuận cho việc làm từ thiện là bất thường”, Buffett nói.

Đáp lại những nghi ngờ này, Rogers nói rằng, Hãng đã hỗ trợ cuộc sống của mọi người theo một cách khác và việc chi tiền của Hãng giúp giảm gánh nặng cho xã hội nhiều hơn trong thời kỳ khó khăn.

Goldman Sachs có lịch sử làm từ thiện khá lâu năm. Sau khi trở thành công ty đại chúng vào năm 1999, Goldman Sachs Foundation bắt đầu hoạt động với số vốn 200 triệu USD.

Goldman cũng quản lý Goldman Sachs Gives, tổ chức đã chi ra 667 triệu USD cho 3.000 tổ chức từ thiện tính đến  năm 2010.

Và không phải chiến dịch từ thiện của Goldman không có tác dụng với cộng đồng. Malene Barnett, người sáng lập ra Malene B. Carpets, tổ chức chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công nói rằng, các chương trình của Goldman đã giúp ích cho tổ chức của bà rất nhiều.

“Tất cả những gì tôi biết trước đó là mọi người ở Goldman kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng giờ tôi tin rằng, họ đang thật sự cố gắng chi ra”, Malene Barnett nói.